Chị Đào Thanh Hảo hướng dẫn công nhân sao chè đúng kỹ thuật. Ảnh: V.M
Chị Đào Thanh Hảo - Giám đốc HTX chè Hảo Đạt gắn bó với cây chè đã hơn 20 năm. Năm 2017, Tổ hợp tác sản xuất kinh doanh chè Hảo Đạt đã phát triển thành HTX chè Hảo Đạt với 40 thành viên trực tiếp và liên kết. HTX chè Hảo Đạt hiện có hơn 6ha trồng chè và các hộ liên kết đạt 35ha theo tiêu chuẩn VietGAP.
Bình quân mỗi năm, HTX chế biến 1.500 tấn chè búp tươi, cung cấp ra thị trường từ 250 - 300 tấn chè búp an toàn, chất lượng cao, với các dòng sản phẩm chính như: Chè đinh, chè tôm nõn, chè móc câu, chè bát tiên…
Tương tự, HTX Gà đồi Đông Thịnh (xã Tân Khánh, huyện Phú Bình) thành lập năm 2014, hiện có 10 hộ thành viên với khuôn viên vườn đồi, chuồng trại chăn nuôi gà rộng trên 10ha. HTX áp dụng quy trình chăn nuôi VietGAP. Với ưu thế diện tích đất chăn nuôi rộng lớn, HTX đã xây dựng thương hiệu “Gà đồi Đông Thịnh”.
Ông Nguyễn Văn Thịnh - Giám đốc HTX gà đồi Đông Thịnh cho biết: Từ năm 2018 đến nay, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã phối hợp với HTX thực hiện dự án ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật xây dựng mô hình phát triển chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi gà đồi Phú Bình theo hướng an toàn sinh học. Đến nay, dự án đã ký hợp đồng với Trường Đại học Nông, lâm Thái Nguyên chuyển giao các quy trình kỹ thuật như: Chăn nuôi, phòng bệnh trong chăn nuôi gà sinh sản, gà thịt an toàn sinh học...
Hiện, các mô hình HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị từng bước được hình thành trên địa bàn tỉnh. Đã có nhiều HTX hoạt động hiệu quả, với nhiều cách làm hay, sáng tạo và trở thành mô hình HTX điển hình tiên tiến toàn quốc như: HTX chè Tân Hương, HTX chè Minh Thu, HTX chè Hảo Đạt (TP.Thái Nguyên), HTX chè La Bằng, HTX rau an toàn Hùng Sơn (xã La Bằng, huyện Đại Từ)…
Toàn tỉnh hiện có 509 HTX và 2 Liên hiệp HTX với trên 42.000 thành viên và người lao động, trong đó có trên 400 HTX hoạt động hiệu quả theo Luật HTX năm 2012, có 62 mô hình Hợp tác xã điển hình tiên tiến của tỉnh và toàn quốc. Doanh thu của các HTX năm 2019 đạt trên 3.100 tỷ đồng.
Ông Dương Văn Lượng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên cho biết: Thái Nguyên có một số sản phẩm nông sản chủ lực có thế mạnh, đạt tiêu chuẩn OCOP như: Chè, rau, củ, quả, các mặt hàng nông sản, gia súc, gia cầm... Trên thực thực tế, các HTX còn hạn chế về khâu quảng bá. Tỉnh sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp, các tổ chức, các hiệp hội, siêu thị, các trung tâm thương mại, thương nhân, các chợ đầu mối để kết nối và tiêu thụ sản phẩm của các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh.