Dân Việt

Virus Corona chủng cũ tồn tại lâu ra sao trên tay nắm cửa, nút bấm thang máy, bàn phím...

Nguyễn Thái - Tổng hợp 04/02/2020 18:55 GMT+7
Trước việc số lượng người lây nhiễm virus Corona chủng mới lên tới hơn 20.000 người theo thống kê của Bộ Y tế Việt Nam tính tới sáng 4/2, nhiều người thắc mắc về thời gian loại virus này tồn tại ngoài môi trường.

img

Các chủng virus Corona cũ có thể sống sót ngoài môi trường, trên các đồ vật như tay nắm cửa, nút bấm thang máy, bàn phím... khoảng vài giờ tới vài ngày (ảnh minh họa)

Các nhà khoa học ở phía nam tỉnh Quảng Châu, Trung Quốc, hôm 2/2 phát hiện dấu vết của virus Corona chủng mới (2019-nCoV) ở tay nắm cửa tại nhà của một bệnh nhân nhiễm virus, tờ Ecns.cn đưa tin. Thông tin này khiến nhiều người lo lắng về khả năng lây nhiễm cao và thắc mắc thời gian virus Corona tồn tại trên các đồ vật như tay nắm cửa, thang máy, mặt bàn…

Trang WUSA9 dẫn nguồn từ Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết, các chủng virus Corona trước đây không tồn tại lâu khi phát tán ra môi trường bên ngoài.

Trong khi một người có thể mang virus trong vài ngày hoặc vài tuần, các chủng virus Corona trước đây chỉ có thể tồn tại được khoảng vài giờ, theo CDC. Điều này có nghĩa khả năng lây nhiễm virus từ đồ vật bên ngoài không cao nhưng nó vẫn có thể xảy ra.

Tuy đã rõ về các chủng virus Corona trước đây nhưng CDC vẫn chưa biết chính xác thời gian tồn tại ngoài môi trường của loại virus Corona chủng mới được phát hiện tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc hồi tháng 12/2019. Trong khi đó, các chủng virus Corona cũ có thể tồn tại ngoài môi trường từ vài giờ đến vài ngày.

Hiện chưa có bằng chứng cho thấy người dân Mỹ bị nhiễm virus từ các đồ vật ngoại trừ việc tiếp xúc trực tiếp với chất dịch (nước bọt, dịch miệng...) của người nhiễm bệnh. CDC cũng đặc biệt cảnh báo về các giọt nước bọt hoặc dịch miệng.

Các giọt nước bọt hoặc dịch miệng chứa virus bắn ra khi người bệnh ho hoặc hắt hơi. Những người khỏe mạnh nếu hít phải hoặc bị bắn vào mắt, mũi, miệng sẽ lây bệnh.

Vì vậy, khi người bệnh chạm vào đồ vật như tay nắm cửa, nút bấm thang máy, mặt bàn..., chưa chắc đồ vật đó đã nhiễm virus. Nếu người này ho, hắt hơi và dùng tay che miệng rồi sau đó chạm vào đồ vật, lúc đó đồ vật mới có virus lây bệnh.

Ngoài ra, nếu người bệnh ho hoặc hắt hơi vào đồ vật (không che tay), những giọt nước bọt hoặc dịch miệng có virus lây bệnh sẽ bắn vào đồ vật. Người khác chạm vào đồ vật sẽ lây lan virus từ đó.

Bên cạnh đó, theo nghiên cứu "Ảnh hưởng của nhiệt độ không khí và độ ẩm tương đối tới sự sống sót của virus Corona trên các bề mặt" năm 2010 của Lisa M. Casanova, giáo sư giàu kinh nghiệm y khoa của khoa Y tế Cộng đồng, thuộc Đại học Georgia (Mỹ) và cộng sự, nhiệt độ không khí và độ ẩm tương đối đều ảnh hưởng đến sự sống sót của các chủng virus Corona trên thép không gỉ, trang Accu Weather đưa tin.

Nghiên cứu cho thấy các chủng virus Corona có thể tồn tại lâu hơn ở nhiệt độ thấp và ngừng hoạt động hoặc không gây hại tới con người khi nhiệt độ cao. Ngoài ra, nếu độ ẩm môi trường thấp, virus sẽ hoạt động mạnh hơn. 

Virus Corona tấn công cơ thể người thế nào, gây ra triệu chứng gì?

Virus Corona có thể tác động tới cả người và động vật. Chúng lan truyền như cách các virus cảm lạnh khác lây lan.