Dân Việt

Cà Mau: Hạn mặn khốc liệt, dân quay quắt, lúa, rau "khát" nước

Chúc Ly 07/02/2020 15:32 GMT+7
Tại Cà Mau, nhiều nông dân cho rằng, tình hình hạn mặn năm nay còn khốc liệt hơn so với hạn mặn lịch sử năm 2016. Nhiều diện tích lúa, rau màu trên địa bàn tỉnh Cà Mau bị thiệt hại nặng nề do thiểu nước.

Theo ghi nhận của phóng viên, tình hình hạn mặn đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất của người dân tỉnh Cà Mau, đặc biệt là ở vùng ngọt của huyện Trần Văn Thời. Hạn đến sớm đã khiến nước trong nội đồng khô cạn, lúa, màu thiếu nước dẫn đến thiệt hại nặng nề.

img

img

Nước ở nhiều con kênh nội đồng tại huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau khô cạn. Ảnh: Chúc Ly.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Quách Vĩnh Phương - Chi hội trưởng Chi hội nông dân ấp 5, xã Trần Hợi, cho hay: “Toàn ấp có hơn 100 hộ trồng màu, với hơn 100ha. Đây là nguồn thu nhập chính của các hộ dân, với lợi nhuận từ 50 triệu đồng/ha/năm trở lên. Tuy nhiên, trong thời điểm hiện tại, 10 người thì có đến 9 người bị mất mùa, với thiệt hại từ 30-60%, thậm chí có người mất trắng”.

img

Hạn đến sớm khiến nhiều diện tích màu ở xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau thiếu nước tưới. Ảnh: Chúc Ly.

img

1ha dưa hấu của anh Phương mất trắng, trái non vừa ra cũng khô héo dần bởi nắng nóng, khô hạn, xâm nhiễm mặn.... Ảnh: Chúc Ly.

Riêng gia đình anh Phương đã có hơn 1ha dưa hấu và gần 1,5ha dưa leo bị thiệt hại nặng nề. “Toàn bộ diện tích dưa hấu của gia đình đã bị thất trắng do thiếu nước. Riêng dưa leo, tôi thu hoạch từ 29 Tết đến gần đây thì không thể thu hoạch tiếp vì cây thiếu nước, trái bị hư hết. Tôi chỉ mới thu về được 18 triệu đồng từ dưa leo, trong khi tiền đầu tư ban đầu là hơn 25 triệu đồng. Tính cả dưa hấu và dưa leo thì tôi thiệt hại hơn 35 triệu đồng, chưa kể công lao động ở gia đình” - ông Phương cho biết.

img

img

Diện tích dưa leo chỉ thu hoạch được một phần sau đó cũng khô héo dần do thiếu nước. Ảnh: Chúc Ly.

Trong khi đó, gia đình bà Nguyễn Thị Lựa (ngụ cùng ấp 5) có hơn 2ha rau màu bị ảnh hưởng do thiếu nước. “Chỉ tính riêng hơn 2.000 dây bí, hơn 1ha dưa hấu và dưa leo bị thiếu nước dẫn đến mất trắng, gia đình bà Lựa thiệt hại hơn 30 triệu đồng.

“Nhiều diện tích mướp, bí đao cũng đang bị ảnh hưởng khi trong giai đoạn thu hoạch. Trồng màu hiện là thu nhập chính của gia đình, năm rồi với diện tích chỉ bằng 1/3 năm nay tôi đã thu về hơn 50 triệu đồng, còn năm nay thì xem như thất thu” - bà Lựa cho biết.

img

Hơn 2.000 dây bí của gia đình bà Lựa không phát triển. Ảnh: Chúc Ly.

Còn tại các vùng sản xuất lúa của huyện Trần Văn Thời, nhiều trà lúa đang bước vào giai đoạn thu hoạch bị thiếu nước nghiêm trọng.

