Như Dân Việt đã thông tin, mặc dù, định hướng xã hội hoá đầu tư xây dựng Cảng hàng không, nhưng Bộ GTVT chỉ xã hội hoá đầu tư tại các Cảng hàng không nhỏ, sản lượng khai thác và hiệu quả sản xuất kinh doanh có khả năng thu hồi vốn chậm. Trong khi những Cảng hàng không sinh lợi nhuận cao lại giao cho Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) quản lý, khai thác “độc quyền”.
Thiếu luận cứ
Tham gia ý kiến đối với báo cáo “định hướng xã hội hoá đầu tư xây dựng Cảng hàng không”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã có văn bản số 8905/BKHĐT-KCHTĐT do Thứ trưởng Nguyễn Đức Trung ký ban hành khẳng định: “Việc giao ACV chủ trì tổ chức thực hiện xã hội hoá đầu tư những hạng mục công trình kết cấu hạ tầng cảng hàng không không thiết yếu và công trình cung cấp dịch vụ phi hàng không là chưa phù hợp”.
Đề nghị Bộ GTVT làm rõ cơ sở khẳng định mô hình nhà nước sở hữu không còn phù hợp với tốc độ phát triển công nghệ và chuyên môn hoá trong ngành hàng không.
Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, về kinh nghiệm quốc tế xã hội hoá đầu tư kết cấu hạ tầng hàng không trong tài liệu mà Bộ GTVT cung cấp còn sơ sài. Báo cáo chỉ nêu được một số mô hình sở hữu cảng hàng không trong tài liệu của IATA, chưa nêu được kinh nghiệm cụ thể về xã hội hoá của các nước, nhất là các nước phát triển, các nước có điều kiện tương đồng về trình độ phát triển với Việt Nam. Đặc biệt, chưa chỉ ra được các ưu, nhược điểm của từng mô hình để từ đó luận cứ được mô hình ưu Việt nhất đối với Việt Nam.
Trước những điểm chưa rõ ràng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Bộ GTVT làm rõ cơ sở khẳng định mô hình nhà nước sở hữu không còn phù hợp với tốc độ phát triển công nghệ và chuyên môn hoá trong ngành hàng không. Đồng thời đề nghị Bộ GTVT bổ sung kinh nghiệm quốc tế áp dụng mô hình này...
Đối với mô hình doanh nghiệp phi lợi nhuận quản lý, đề nghị Bộ GTVT làm rõ mô hình doanh nghiệp phi lợi nhuận (doanh nghiệp 100% vốn tư nhân hay doanh nghiệp có sự tham gia góp vốn của nhà nước)...
Nhận xét về báo cáo của Bộ GTVT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh: “Nội dung nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế trong báo cáo còn chưa đầy đủ. Vì vậy, việc đề ra định hướng xã hội hoá như nêu trong báo cáo là chưa đảm bảo cơ sở lý luận và thực tiễn”.
“Đề nghị Bộ GTVT tiếp tục nghiên cứu các quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước đã nêu tại Nghị quyết số 13-ND/TW ngày 16/1/2012 của Ban chấp hành Trung Ương Đảng khoá XI về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ... và Quyết định số 236/QĐ-TTg ngày 23/2/2018 về phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 để xây dựng chính sách, định hướng xã hội hoá đầu tư xây dựng cảng hàng không ở nước ta cho phù hợp”, văn bản của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ.
Giao ACV là không phù hợp
Đáng chú ý, Bộ Kế hoạch và Đầu tư không đồng ý việc giới hạn danh mục các cảng hàng không kêu gọi xã hội hoá. Đồng thời, đề nghị không giới hạn danh mục cảng hàng không có thể kêu gọi xã hội hoá.
Cuối cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, theo quy định tại điểm a khoản 5 Điều 2 Nghị định số 12/2017/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ GTVT, thì Bộ GTVT thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ quản lý chuyên ngành các chương trình, dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, công bố danh mục dự án gọi vốn đầu tư và hình thức đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, trong đó, có kết cấu hạ tầng giao thông hàng không theo quy định của pháp luật.
