Buổi sáng, tôi hẹn một người bạn đi café. Tôi đến sau, vừa mới ngồi xuống ghế, chưa kịp gọi đồ uống người bạn vừa cười vừa nói: "Nếu được cho phép họ còn phá án giúp công an cũng nên".
Nói xong, người bạn chìa điện thoại ra cho tôi xem một đoạn video của người dân livestream vụ việc về một đối tượng Tuấn "khỉ" sử dụng súng bắn chết nhiều người ở sới bạc đang lẩn trốn ở huyện Củ Chi. Trong đoạn livestream đó có nhiều người vô tư bàn tán: Ủa sao nhiều công an vậy? Bộ giết người hả? Sao rồi, cho tui coi với, đã bắt được nó chưa, nó núp mé nào?
Thú thiệt, nói ra sẽ làm nhiều người phật ý, mất lòng nhưng tui dám cá là trên thế giới chưa thấy dân nào nhiều chuyện, tò mò bất chấp như người Việt mình. Họ rất thích nói qua nói lại, nói sau lưng, mà hễ xóm làng có động dao động thớt thì xách cái miệng đi ra… coi.
Mấy ngày nay báo chí đăng rất nhiều tin tức về đối tượng sử dụng súng bắn chết nhiều người ở sới bạc ở huyện Củ Chi, rồi một trường hợp khác mang lựu đạn cố thủ tại quận 10, Tp Hồ Chí Minh. Bên cạnh thông tin vụ án thì đập vào mắt tôi là hình ảnh rất nhiều người tập trung hai bên đường, chỉ còn chừa lại một lối nhỏ ở giữa.
Nghi phạm có súng, lựu đạn nhưng hàng trăm người dân vẫn tụ tập quanh hiện trường để "hóng"
Hung thủ rất nguy hiểm khiến lực lượng chức năng phải huy động hơn 500 cán bộ chiến sĩ công an, sử dụng cả xe bọc thép, chó nghiệp vụ vậy mà người dân bu đen bu đỏ coi công an vây bắt. Lực lượng chức năng có bố trí cán bộ giải thích, khuyên những ai không có trách nhiệm ra về nhưng người dân chả quan tâm, tối đến còn kéo đến đông hơn. Thậm chí có cặp vợ chồng xem qua mạng không đã, đã vượt hàng chục km đến xem cảnh sát vây bắt nghi can xả súng ở sới bạc.
Không những nhiều chuyện ở những vụ án kể trên mà trong cuộc sống hằng ngày người Việt cũng nhiều chuyện. Cái gì cũng tập trung lại đông nghẹt, vợ đánh chồng hàng xóm cũng bu coi, chém lộn cũng coi, chửi lộn cũng coi, đám tang cũng coi, chó cắn cũng coi .
Thậm chí buổi tối, người dân kéo đến coi công an vây bắt nghi phạm có súng còn đông hơn
Nhờ hồi 1990 tại cầu Xóm Chỉ cạnh kênh Tàu Hủ – bến Bình Đông, Tp Hồ Chí Minh có một người tự tử, rồi người dân tò mò bu đen bu đỏ leo lên cầu đứng coi, cầu sập chết thêm 8 người nữa, một bi kịch đến từ thói nhiều chuyện.
Tất nhiên sẽ có những người phản biện rằng: "Tụi tui nhiều chuyện cũng có cái hay chớ, có nhiều sự việc, vì tò mò, vì nhiều chuyện mà nhiều vụ chữa cháy, tai nạn giao thông luôn có những đóng góp tích cực của tụi tui". Tuy nhiên, chuyện nào ra chuyện ấy. Nếu làm tốt thì sẽ được khen và làm sai thì cần lên án.
Đành rằng hiếu kỳ, tò mò là thuộc tính của con người nhưng trong những vụ ở trên, cần dẹp thói tò mò, nhiều chuyện đi. Bởi người dân chẳng giúp được gì lực lượng chức năng mà trái lại còn có nguy cơ cản trở những người thi hành công vụ.
Ban Biên tập Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt trân trọng mời quý độc giả tham dự cuộc thi "Làm báo cùng Dân Việt" nhân dịp kỷ niệm 10 năm thành lập Báo Điện tử Dân Việt. Bài dự thi gửi về Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt Lô E2 Dương Đình Nghệ, quận Cầu Giấy, Hà Nội; email: bandocdanviet2010@gmail.com; điện thoại liên hệ: 0982340700. Tác phẩm gửi về đề nghị ghi rõ: Tham dự cuộc thi Làm báo cùng Dân Việt, kèm theo số điện thoại, địa chỉ của tác giả để tòa soạn liên hệ. Cơ cấu giải thưởng: 01 giải nhất trị giá 5 triệu đồng; 01 giải nhì trị giá 3 triệu đồng; 01 giải ba trị giá 2 triệu đồng. Mỗi tháng, Ban tổ chức sẽ lựa chọn tác phẩm có chất lượng của tháng để trao thưởng 1 triệu đồng/01 giải xuất sắc, 2 giải bài viết chất lượng 500.000 đồng/giải. Các bài viết được đăng tải sẽ được nhận nhuận bút theo quy định của Ban Biên tập Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt. |