Không chỉ dịch bệnh Corona đang gây xáo trộn lớn về mặt tinh thần, nông dân các tỉnh phía Nam còn lo lắng thêm khi hàng ngàn tấn quả thanh long, dưa hấu... chưa được thông quan bình thường với thị trường Trung Quốc. Chiều 5/2, Bộ trưởng NNPTNT Nguyễn Xuân Cường đã điện đàm với Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn để giải quyết tình trạng nông sản dồn ứ nhiều ngày ở cửa khẩu. Lãnh đạo tỉnh cũng bàn bạc với chính quyền Bằng Tường để thông xe từ chiều qua cho một số xe chở thanh long, mít, ớt, sầu riêng đã có hợp đồng từ trước. Nhưng đang giữa bão dịch, việc xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc vẫn hết sức cầm chừng và bấp bênh.
Hơn 200 xe hàng, chủ yếu là thanh long, dưa hấu đang nằm trực chờ tại Bến xe Tân Thanh. Ảnh: Chang Liễu.
Điểm yếu cố hữu của trái cây nước nhà là sau 7 ngày đóng gói dễ chuyển sang trạng thái “mềm, sạm vỏ”. Do vậy, chậm giao hàng ngày nào là giảm giá, mất tiền ngày đó. Lại thêm, mùa thu hoạch đang đến gần, trái thanh long, nhãn, chôm chôm… ước khoảng 400 ngàn tấn sẽ ra sao? Nếu thị trường xuất khẩu chậm được khai thông hoàn toàn, thì sản xuất của nhà nông lỗ vốn là chắc, nguy cơ trắng tay có thể xảy ra!
Tình thế lúc này là cấp bách, hành động lúc này là khẩn trương! Tất cả đang trông chờ vào sự nỗ lực khai thông, bằng cả hai con đường ngoại giao và thu mua, tiêu thụ nông sản cho nông dân của các bộ, ngành và Nhà nước, sự chia sẻ về lợi ích kinh tế của các doanh nghiệp thu mua, xuất khẩu, bán buôn và người tiêu dùng trong cả nước. Và nếu cứ ngậm ngùi, thông cảm, vang ca lời “giải cứu” thì “nước xa không cứu được lửa gần”. Người dân sẽ không đủ kiên nhẫn giữ niềm tin.
Vậy, ai làm, làm cách nào, ở đâu? Nói cho gọn, cho nhanh là “Hành động gấp”?
Với doanh nghiệp, hiện 800 siêu thị, 125 trung tâm thương mại, 6.000 cửa hàng tự chọn đang nắm giữ thị trường lớn, tại các trung tâm dân cư, rải đều trong cả nước. Các doanh nghiệp trên cần đưa xe đến tận ruộng đồng, vùng quê, mua trái cây giúp dân. Cách mua bán cũng cần giản đơn hơn, không cứ phải hợp đồng, khi hàng được giao – tiền được trả cũng có nghĩa là “đầu đã xuôi cho đuôi theo lọt”.
Các kho hàng Tiền Giang đang ùn ứ thanh long.
Các chủ doanh nghiệp, cửa hàng, trong tầm tay của mình, quyết định được ngay việc giảm chiết khấu, giảm giá, thậm chí đưa về 0% đối với nông dân, trang trại bán hàng, nhằm đẩy mạnh việc mua vào, bán ra tại thị trường nội địa. Một khi, giá trái cây từ vườn đồng đến siêu thị, sạp hàng khoảng cách thu hẹp lại, là sức mua tăng theo và lợi ích được phân phối trở lại, hài hòa cho Nhà nông – Doanh nghiệp – Người tiêu dùng.
Nhà nước cần hành động những gì? Đó là sự hỗ trợ cơ chế, chính sách về vận tải, thuế, tài chính, như giảm, miễn phí cầu đường, giảm tiền thu bến bãi, lưu kho, giảm thuế giá trị gia tăng, phí, lệ phí thông quan và minh bạch hóa thông tin thị trường, chính sách, để tránh được việc tung tin thất thiệt và ép giá chủ vườn. Hành động vào cuộc có trách nhiệm sẽ tăng thêm giá trị niềm tin của nhân dân về vai trò quản lý và kiến tạo của Nhà nước.
Để giữ thị trường, để bù đắp thiệt hại cho nhà nông, ngay trong lúc này, Bộ NNPTNT, Bộ Công Thương cần tổng rà soát tất cả các mặt hàng nông sản, thời gian thu hoạch, dự kiến sản lượng, phân kỳ theo tháng, mở mang kho, bãi và đẩy nhanh việc tìm kiếm thị trường xuất khẩu sang các quốc gia ngoài vùng dịch Corona; củng cố hệ thống bán buôn, bán lẻ ở thị trường trong nước… và “mở toang” cánh cửa tiêu thụ nông sản cho nông dân.