Dân Việt

Rào cản vô hình "cô lập" kinh tế Trung Quốc giữa dịch virus Corona: Nhiều DN đứng trước "cửa tử"

Thùy Dung 04/02/2020 09:32 GMT+7
Tính đến 9 giờ sáng 4/2 (giờ Trung Quốc), đã có 20.622 ca nhiễm virus Corona và 426 ca tử vong được xác nhận, theo thông tin mới nhất từ South China Morning Post. Số ca nhiễm bệnh và tử vong tăng lên từng ngày đang khiến thị trường hoang mang vì quan ngại tác động tiêu cực của nó với nền kinh tế. Kinh tế Trung Quốc vô hình bị cô lập giữa đại dịch, khiến nhiều DN nhỏ điêu đứng.

Chứng khoán Trung Quốc giao dịch tồi tệ nhất kể từ năm 2015

Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài, sàn giao dịch chứng khoán Trung Quốc trở lại giao dịch vào 3/2 vừa qua. Ngay trong những giờ đầu tiên mở cửa phiên giao dịch, chứng khoán Trung Quốc đã giảm mạnh hơn 9% với sự tụt dốc của cả ba chỉ số Shenzhen Component, Shenzhen Composite và Shanghai Composite.

Kết thúc phiên giao dịch đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Âm lịch, chỉ số Shanghai Composite giảm 7,72%, đóng cửa ở mức khoảng 2.746,61 điểm trong khi Shenzhen Component giảm 8,45% để kết thúc ngày giao dịch ở mức 9.779,67 điểm. Shenzhen Composite cũng giảm 8.414%, đóng cửa ở khoảng 1.609,00 điểm. Đây được đánh giá là phiên giao dịch tồi tệ nhất của chứng khoán Trung Quốc kể từ năm 2015 đến nay.

img

Chứng khoán Trung Quốc hôm 3/2 tụt mạnh hơn 7%, phiên giao dịch tệ nhất kể từ năm 2015

Cổ phiếu các công ty sản xuất, vật liệt và hàng tiêu dùng của Trung Quốc là lĩnh vực giảm mạnh mẽ nhất trên các sàn giao dịch trong bối cảnh 21/31 tỉnh thành Trung Quốc khuyến nghị doanh nghiệp đình chỉ các hoạt động sản xuất kinh doanh cho đến ít nhất hết ngày 9/2. Trong khi đó, cổ phiếu lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và thiết bị y tế tăng vọt. 

Trong phiên giao dịch sớm hôm 4/2, chỉ số Shanghai Composite đã tăng 0,5% trong khi Shenzhen Composite tăng 0,125% và Shenzhen Component tăng 1,25% sau những nỗ lực nới lỏng chính sách tiền tệ thông qua bơm thanh khoản và hạ lãi suất của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc. Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định tác động của những biện pháp như vậy trong bối cảnh hiện tại là gần như không đáng kể.

Việc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc tuyên bố bơm thanh khoản 150 tỷ nhân dân tệ (22 tỷ USD) vào nền kinh tế thông qua nghiệp vụ repo ngược và hạ lãi suất ngắn hạn 0,10% không giúp cứu vãn sắc đỏ trên thị trường chứng khoán. Julian Evans-Pritchard, một chuyên gia kinh tế cấp cao phụ trách các vấn đề Trung Quốc từ Capital Economics nhận định: “Mức cắt giảm lãi suất hiện tại (của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc) là quá yếu để bù đắp lại những lực cản với nền kinh tế trong bối cảnh dịch virus Corona bùng phát. Giữa lúc niềm tin doanh nghiệp và người tiêu dùng đều ảm đạm, việc cắt giảm lãi suất 0,1% có thể sẽ không giúp nâng mức tăng trưởng tín dụng lên nhiều như kỳ vọng.”

