Khắc mỹ nghệ trên những củ đinh lăng "khủng" là ý tưởng khởi nghiệp giúp đời sống kinh tế gia đình anh từng bước ổn định. Anh Trần Phú Lên đã và đang truyền cảm hứng cho những bạn trẻ có thêm ý chí, quyết tâm lập nghiệp, vươn lên làm giàu chính đáng.
Anh Trần Phú Lên chia sẻ, thấy ở địa phương mình có trồng nhiều đinh lăng, đây sẽ lợi thế về nguyên liệu để làm sản phẩm, vừa giúp bà con mình có thêm việc làm, thu nhập.
Anh Trần Phú Lên chọn củ đinh lăng để điêu khắc...
Năm 2017, khi đang làm nghề điêu khắc gỗ cho một cơ sở mộc ở tỉnh An Giang, thời gian rảnh, anh Phú Lên tìm hiểu công dụng của đinh lăng, biết được đinh lăng là cây dược liệu quý, dùng làm thuốc uống rất tốt cho sức khỏe và được các công ty dược liệu thu mua mạnh.
Ban đầu chưa có vốn nhiều, anh Phú Lên đi tìm những hộ dân trồng đinh lăng để thu mua cành, lá bán cho công ty dược. Công việc này giúp anh kiếm được vài triệu đồng mỗi tháng.
Đinh lăng thuộc họ nhân sâm (còn gọi nhân sân của người nghèo bởi giá thành phải chăng), rễ đinh lăng có tính mát, vị ngọt hơi đắng có tác dụng tăng cường sức đề kháng, bồi bổ khí huyết, giúp cơ thể ăn ngon, ngủ ngon. |
Thấy được tác dụng quý của củ đinh lăng, với nghề điêu khắc của bản thân, anh Phú Lên đã tạo ra nhiều tác phẩm nghệ thuật từ củ đinh lăng như rồng, phụng, phúc, lộc, thọ, bát tiên, 12 con giáp dùng để ngâm rượu và trưng bày.
Anh Trần Phú Lên chia sẻ: “Tôi học nghề điêu khắc gỗ do đam mê, lúc đó, tôi cũng làm đinh lăng, thu hoạch cành, lá giao cho công ty dược, củ cũng ngâm vô bình. Rồi nghĩ sao mình có cái nghề mà mình không áp dụng, nếu khắc hình lên củ đinh lăng cho đẹp và để vô bình sẽ bán được giá hơn, nâng cao giá trị củ đinh lăng lên”.
Nhìn thấy đầu ra cho loại sản phẩm củ đinh lăng điêu khắc này, năm 2018, anh Phú Lên thành lập Cơ sở Đinh lăng Phú Lên tại ấp Tân Thành Tây, xã Mỹ An Hưng A, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp. Cơ sở chuyên mua bán đinh lăng điêu khắc và cây giống đinh lăng.
Anh Lên thăm vườn đinh lăng của chú Nguyễn Văn Trường.
Đến nay, cơ sở đã ký hợp đồng bao tiêu, mở rộng vùng nguyên liệu đinh lăng lên 100ha tại nhiều tỉnh, thành từ Đồng Tháp, An Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ, Hậu Giang. Riêng sản phẩm đinh lăng điêu khắc, cơ sở đã phân phối cho nhiều chi nhánh ở Cần Thơ, Vĩnh Long, Cà Mau, Hậu Giang với sản lượng cung cấp ra thị trường từ 70 - 100 sản phẩm mỗi tháng.
Từ đó, thu nhập hàng tháng của anh Phú Lên tăng hơn 30 triệu đồng và tạo việc làm cho 5 lao động với thu nhập từ 5 - 6 triệu đồng mỗi tháng.
Tháng 3/2019, anh Trần Phú Lên được Xã đoàn Long Hưng A kết nạp vào Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Từ kinh nghiệm làm giàu của bản thân, anh chia sẻ nghề điêu khắc củ đinh lăng cho một số thanh niên ở địa phương và vận động đoàn viên, thanh niên tận dụng diện tích đất vườn cây ăn trái của gia đình để trồng xen đinh lăng.
Không chỉ tạo việc làm cho nhiều lao động nhàn rỗi, anh Phú Lên còn bao tiêu đầu ra cây và củ đinh lăng trong và ngoài xã. Từ đó, phong trào trồng xen đinh lăng trong vườn cây ăn trái được nhiều bà con áp dụng, giúp cải thiện thu nhập gia đình.
Sản phẩm đinh lăng điêu khắc của anh Lên đã được giới thiệu tại các hội chợ trong tỉnh.
Ông Nguyễn Văn Trường ở xã Long Hưng A tỏ ra rất kỳ vọng vào cách làm mới này: “Trước đây, tôi trồng 1.000 gốc đinh lăng xen trong vườn cây ăn trái, bán cho khách hàng vãng lai là chủ yếu. Từ khi cháu Lên đặt vấn đề trồng phát triển thêm và bao tiêu sản phẩm thì đầu ra căn bản ổn định, cứ 6 tháng sẽ thu hoạch lá đinh lăng tươi 1 lần, bán với giá 2.000 đồng/kg, đều đặn như thế sau 3 - 5 năm sẽ thu hoạch toàn bộ thân, lá, rễ tươi bán cho bên thu mua. Hiện nay, tôi đầu tư trồng đinh lăng trên diện tích 3 công đất vườn, thu nhập của gia đình tôi ổn định hơn trước”.
Nói về mô hình khởi nghiệp của anh Phú Lên, chị Trần Thị Hồng Mai - Bí thư Huyện đoàn Lấp Vò cho biết: “Mô hình khởi nghiệp bán sản phẩm củ đinh lăng điêu khắc và giống cây đinh lăng của Lên bước đầu rất khả quan, được Ban Thường vụ Huyện đoàn đánh giá khá cao và đã đề xuất hỗ trợ cho bạn 50 triệu đồng từ vốn khởi nghiệp của huyện Lấp Vò...".
"Để phát triển mô hình này, Ban Thường vụ Huyện đoàn phối hợp với ngành chuyên môn để giới thiệu, hỗ trợ bạn đăng ký mô hình sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu và phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của huyện đăng ký sản phẩm OCOP theo chương trình mỗi xã, thị trấn 1 sản phẩm”, chị Hồng Mai cho hay. Đam mê, sáng tạo và mạnh dạn thực hiện ý tưởng để phát triển kinh tế gia đình, mô hình khởi nghiệp của anh Phú Lên đã giúp cải thiện đời sống gia đình, góp phần phát triển kinh tế địa phương và nâng cao giá trị của củ đinh lăng - loại dược liệu được ví như nhân sâm. |