Dân Việt

Làm báo cùng Dân Việt: Tháng Giêng là tháng làm ăn!

Trịnh Thị Thuận (Hải Phòng) 07/02/2020 08:04 GMT+7
Từ bao đời nay, dân gian đã quan niệm: "Tháng Giêng là tháng ăn chơi”, người dân quê tôi cũng không ngoại lệ, có khi cái sự ăn chơi lai rai đến tận tháng hai. Nhưng những năm gần đây, điều ấy đã lỗi thời khi người dân Tiên Lãng (Hải Phòng) quê tôi quan niệm: “Tháng giêng là tháng làm ăn”, nhiều thứ đã đổi khác.

Nhờ chính sách xây dựng nông thôn mới và nhà nhà, người người cần cù chịu khó, quê tôi phát triển không kém gì phố. Đường nhựa đen bóng, sạch sẽ thay cho con đường sống trâu lầy lội năm xưa. Nhà cửa quy hoạch đâu ra đấy, nhiều gia đình sắm được cả ô tô, nhà nào cũng bếp ga, nước máy. Lớp trẻ đâu biết, mấy chục năm trước, đây là vùng đồng chua nước mặn, thuần nông còn vương cái nghèo.

img

Ảnh minh họa.I.T

Giờ quê hương thay da đổi thịt đến ngỡ ngàng. Cậu (anh mẹ tôi) thuộc hộ nghèo thâm niên nhất nhì làng, giờ có của ăn của để, nhà cửa khang trang. Năm nay gần 90 tuổi nhưng cậu vẫn minh mẫn. Cậu bảo: “Đời cậu cũng như người dân xã ta chưa bao giờ sung sướng, hạnh phúc như bây giờ. Ơn Đảng và Nhà nước lắm!”.

Nói rồi cậu cười mãn nguyện. Đến nhà nào, tôi cũng đọc được niềm hân hoan trên gương mặt, nụ cười mỗi người. Nhìn mấy đứa cháu diện quần áo mới ríu rít tụ tập ở sân, lòng tôi rạo rực như thuở đầu mới yêu. 

Chùa Thắng Phúc (thôn Mỹ Lộc, xã Tiên Thắng, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng) là niềm tự hào của người dân quê tôi. Giao thừa hay sáng sớm mùng một, nhà ai cũng sắm lễ lên chùa cầu cho quốc thái dân an, cho mưa thuận gió hòa, nhà nhà khấm khá. Chùa tổ chức lễ hội, gia đình nào cũng có người tham gia. Tuy vậy, không ai bỏ bê công việc đồng áng.

Các cụ đều dạy con cháu: “Hay làm thì giầu/ Hay cầu thì nghèo”. Cứ mùng 3 Tết là nhà nào cũng hóa vàng rồi người nào việc nấy.

Ngày mùng một năm nay, mưa rào xối xả. Người già bảo đó là trận mưa quái đản, có lẽ do biến đổi khí hậu. Hôm sau rau đắt, mấy chị rủ nhau hái bán. Tôi theo ra đồng.

Những ruộng su hào, bắp cải còn tương đối nguyên vẹn. Xót xa nhất là những hộ trồng rau diếp. Mưa làm tơi tả, lòng người nát tan! Các chị thoăn thoắt nhổ su hào, chặt bắp cải. Những củ su hào non bằng nắm tay con nguyên phấn trắng. Bắp cải cuộn chặt, chắc nịch. Mấy tháng trời chăm bón mới có thành quả như vậy.

Nhiều nhà không trồng hoa màu mà trồng thuốc lào. Luống trồng thuốc lào cao, rộng hơn hẳn luống trồng rau. Rãnh bao giờ cũng giữ nước xâm xấp. Ngắm những chiếc lá thuốc lào to như lưỡi mác, tôi bồi hồi nhớ về thuở thiếu thời.

Sơ tán về quê, lần đầu tiên xem thái thuốc lào. Dưới bàn tay khéo léo của người thái, những sợi thuốc mỏng tang lần lượt rơi xuống. Tôi như bị thôi miên, cứ la cà hết bàn thái thuốc nọ sang bàn thái kia. Được một lúc, tôi bị say thuốc người nôn nao. Để có thuốc ngon, từ lúc chăm sóc đến thái thuốc, phơi phong là cả một nghệ thuật. Khi thuốc bị nhờn, người ta phải nấu hồ gạo nếp lăn từng lá một rất kỳ công. Chính vì thế, thuốc lào Tiên Lãng quê tôi ngon nổi tiếng. Đó cũng là nguồn thu nhập đáng kể của nhiều hộ.

Giữa cánh đồng xanh, nhấp nhô nón trắng của các mẹ, các chị làm nên bức trang quê bình dị, đáng yêu. Tôi bỗng nhớ những vần thơ của nhà thơ Nguyễn Duy tặng người vợ tảo tần với lòng cảm thông, biết ơn sâu nặng : “Gót chân ăn vẹt bậc thềm/Quanh năm tất bật đi tìm ngày xuân”. Các mẹ, các chị là thế! Phụ nữ Việt Nam là thế!

Những ngày tiếp theo, dù rét đậm nhưng bà con quê tôi vẫn hối hả xuống đồng thu hoạch nông sản để giải phóng ruộng, làm đất, đổ ải chuẩn bị gieo cấy cho vụ lúa Xuân. Nghe tiếng mày bừa xình xịch mà lòng khấp khởi, bùi ngùi nhớ lại những năm gian khó “Con trâu đi trước, cái cày theo sau”. Thế nên làm nông giờ nhàn hơn. 

Dù chỉ mấy ngày ăn Tết ở quê, tôi vẫn cảm nhận được không khí Tết văn minh, tiết kiệm của người nông dân quê hương. Tuyệt nhiên không thấy hiện tượng cờ bạc sát phạt nhau. Trong các bữa tiệc, nước ngọt lên ngôi thay cho rượu bia.

Trở về phố, tai tôi vẫn văng vẳng lời ru cháu ngọt ngào của một chị hàng xóm: “Tháng giêng là tháng làm ăn/ Cần cù, tiết kiệm khó khăn phải lùi/ Dân giàu, nước mạnh ai ơi/ Lòng dân ơn Đảng đời đời sắt son!”.

Quê tôi giờ đã khác xưa, thật mừng!

Ban Biên tập Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt trân trọng mời quý độc giả tham dự cuộc thi "Làm báo cùng Dân Việt" nhân dịp kỷ niệm 10 năm thành lập Báo Điện tử Dân Việt. 

Bài dự thi gửi về Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt Lô E2 Dương Đình Nghệ, quận Cầu Giấy, Hà Nội; email: bandocdanviet2010@gmail.com; điện thoại liên hệ: 0982340700.

Tác phẩm gửi về đề nghị ghi rõ: Tham dự cuộc thi Làm báo cùng Dân Việt, kèm theo số điện thoại, địa chỉ của tác giả để tòa soạn liên hệ. 

Cơ cấu giải thưởng: 01 giải nhất trị giá 5 triệu đồng; 01 giải nhì trị giá 3 triệu đồng; 01 giải ba trị giá 2 triệu đồng. Mỗi tháng, Ban tổ chức sẽ lựa chọn tác phẩm có chất lượng của tháng để trao thưởng 1 triệu đồng/01 giải xuất sắc, 2 giải bài viết chất lượng 500.000 đồng/giải (Tổng giải tác phẩm chất lượng mỗi tháng là 2 triệu đồng).

Các bài viết được đăng tải sẽ được nhận nhuận bút theo quy định của Ban Biên tập Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt.