Dân Việt

Liên Xô và những việc "vô tiền khoáng hậu" khi Bác Hồ qua đời

PV 04/02/2020 18:32 GMT+7
Bày tỏ lòng tiếc thương khi Hồ Chủ tịch qua đời, lãnh đạo Liên Xô đã thực hiện những công việc vô tiền khoáng hậu.

Bác Hồ ra đi để lại niềm tiếc thương vô hạn không chỉ trong lòng nhân dân ta mà cả trong trái tim triệu triệu con người khắp năm châu bốn biển, trong đó có nhân dân Liên Xô trước đây.

Cá nhân tôi đã trực tiếp cảm nhận điều đó khi làm việc tại Đại sứ quán nước ta ở Moscow và được phân công phụ trách quan hệ chính trị, bao gồm cả quan hệ giữa hai Đảng.

img

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm chính thức Liên Xô, tháng 7/1955. (Ảnh tư liệu).

Tôi không bao giờ quên tâm trạng bàng hoàng vào buổi tối 2/9/1969 khi cầm trên tay bức điện mật từ trong nước báo tin dữ: Bác Hồ đã qua đời! Bức điện yêu cầu Đại sứ quán (ĐSQ) thông báo ngay cho Trung ương Đảng bạn và đề nghị bạn đưa gấp sang Việt Nam chuyên gia, dụng cụ, vật liệu cần thiết phục vụ cho việc giữ gìn lâu dài thi hài Bác.

Số là, cuối những năm 60 thế kỷ trước, sức khỏe Bác Hồ ngày một giảm sút, Trung ương Đảng đề nghị Liên Xô giúp gìn giữ thi hài Bác một khi Bác qua đời. Bạn đã chân thành đáp ứng yêu cầu của Trung ương Đảng ta và trong 50 năm qua đã hết lòng, hết sức hợp tác với ta trong công việc thiêng liêng này.

Điều dễ hiểu là trong thời điểm ấy, đây là điều tuyệt mật. Trong ĐSQ chỉ có Đại sứ Nguyễn Thọ Chân, đồng chí cơ yếu và tôi biết. Chẳng may đúng lúc đó đồng chí Đại sứ lại đang ở bên Thụy Điển là nơi đồng chí kiêm nhiệm. Vì vậy, tôi phải tức tốc tới Ban đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô để thông báo.

img

Bác Hồ cùng nhà làm phim nổi tiếng của Liên Xô – Roman Karmen trong Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. (Ảnh tư liệu).

Khi gặp anh E.Glazunov, Vụ trưởng phụ trách quan hệ với Đảng ta, hai anh em chúng tôi cứ nhìn nhau nước mắt chảy ròng ròng, không nói nên lời vì cả hai đều có diễm phúc nhiều lần trực tiếp gặp mặt và phiên dịch cho Bác Hồ. Anh hứa báo cáo ngay cấp trên, song có điều tôi nói là nội dung quá quan trọng nhưng tôi lại là quan chức ở cấp quá thấp nên không biết sẽ báo cáo thế nào. Tôi đành thông báo cho anh biết hoàn cảnh của mình, còn xử lý ra sao thì tùy anh cân nhắc!

Chẳng bao lâu sau khi về tới ĐSQ, tôi nhận được điện thoại của anh Glazunov thông báo ông Iu.Andropov, Bí thư TƯ Đảng, Trưởng Ban đối ngoại (sau này, trong những năm 1982 – 1984 ông từng là Tổng bí thư BCH TƯ Đảng Cộng sản Liên Xô) sẽ trực tiếp đến ĐSQ bàn bạc những việc cụ thể. Đây là một việc vô tiền khoáng hậu vì không bao giờ một quan chức cao cấp như vậy lại đích thân đến cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài để giải quyết công việc như vậy cả!

Đương nhiên tôi không thể đứng ra tiếp đón và làm việc với ông nên quyết định thông báo cho anh Nguyễn Tiến Thông lúc đó là Đại biện lâm thời và ông Đặng Quang Minh là Đại sứ Cộng hòa Miền Nam Việt Nam đứng ra tiếp vì dù sao đi nữa, việc Bác Hồ đã qua đời không còn mang tính cơ mật nữa.

img

Chủ tịch Hồ Chí Minh tới thăm Trường Đại học Tổng hợp MGU ngày 16/7/1955. (Ảnh tư liệu).

