Dân Việt

28.266 ca nhiễm virus Corona: Bắc Kinh càng yếu thế trong thương chiến Mỹ-Trung

Thùy Dung 06/02/2020 15:41 GMT+7
Tính đến 3 giờ chiều ngày 6/2, theo thống kê của tờ South China Morning Post đã có 28.266 ca nhiễm virus Corona và 565 ca tử vong được xác nhận.

Vị thế Trung Quốc suy yếu vì virus Corona

Trong buổi tọa đàm trực tuyến “Virus Corona tác động thế nào đến kinh tế Việt Nam” tổ chức tại tòa soạn báo Nông thôn ngày nay sáng 6 /2, TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR), nhận định sự bùng phát của dịch virus Corona hiện tại sẽ làm suy yếu vị thế của Bắc Kinh trong chiến tranh thương mại Mỹ Trung.

Dịch virus Corona bùng nổ tại trong thời điểm hai nền kinh tế lớn nhất thế giới vừa thông qua thỏa thuận thương mại giai đoạn 1. Theo đó Trung Quốc cam kết tăng cường nhập khẩu 200 tỷ USD hàng hóa dịch vụ Mỹ trong vòng 2 năm để đổi lại việc Mỹ dỡ bỏ một phần thuế quan áp lên hàng hóa xuất xứ Trung Quốc. 

img

Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành trong buổi tọa đàm "Virus Corona tác động thế nào đến kinh tế Việt Nam"

Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành cho hay: “Trước thời điểm Mỹ - Trung Quốc ký kết thỏa thuận thương mại giai đoạn 1, Trung Quốc đang ở thế yếu và hầu như phải chấp nhận mọi điều khoản thương mại mà phía Mỹ đưa ra”. 

Thật vậy, nội dung cụ thể các cam kết của Bắc Kinh về tăng cường nhập khẩu 200 tỷ USD hàng hóa dịch vụ Mỹ như sau: 

- Tăng nhập 12,5 tỷ USD nông sản năm 2020, 19,5 tỷ USD nông sản năm 2021.

- Tăng nhập 32,9 tỷ USD hàng hóa sản xuất năm 2020, 44,8 tỷ USD hàng hóa sản xuất năm 2021.

- Tăng nhập 18,5 tỷ USD năng lượng năm 2020, 33,9 tỷ USD năm 2021.

- Tăng nhập 12,8 tỷ USD sản phẩm dịch vụ năm 2020, 25,1 tỷ USD năm 2021.

Mức tăng cường nhập khẩu này được đánh giá là “khó tin” với sức mua của thị trường Trung Quốc hiện tại, có nguy cơ làm xáo trộn chuỗi cung ứng thương mại quốc tế giữa các quốc gia. Ví dụ, năm 2017, trước khi thương chiến Mỹ Trung bùng nổ, Trung Quốc nhập khẩu 24 tỷ USD nông sản Mỹ. Giờ đây, với cam kết trong thỏa thuận giai đoạn 1, Trung Quốc phải nhập khẩu 36,5 tỷ USD nông sản Mỹ trong năm 2020 và 43,5 tỷ USD nông sản Mỹ năm 2021. Tức là Trung Quốc nhiều khả năng buộc phải giảm kim ngạch nhập khẩu từ các thị trường khác nếu muốn đáp ứng điều kiện cam kết trong thỏa thuận thương mại Mỹ Trung.

Do vậy, ngay từ thời điểm virus Corona chưa bùng phát và gây áp lực lên nền kinh tế, nhiều chuyên gia kinh tế đã nhận định tăng trưởng GDP của Trung Quốc năm 2020 sẽ giảm xuống dưới mức 6% do những ảnh hưởng từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ Trung và hàng loạt bất ổn địa chính trị trên toàn cầu. Hồi tháng 10/2019, Quỹ tiền tệ Thế giới IMF dự đoán tăng trưởng GDP Trung Quốc trong năm 2020 sẽ giảm xuống mức 5,8% khi thương mại đại lục chịu áp lực nặng nề từ thuế quan trừng phạt của Mỹ.

img

Tăng trưởng GDP Trung Quốc năm 2020 được dự đoán suy yếu vì dịch virus Corona

Giờ đây, với dịch virus Corona đang làm “tê liệt tạm thời” 21/31 tỉnh thành Trung Quốc và hàng loạt doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đóng cửa, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chắc chắn sẽ còn suy yếu nặng nề hơn. Điều này đồng nghĩa với việc vị thế của Trung Quốc trên bàn đàm phán thương mại Mỹ Trung thỏa thuận giai đoạn 2 nhiều khả năng sẽ suy yếu đáng kể.

Trung Quốc lao đao vì virus Corona, Mỹ liệu có “cảm thông”?

Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành nhận định: “Bản thân giới chức Mỹ cũng quan ngại Bắc Kinh khó mà thực hiện các cam kết như trong thỏa thuận thương mại giai đoạn 1, khi mà dịch virus Corona đang làm trì trệ nhu cầu trong nước và toàn nền kinh tế Trung Quốc.”

Tuy nhiên, việc liệu Mỹ có sự điều chỉnh nhất định nào về các cam kết trong thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 đã ký kết hay không vẫn còn là điều khó đoán định. Hồi tuần trước, Cố vấn Thương mại Nhà Trắng Peter Navarro đã phủ nhận khả năng Mỹ dỡ bỏ trừng phạt thuế quan với Trung Quốc khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới lao đao vì dịch virus Corona.

“Hãy nhớ rõ mục đích vì sao chúng ta áp đặt các mức thuế quan trừng phạt” - ông Peter Navarro nhắc nhở người dân về những xung đột thương mại cốt lõi chưa được giải quyết giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, mà thuế quan được xem là đòn bẩy quan trọng trên bàn đàm phán đó. “Chúng tôi sẽ đồng ý dỡ bỏ thuế quan, nhưng đó là khi thỏa thuận thương mại giai đoạn hai được thông qua”.