Hạ tầng hàng không đang cần phải đầu tư để đáp ứng nhu cầu.
“ACV là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối 95,4%, không phải là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Vì vậy, việc giao ACV chủ trì tổ chức thực hiện xã hội hoá đầu tư những hạng mục công trình kết cấu hạ tầng cảng hàng không không thiết yếu và công trình cung cấp dịch vụ phi hàng không là chưa phù hợp”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định.
Trong góc nhìn về định hướng xã hội hoá hạ tầng hàng không của Bộ Giao thông Vận tải có đi ngược lại với chủ trương của nhà nước khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân?, PGS.TS. Nguyễn Thiện Tống, Chuyên gia kỳ cựu trong lĩnh vực hàng không cho rằng, không những đề xuất này mà ngay từ việc cổ phần hóa ACV và việc thành lập các công ty cổ phần con, công ty cổ phần liên doanh liên kết của ACV ở các sân bay như Công ty Cổ phần Phục vụ mặt đất Hà Nội (HGS), Công ty Cổ phần Dịch vụ hàng hóa hàng không Nội Bài (ACSV), Công ty Cổ phần Phục vụ mặt đất Sài Gòn (SAGS)… đều không công khai minh bạch và liên quan lợi ích nhóm.
"Công thức" nhà nước đầu tư hạ tầng sân bay để tư nhân khai thác đang là một sự thật oái ăm tại các sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Cam Ranh… Và đó là kết quả rõ ràng đi ngược lại chính sách cổ phần hoá các doanh nghiệp nhà nước, đi ngược lại chủ trương xã hội hóa đầu tư, khai thác hạ tầng giao thông. Tư nhân đang khai thác hạ tầng mà nhà nước đầu tư mà không phải trả tiền. Do đó cấu trúc về đầu tư, quản lí và vận hành sân bay cần phải xem xét lại một cách tổng thể.
Theo PGS.TS. Nguyễn Thiện Tống, khi cổ phần hóa ACV khu bay được tách ra khỏi tài sản của ACV. ACV sau khi cổ phần hóa được khai thác và thu phí khu hàng không dân dụng, là phần "béo bở" đem lại nhiều lợi nhuận và ACV hiện có trong tay cả chục ngàn tỷ đồng. Còn Nhà nước giữ lại khu bay, là phần "xương xẩu" không có lợi nhuận mà phải có trách nhiệm tiếp tục đầu tư sửa chữa để doanh nghiệp cổ phần ACV khai thác và thu phí khu hàng không dân dụng. Do đó, việc tách biệt khu bay ra khỏi tài sản của ACV khi cổ phần hóa đã phát sinh nhiều vấn đề như khu bay không được nâng cấp sửa chữa vì gặp khó khăn về kinh phí và cơ chế.
Trong báo cáo định hướng xã hội hoá đầu tư xây dựng cảng hàng không, Bộ GTVT đề xuất định hướng xã hội hoá đầu tư xây dựng cảng hàng không. Tuy nhiên, chỉ thực hiện kêu gọi xã hội hoá đầu tư cảng đối với 3 cảng hàng không là Sa Pa, Lai Châu, Quảng Trị. Trong khi đó, 22 cảng hàng không hiện do Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam (ACV) quản lý, khai thác và cảng hàng không quốc tế Long Thành thì không thực hiện xã hội hoá đầu tư toàn cảng, có thể thực hiện xã hội hoá đầu tư một số hàng mục công trình kết cấu hạ tầng cảng hàng không không thiết yếu và công trình cung cấp dịch vụ phi hàng không... Bộ Tư Pháp cho rằng, đối với việc Bộ GTVT đề nghị giao cho ACV chủ trì thực hiện, trên cơ sở kế hoạch đầu tư phát triển, cải tạo, mở rộng cảng hàng không, sân bay, được Bộ GTVT phê duyệt và quy trình lựa chọn nhà đầu tư được cơ quan có thẩm quyền ban hành, Bộ Tư Pháp “tuýt còi” và đề nghị xem xét lại kiến nghị này. |