Rào cản vô hình “cô lập” nền kinh tế Trung Quốc

Những bức tường vô hình đã và đang mọc lên giữa Trung Quốc và phần còn lại của thế giới khi nước này vật lộn với dịch virus Corona đang tiến triển khó kiểm soát. Số ca mắc bệnh và số người tử vong không ngừng tăng lên hàng ngày, theo cập nhật của Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc. Hàng loạt quốc gia mà khởi đầu là Nga, Mỹ, Singapore, Nhật Bản... đã cố gắng “đóng cửa biên giới” với Trung Quốc bằng cách thực thi hàng loạt biện pháp hạn chế hoặc cấm nhập cảnh với công dân Trung Quốc hoặc công dân nước ngoài đã đến Trung Quốc trong những ngày gần đây như một nỗ lực bảo vệ đất nước khỏi dịch virus Corona. 

img

Gần 10.000 chuyến bay đến và đi Trung Quốc bị hủy tính đến cuối tuần trước do dịch virus Corona

Bộ Ngoại giao Mỹ thậm chí cứng rắn hơn khi nâng mức cảnh báo du khách từ cấp 3 lên cấp 4, khuyến cáo cấm công dân đến Trung Quốc du lịch trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát khó kiểm soát. Chính phủ Australia cũng khuyến cáo người dân xem xét lại các chuyến đi đến Trung Quốc, tâm điểm của dịch bệnh.

Tính đến cuối tuần trước, đã có gần 10.000 chuyến bay đến và đi Trung Quốc bị hủy do dịch virus Corona. Hơn 30 hãng hàng không trên toàn thế giới bao gồm cả hãng hàng không quốc gia nhiều nước trên thế giới, các hãng hàng không lớn của Mỹ như United Airlines, American Airlines, Delta... tuyên bố hủy hoặc giảm thiểu đa số các đường bay đến Trung Quốc - tâm chấn của dịch bệnh. Những rào cản vô hình đang mọc lên, ngăn cách người dân Trung Quốc với phần còn lại của thế giới.

Rào cản kinh tế cũng đang dần xuất hiện. Liu Kaiming, nhà quản lý Viện quan sát đương đại Trung Quốc, chuyên nghiên cứu điều kiện làm việc của hàng trăm nhà máy trên khắp đất nước mới đây cũng cảnh báo trên tờ South China Morning Post rằng các đối tác thương mại có xu hướng tìm kiếm nguồn cung khác ngoài Trung Quốc nếu dịch virus Corona tiếp tục kéo dài. 

“Nếu dịch bệnh được khống chế ngay trong tháng 2, những tác động của nó đến ngành sản xuất vẫn sẽ nằm trong tầm kiểm soát. Nhưng một khi dịch bệnh kéo dài đến tháng 3, các đối tác thương mại có thể sẽ chuyển sang tìm kiếm nguồn cung từ các quốc gia khác… Chuỗi cung ứng trên thị trường đã bắt đầu thay đổi trong vài năm qua do hệ quả của thương chiến Mỹ Trung (và những mức thuế quan trừng phạt với hàng hóa Trung Quốc). Giờ đây, đại dịch Corona chắc chắn sẽ tạo thêm động lực cho những dịch chuyển” - ông Liu Kaiming nhận định.

Bằng chứng dễ thấy nhất là Ftech, một nhà cung cấp bàn đạp phanh ô tô cho hãng Honda đang lên kế hoạch chuyển nhà máy sản xuất từ Vũ Hán (Trung Quốc) sang Philippines trong bối cảnh nhà máy phải đóng cửa dài ngày vì dịch virus Corona, thông tin từ tờ Nikkei Asian Review cho hay. “Nếu dịch virus Corona tiếp tục kéo dài, sẽ có thêm nhiều công ty hành động như Ftech” - tờ Nikkei Asian Review cảnh báo. Thực tế, nhiều nhà sản xuất nước ngoài và doanh nghiệp đặt tại Vũ Hán đang quan ngại việc đình trệ sản xuất có thể làm chậm tiến độ giao hàng, ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng quốc tế nói chung và lợi nhuận doanh nghiệp nói riêng.

Thực tế, một số công ty, doanh nghiệp sản xuất tại Vũ Hán thuộc quyền sở hữu nhà nước vẫn được phép hoạt động xuyên Tết Nguyên đán và cả khi bệnh dịch bùng phát, nhờ điều luật miễn trừ đặc biệt từ Bắc Kinh. Yangtze Memory Technologies Co Ltd (YMTC), một nhà sản xuất chip nhớ có trụ sở tại Vũ Hán - tâm chấn của dịch virus Corona xác nhận hôm 3/2 rằng họ đã không ngừng sản xuất trong suốt dịp Tết Nguyên đán và hiện vẫn chưa đình chỉ sản xuất như khuyến cáo của chính quyền. Hay Semiconductor Manufacturing International Corp (SMIC) cũng xác nhận đã tiến hành các hoạt động sản xuất chip trong suốt kỳ nghỉ Tết Nguyên đán vừa qua để đảm bảo đáp ứng kịp thời nhu cầu của khách hàng. 