Tới ĐSQ gần như vào giữa đêm, ông Iu.Andropov thay mặt Trung ương bạn bày tỏ lời chia buồn sâu sắc nhất trước cái tang lớn của nhân dân, của Đảng ta và thông báo bạn sẽ dùng chuyên cơ đưa ngay sang Hà Nội các chuyên gia cũng như thiết bị, dụng cụ, vật liệu cần thiết.

Rạng sáng hôm sau lại xảy ra một việc vô tiền khoáng hậu khác. Đó là Liên Xô đã cử tới ĐSQ ta cả một đội chuyên gia, công nhân bài trí lại cơ quan đúng theo nghi thức tang lễ.

Và ngay đầu giờ sáng, toàn thể ban lãnh đạo Đảng và Nhà nước Liên Xô đứng đầu là Tổng bí thư L.Brejnev đã tới ĐSQ viếng Bác. Sau phần nghi lễ, bạn ngồi lại rất lâu, chia sẻ những kỷ niệm không thể nào quên về tình cảm giữa Bác Hồ với lãnh đạo và nhân dân bạn.

Tiếp đó, trong mấy ngày liền, vô vàn người dân Liên Xô thuộc mọi lứa tuổi, tầng lớp, vùng miền nối đuôi nhau vào ĐSQ viếng Bác, trong số đó còn có rất nhiều công dân các nước ngoài đang làm việc, học tập và thăm Liên Xô.

Liên Xô đã cử sang Hà Nội dự lễ tang Bác đoàn đại biểu ở cấp cao hiếm thấy do ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng A.Kosyguine dẫn đầu. Ở đây diễn ra một sự kiện rất quan trọng mà có lẽ không nhiều người còn nhớ, thể hiện lòng mong mỏi chân thành của Bác nêu trong Di chúc về việc góp phần hàn gắn lại mối bất hòa giữa các nước XHCN, trước hết là giữa Liên Xô và Trung Quốc đã gây tác động tức thời.

Tôi còn nhớ vào giữa đêm 8/9/1969, đoàn Liên Xô đề nghị được gặp một nhà lãnh đạo cấp cao của ta để trao đổi một việc hệ trọng. Phía ta đã cử đồng chí Lê Thanh Nghị, ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng gặp bạn.

img

Chủ tịch Hồ Chí Minh trong buổi tiếp các chuyên gia Liên Xô làm việc tại Việt Nam năm 1960. (Ảnh tư liệu).

Tại cuộc gặp mà tôi được dự với tư cách phiên dịch, bạn đề nghị ta làm cầu nối thu xếp một cuộc tiếp xúc với Trung Quốc ở cấp người đứng đầu Chính phủ. Ta truyền đạt ngay yêu cầu đó cho phía Trung Quốc và phía Trung Quốc đã chấp thuận.

Cuộc gặp giữa Thủ tướng A.Kossyguine và Thủ tướng Chu Ân Lai diễn ra tại sân bay Bắc Kinh là nơi đoàn Liên Xô rẽ sang trên đường về nước. Tuy quan h-ệ giữa hai nước XHCN lớn nhất chưa được hàn gắn song dù sao cũng dịu bớt sau cuộc đụng độ quân sự giữa hai nước ở cồn Damansky (Trung Quốc gọi là Trần Bảo) trên sông Amur (Hắc Long Giang) vào cái năm 1969 đó.

Thời gian đã qua đi đúng một nửa thế kỷ song trong tôi không bao giờ phai nhạt những kỷ niệm đầy đau thương nhưng cũng đầy niềm tự hào về lòng yêu quý, kính trọng của nhân dân Liên Xô và nhân dân thế giới đối với Bác Hồ – người đã làm rạng rỡ non sông đất nước ta.

Vũ Khoan (Nguyên Phó Thủ tướng)