Dân Việt

“Nông dân dạy nông dân”, hiệu quả, dễ thành công

Đức Thịnh 07/02/2020 17:42 GMT+7
Với cách dạy nghề nông nghiệp kiểu cầm tay chỉ việc, vừa học vừa làm, đặc biệt là lấy “nông dân dạy nghề cho nông dân” mà nhiều năm qua, công tác dạy nghề cho lao động nông thôn ở Quảng Bình đạt được nhiều thành tích.

Xã Cao Quảng (Tuyên Hóa, Quảng Bình) là một trong những xã dẫn đầu toàn tỉnh Quảng Bình tiên phong thực hiện mô hình dạy nghề “nông dân dạy nông dân”.

Anh Nguyễn Văn Tuấn (nông dân ở xã Cao Quảng) cho biết: “Trước đây, tôi thường đến nhà một nông dân nuôi bò giỏi để học kỹ thuật nuôi bò cái sinh sản. Nhờ được hỗ trợ tư vấn, truyền đạt kinh nghiệm mà nay tôi đã áp dụng được vào sản xuất, chăn nuôi bò tại nhà”.

img

 Mô hình chăn nuôi bò của nông dân giỏi Nguyễn Văn Bồn ở xã Trung Trạch (huyện Bố Trạch, Quảng Bình) là địa chỉ dạy nghề hiệu quả. Ảnh: Đ.T

5 năm qua, các cấp Hội ND tỉnh Quảng Bình đã phối hợp các trường, trung tâm dạy nghề tổ chức 350 lớp dạy nghề cho 10.563 hội viên, trực tiếp dạy nghề cho 1.470 hội viên, nông dân; phối hợp với các trung tâm tư vấn, giới thiệu việc làm cho hàng chục nghìn lao động.

Trong đó, Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh tổ chức 53 lớp dạy nghề và cấp chứng chỉ cho 1.671 lao động; giới thiệu 326 lao động làm việc trong và ngoài nước, tổ chức tư vấn việc làm cho 2.033 lượt người, góp phần giải quyết việc làm nâng cao thu nhập, ổn định đời sống người dân.

Ông Lê Công Toán - Chủ tịch Hội ND tỉnh Quảng Bình cho biết, mô hình nông dân dạy nghề cho nông dân được triển khai nhiều năm tại Quảng Bình, rất phù hợp trong dạy nghề nông nghiệp. Thời gian tới Quảng Bình tiếp tục ứng dụng mô hình này trong dạy nghề, khuyến nông, tập huấn kỹ thuật nông nghiệp cho nông dân.

“Những giáo viên nông dân thường xuất phát từ nông dân giỏi, đã thành công trong việc phát triển mô hình kinh tế trong gia đình và có uy tín với cộng đồng. Hơn nữa, họ là người địa phương với nhau nên am hiểu phong tục tập quán, có thể truyền đạt cho bà con bằng tiếng của họ, cộng với lòng nhiệt tình nên kết quả giảng dạy đạt cao nhờ yếu tố thực tiễn, kinh nghiệm, lại tiết kiệm được thời gian và chi phí cho nông dân khi học tập.

Mô hình cũng rất đơn giản, dễ hiểu, dễ áp dụng, phù hợp với trình độ nhận thức của người dân thông qua việc hướng dẫn thực hành là chính” - ông Toán cho biết thêm.

Để phát huy mô hình, trong thời gian tới, Hội ND tỉnh Quảng Bình sẽ tiếp tục đào tạo để nhân rộng thêm các giáo viên là nông dân, đào tạo nghiệp vụ sư phạm để nâng cao khả năng, giúp các giáo viên thuận lợi hơn trong công tác giảng dạy.