Nông thôn đổi thay
Bà Hoàng Thị Huyền - Phó Chánh văn phòng NTM Hà Nội, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, đến nay thành phố đã có 6 huyện đạt chuẩn NTM gồm Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Trì, Đông Anh, Gia Lâm, Quốc Oai; 356/386 xã đạt chuẩn NTM, đạt 92,2% tổng số xã thực hiện chương trình xây dựng NTM trên địa bàn. Đáng chú ý, hiện toàn thành phố có 11 xã thuộc 3 huyện đã được công nhận đạt tiêu chí xã NTM nâng cao.
Cũng theo bà Huyền, đến nay Văn phòng NTM Hà Nội đã tổ chức đánh giá, phân hạng được 301 sản phẩm tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), trong đó có 6 sản phẩm tiềm năng đạt 5 sao, 207 sản phẩm 4 sao, 88 sản phẩm đạt 3 sao. Đơn vị đang xây dựng điểm giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP gắn với du lịch làng nghề, du lịch sinh thái và lập đề án xây dựng Trung tâm thiết kế sáng tạo và giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP...
Ứng dụng công nghệ cao vào nhân giống hoa lan hồ điệp tại HTX Đan Hoài (huyện Đan Phượng, Hà Nội). Ảnh: T.L
"Lâu nay các đồng chí hầu như chỉ quan tâm nhiệm vụ xây dựng NTM, đôi lúc nhiệm vụ của Chi cục bị xao nhãng, lơ là, trong đó cần chú ý công tác phát triển ngành nghề nông thôn, quan tâm tháo gỡ khó khăn ở các làng nghề, nhân rộng làng nghề truyền thống”. Ông Chu Phú Mỹ -Giám đốc sở NNPTNT Hà Nội |
Đơn cử như tại huyện Gia Lâm, sau rất nhiều nỗ lực bền bỉ, đến giữa tháng 7/2019 huyện đã có 100% số xã được công nhận đạt chuẩn NTM. Kết cấu hạ tầng trên địa bàn huyện được đầu tư đồng bộ với những con đường nông thôn được đổ bê tông rộng rãi, thông thoáng; những ngôi trường khang trang, sạch đẹp; công sở, trạm y tế, nhà văn hóa các xã được xây mới, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.
Trước đây, đi dọc đê sông Hồng, sông Đuống, người ta thường thấy những cánh đồng trồng ngô, khoai, đậu trên đất bãi, giá trị kinh tế không cao. Nhưng gần đây, những cánh đồng đất bãi như được khoác tấm áo mới với những vườn ổi, vườn cam, bưởi sai trĩu quả, những vùng chuyên canh rau trù phú.
Trong đó, xã Cổ Bi đã xây dựng được các vùng trồng chuối, đu đủ, táo; xã Đông Dư, Đa Tốn chuyên canh trồng ổi; hay như ở xã Văn Đức, 100% hộ dân có đời sống khấm khá nhờ thâm canh, luân canh trồng rau mau và chăn nuôi với 250ha rau an toàn…
Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Nguyễn Ngọc Thuần cho biết: Từ năm 2010 đến nay, nguồn vốn bố trí thực hiện chương trình xây dựng NTM trên địa bàn huyện đạt hơn 4.393 tỷ đồng. Trong đó, vốn huy động từ doanh nghiệp hơn 2.987 tỷ đồng, nhân dân đóng góp hơn 151 tỷ đồng. Nguồn vốn này đã được huyện ưu tiên cải tạo, nâng cấp, xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống và sinh hoạt của nhân dân; xây dựng các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển nông nghiệp, tạo ra các chuỗi liên kết.
Năm 2010, thu nhập bình quân của huyện mới đạt 17,9 triệu đồng/người/năm thì đến năm 2018, con số này đã tăng lên 47,6 triệu đồng/người/năm.
Tuy nhiên, theo bà Hoàng Thị Huyền, kết quả thực hiện Chương trình 02-CTr/TU của Thành uỷ Hà Nội về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM, nâng cao đời sống của nông dân” ở một số nơi không đồng đều, một số chỉ tiêu chưa hoàn thành kế hoạch đề ra, nhất là ở các xã xa trung tâm. Công tác vệ sinh môi trường ở một số nơi chưa được quan tâm đúng mức, nhất là tại các làng nghề vẫn chưa có giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường hiệu quả.