img

Huawei là một trong số hiếm doanh nghiệp được phép trở lại sản xuất giữa tâm dịch virus Corona

Gã khổng lồ viễn thông Huawei hôm 3/2 cũng tuyên bố một số nhà máy ở Đông Quan (Quảng Đông) trở lại sản xuất sớm hơn khuyến nghị của chính quyền 1 tuần, cũng dựa trên điều luật miễn trừ đặc biệt dành cho các doanh nghiệp, các ngành sản xuất quan trọng. Nhưng rõ ràng, các doanh nghiệp nước ngoài thì không may mắn như vậy. Xu hướng dịch chuyển chuỗi sản xuất và cung ứng ra khỏi Trung Quốc nếu tình hình bệnh dịch không được kiểm soát sớm là điều dễ nhận thấy.

Doanh nghiệp vừa và nhỏ Trung Quốc (SMEs) đứng trước “cửa tử”

Trong khi các doanh nghiệp nhà nước nhận được sự trợ cấp từ chính phủ còn doanh nghiệp lớn có đủ vòng quay vốn để tự bảo vệ mình nếu dịch virus Corona kéo dài, các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) tại Trung Quốc lại thừa nhận sẽ phá sản nếu dịch virus Corona kéo dài thêm vài tháng.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra SMEs chính là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ thương chiến Mỹ Trung kéo dài hơn 18 tháng trước đây, do các ngân hàng thường ưu tiên xét duyệt vay tín dụng với doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp lớn hơn là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Cơ chế kích thích của chính phủ cũng ít hướng tới các doanh nghiệp như vậy. Giờ đây, khi dịch virus Corona hoành hành, SMEs lại là đối tượng lao đao hơn cả.

Khảo sát của tờ South China Morning Post cho thấy đa số các cửa hàng, nhà hàng và nhà máy sản xuất nhỏ cho biết họ chỉ có thể cầm cự trong 2-3 tháng trước khi buộc phải đóng cửa vĩnh viễn, trong bối cảnh chính phủ khuyến nghị đóng cửa hầu hết các trung tâm thương mại, nhà máy sản xuất, đình trệ đa số hoạt động sản xuất kinh doanh.

Xibei, một trong những chuỗi nhà hàng lớn nhất Trung Quốc với hơn 400 cửa hàng tại 60 thành phố lớn và 20.000 nhân viên trên toàn quốc… cũng đang đối mặt với bài toán khó khi doanh thu giảm 90% so với cùng kỳ năm ngoái kể từ khi dịch Corona bùng phát. Chủ tịch Ja Guolong của Xibei cho hay: “Mỗi tháng, Xibei phải trả 156 triệu NDT (khoảng hơn 22 triệu USD) tiền lương nhân viên. Dòng tiền hiện tại cho phép chúng tôi duy trì chi trả lương trong khoảng 2-3 tháng. Một khi dịch bệnh kéo dài lâu hơn, chúng tôi không có sự lựa chọn nào khác ngoài sa thải nhân viên”.

Thực tế, các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) mới là bộ phận đóng góp quan trọng cho nền kinh tế Trung Quốc trong giai đoạn 2014-2019. Theo số liệu từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBC) tính trong năm 2018, tổng doanh thu hàng năm của các SMEs đạt 188.200 tỷ NDT (khoảng 26.900 tỷ USD), chiếm tới 68,2% tổng doanh thu của tất cả các doanh nghiệp tại nước này. Các SMEs cũng sử dụng tới 233 triệu lao động, chiếu hơn 79% tổng số lao động trong các doanh nghiệp trên toàn quốc.

Việc các SMEs đứng trước nguy cơ phá sản vì dịch virus Corona chắc chắn sẽ là “đòn chí tử” với nền kinh tế Trung Quốc. Ông Peng Peng, phó chủ tịch Hiệp hội nghiên cứu cải cách Quảng Đông vì thế nhận định: “Chính quyền phải có cơ chế “cứu” các doanh nghiệp vừa và nhỏ”.