Dân Việt

Trao “cần câu” cho nông dân

07/03/2012 05:55 GMT+7
(Dân Việt) - Xác định phát triển vùng nguyên liệu phải gắn chặt với công tác đào tạo nghề, những năm qua Công ty CP Sữa quốc tế Ba Vì (IDP) đã đào tạo nghề cho hàng nghìn người dân.

Lỗ vì thiếu hiểu biết

Anh Lê Đinh Năm thôn Muồng Phú Vàng, xã Vân Hòa (Ba Vì, Hà Nội) kể: “Năm 2010, trong 2 tháng tôi bị chết mất 2 con bò đang cho 35 lít sữa/ngày, thiệt hại gần 80 triệu đồng. Thấy bò không ăn tưởng nó nhớ con, hay bị đau bụng, tôi vội mua thuốc về cho bò uống, uống được 2 hôm thì nó lăn ra chết. Mãi sau này được IDP tập huấn, thì ra bò chết là do bị nhiễm ký sinh trùng đường máu. Giờ những bệnh này tôi chỉ cần tiêm 2 liều thuốc là ngon ngay”.

img
Người dân nhập sữa tại các trạm thu gom.

Anh Nguyễn Viết Điệp thôn Hát Giang, xã Tản Lĩnh (Ba Vì) nuôi bò từ năm 2007, lúc đầu nuôi 2 con, thấy có lãi anh tăng lên 7 con. Đang trong giai đoạn “hái ra tiền”, thì 4 con bò của anh bị bệnh viêm vú. “Chúng đang cho mỗi ngày hơn tạ sữa bỗng ngã bệnh. Sau hơn 2 tháng điều trị, chỉ có 2 con khỏi, nhưng lại kém sữa buộc tôi phải bán cả 4 con giá bò thịt 10 triệu đồng/con, lỗ 18 triệu đồng/con”.

Anh Điệp kể tiếp: “Cũng do mình “dốt” mà ra thôi. Khi đó tôi có mua lại cái máy vắt sữa của ông Đồng ở Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc), toàn tiếng Tây, tiếng Tàu nên tôi đành để nấc cũ để vắt sữa. Nhưng do máy chỉnh nhịp hút lên quá cao 200 nhịp/phút (thông thường chỉ 60 – 65 nhịp/phút) nên đầu vú bị hở tự chảy sữa, vi khuẩn xâm nhập dẫn đến viêm vú”.

Ông Nguyễn Ngọc Sơn – PGĐ Trung tâm Chăn nuôi gia súc lớn Hà Nội, giảng viên dạy các lớp tập huấn do IDP tổ chức chia sẻ: “Hiện nay nhiều người chăn nuôi chưa nắm vững kỹ thuật, nên tỷ lệ rủi ro rất cao (12 – 15%). Nếu không có kiến thức để xử lý các bệnh thông thường như ngã nước, sốt sữa, viêm vú… dẫn đến bò có thể bị thải loại, thì sẽ gây thiệt hại rất lớn, khoảng 30 triệu đồng/con, đó là chưa kể thiệt hại hàng trăm nghìn đồng từ tiền sữa mỗi ngày”.

Đổi đời nhờ được học nghề

Chăn nuôi bò sữa đang là nghề giúp nông dân làm giàu, đặc biệt hiện nay giá sữa đang khá cao và ổn định. Tuy nhiên, bò sữa là loại rất khó tính, phải có kiến thức chăm sóc đầy đủ thì hiệu quả mới cao. Thấu hiểu, nên những năm qua IDP đã liên tục mở các lớp đào tạo về kỹ thuật chăn nuôi bò sữa cho bà con.

Bà Nguyễn Thị Mai – Trưởng phòng Nông vụ Công ty CP Sữa quốc tế IDP cho hay, hàng năm IDP mở từ 8 – 10 lớp tập huấn. Mỗi khóa từ 50 – 60 học viên, học từ 1 tuần đến 1 tháng do các GS, PGS, TS chuyên ngành chăn nuôi, Thú y của Chi cục Thú y, Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội, Trung tâm Nghiên cứu bò và đồng cỏ Ba Vì… dạy nên chất lượng rất cao.

Các hộ tham gia tập học, không chỉ được miễn phí 100%, mà còn được lo ăn, ở, đi lại. Ngoài ra, tùy vào từng giai đoạn, cấp học, các hộ dân còn được IDP hỗ trợ tiền mặt từ 500.000 đồng đến 2 triệu đồng/hộ/khóa học.

“Mỗi năm IDP dành từ 4 – 5 tỷ đồng cho dạy nghề. Vừa qua hơn 500 hộ đã được cấp chứng chỉ về chăn nuôi. Qua khóa học họ đã biết cách phòng, trừ các bệnh thông thường và biết cách chăm sóc để bò cho nhiều sữa và chất lượng” – bà Mai cho hay.

Có tận mắt chứng kiến, mới biết người dân “yêu” và chăm sóc bò sữa như thế nào. Từ hệ thống chuồng trại, đồng cỏ… đều được đầu tư rất bài bản, cứ như là “kỹ sư nông nghiệp” vậy. Anh Điệp bảo: “Máng cỏ phải nhẵn, dễ lau chùi, máng nước tôi thiết kế tự động, bò khát là có nước uống, để bò khát là giảm sữa ngay. Nói cứ như nói đùa, chúng tôi chăm bò chẳng khác gì chăm con, bò ốm lo hơn là… người ốm. Mùa đông thì lo che chắn gió, mùa hè có khi nửa đêm vẫn phải dậy tắm cho bò, quạt thì 24/24 giờ. Hiện mỗi tháng tôi thu hơn 1 tấn sữa tươi, trừ chi phí lãi khoảng 25 triệu đồng”.