Bên cạnh đó, không ít số hộ gia đình, doanh nghiệp, HTX có sản phẩm tiềm năng đạt tiêu chuẩn OCOP nhưng lại không mặn mà tham gia chương trình do chưa quen với phương thức sản xuất mới, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu đạt chuẩn…
Nở rộ kinh tế trang trại
Đối với phát triển nông nghiệp, nông thôn, ông Nguyễn Văn Chí - Chi Cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn cho biết, năm 2019, Chi cục thực hiện nhiệm vụ trong bối cảnh ngành nông nghiệp đang tập trung đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất chuyên canh tập trung, quy mô lớn. Đơn vị đã tập trung đầu tư, hỗ trợ phát triển lĩnh vực kinh tế hợp tác, kinh tế hộ, trang trại nhằm phát triển kinh tế hộ gia đình, xây dựng NTM và tái cơ cấu nông nghiệp.
Trong năm 2019, Chi cục đã hỗ trợ phát triển chuỗi sản xuất lúa chất lượng cao TBR225 tại HTX nông nghiệp xã Thuỵ Hương (Chương Mỹ); liên kết tiêu thụ gà Mía tại HTX Nông nghiệp Tân Minh (xã Tân Minh, huyện Thường Tín)…; hỗ trợ thành lập mới 18 HTX nông nghiệp; hỗ trợ 11 HTX tham gia hội chợ, qua đó giới thiệu nhiều mặt hàng nông sản tiêu biểu của ngành nông nghiệp Thủ đô tới người tiêu dùng.
Cũng theo ông Chí, đến nay toàn thành phố đã có 3.064 trang trại hoạt động có hiệu quả (gồm 2.033 trang trại chăn nuôi, 480 trang trại thuỷ sản, 341 trang trại tổng hợp, 209 trang trại trồng trọt, 1 trang trại lâm nghiệp), trong đó có 178 trang trại đã được cấp giấy chứng nhận.
“Mô hình kinh tế trang trại, HTX đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp trên địa bàn, trong đó ngày càng nhiều trang trại ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất, tạo ra nhiều sản phẩm hàng hoá có chất lượng phục vụ nhu cầu người tiêu dùng Thủ đô. Đáng chú ý, nhiều trang trại còn kết hợp phát triển du lịch sinh thái, giáo dục trải nghiệm như trang trại Hoa Viên (Thạch Thất), Vạn An (Thanh Trì), Dê Trắng, Đồng quê (Ba Vì)…, đem lại thu nhập cao từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng/trang trại” - ông Chí đánh giá.
Ông Nguyễn Xuân Nguyên - Hội Sinh vật cảnh TP.Hà Nội cũng cho biết, trước xu thế đô thị hoá diễn ra nhanh, các thành viên trong hội và bà con nông dân đã tích cực khai thác tiềm năng đất đai, nhân rộng mô hình trồng hoa, cây cảnh.
Trong đó, các mô hình trồng hoa, cây cảnh dù không cần nhiều đất đai nhưng cho giá trị kinh tế rất cao, ví dụ như trang trại trồng lan hồ điệp công nghệ cao của HTX Đan Hoài (huyện Đan Phượng) có diện tích 12.500m2, sản xuất ra 250.000 cây hoa các loại, doanh thu từ 4-5 tỷ đồng/năm. Nghề trồng hoa, cây cảnh không chỉ giúp nông dân nâng cao thu nhập mà còn tạo nét đẹp văn hoá cho Thủ đô, làm đẹp môi trường sống ở nông thôn.
Về định hướng phát triển năm 2020, ông Chu Phú Mỹ - Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội cho biết: “Năm 2020, Hà Nội phấn đấu sẽ có thêm 4 huyện đạt chuẩn NTM, nâng tổng số huyện NTM lên con số 10; hơn 95% số xã đạt chuẩn NTM; có thêm ít nhất 700 sản phẩm OCOP.
Để thực hiện mục tiêu này, đề nghị Văn phòng NTM, Chi cục Phát triển nông thôn sắp xếp cán bộ thực hiện chương trình, giảm kiêm nhiệm dẫn tới quá tải, không hoàn thành tốt nhiệm vụ; phối hợp với các huyện rà soát lại toàn bộ 30 xã chưa đạt chuẩn NTM để tìm hiểu xem các xã này vướng mắc khâu nào, vốn cần thêm bao nhiêu để hoàn thành các tiêu chí còn lại”.
“Lĩnh vực HTX, kinh tế trang trại tiềm năng phát triển rất lớn, nhưng khó khăn cũng không ít, do đó Chi cục cần tiếp tục tham mưu, tháo gỡ cho các HTX nông nghiệp, thành lập các HTX chuyên canh rau, thịt để xây dựng chuỗi liên kết sản xuất hàng hoá hiệu quả” - ông Chu Phú Mỹ nói. |