Anh Huỳnh Văn Thân (50 tuổi, ngụ ấp Bình Mình 2, xã Khánh Hưng, huyện Trần Văn Thời) cho hay: “Gia đình tôi sạ lúa từ 15 tháng 10 âm lịch, từ đó đến nay chỉ có 1 vài đám mưa nhỏ. Đến khoảng giữa tháng 12 âm lịch thì nguồn nước dưới kênh, trong ruộng lúa bắt đầu khô cạn. Tình trạng khô hạn này khiến diện tích lúa của nhiều hộ dân bị thiếu nước, hạt lúa bị lép rất nhiều. Bên cạnh đó, thiếu nước còn làm lúa bị gãy cổ bông, khiến năng suất giảm mạnh”.

img

Lúa thiếu nước khiến hạt bị lép, nhiều nông dân ở xã Khánh Hưng, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau cho hay năng suất bị giảm một nửa. Ảnh: Chúc Ly.

img

img

img

Anh Thân cho biết diện tích lúa của gia đình bị lép hạt, gãy cổ bông rất nhiều. Ảnh: Chúc Ly.

Theo anh Thân, hơn 20 công (gần 1.300m2) lúa của gia đình đang chuẩn bị thu hoạch, tuy nhiên anh cho biết ước tính chỉ thu được khoảng 500kg/công, giảm một nửa so với năm rồi.

Cùng cảnh ngộ, anh Hồng Văn Phụng (ngụ cùng ấp Bình Minh 2) chia sẻ: “Thông thường, vụ lúa đông xuân cho năng suất rất cao, từ 900-1 tấn/công, còn hiện tại có thể chỉ thu được 500-600kg. Năm nay hạn đến sớm, nước ở các kênh khô cạn rất nhanh, việc bơm nước vào ruộng rất khó khăn. Riêng gia đình tôi đã phải bơm nước đến 7 lần để cứu lúa, nhưng thời gian về sau thì không còn nước để bơm”.

“Vụ này, sau khi trừ chi phí thì lợi nhuận chỉ còn khoảng 10-15 triệu đồng/công, ở năm rồi là 50-60 triệu đồng. Từ trước đến nay, tôi chưa bao giờ thấy tình trạng khô hạn nghiêm trọng đến như vậy, kể cả năm 2016” - anh Phụng cho biết.

img

Anh Phụng cho biết, dù đã rất nỗ lực bơm nước cứu lúa, nhưng càng về sau nước ở các kênh cạn dần thì gia đình đành bó tay. Ảnh: Chúc Ly.

Ngoài việc thiếu nước, nhiều nông dân cho biết do các con kênh nội đồng khô nước nên việc vận chuyển máy gặt gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, các ghe mua lúa không thể đi vào các kênh nhỏ, thương lái phải thuê xe máy chở lúa ra kênh lớn, dẫn đến giá lúa mua trong dân giảm khoảng 500 đồng/kg.

Theo Sở NNPTNT tỉnh Cà Mau, tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn từ cuối tháng 1 và đầu tháng 2/2020 tiếp tục diễn biến ở mức gay gắt lại càng gay gắt hơn và sẽ tiếp tục ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp và dân sinh.

img

Giá lúa giảm 500 đồng/kg do thương lái phải thuê xe máy chở lúa ra các kênh lớn còn nước. Ảnh: Chúc Ly.

Theo dự báo của đài Khí tượng thủy văn tỉnh thì tổng lượng mưa thực đo tại các địa phương trong tỉnh (11 trạm) đều ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm từ 76,9-99,9% và dự báo đến tháng 4/2020 tiếp tục không mưa.

Theo thống kê và rà soát tính đến ngày 31/1, tổng diện tích các trà lúa bị thiệt hại và có nguy cơ bị thiệt hại là do hạn hán trên địa bàn tỉnh là gần 41.600ha (diện tích thiệt hại hơn 16.800ha). Trong đó, thiệt hại từ 30-70% là hơn 3.700ha; thiệt hại trên 70% là gần 12.800ha. Về rau màu, tổng diện tích có nguy cơ bị ảnh hưởng, giảm năng suất là 340ha (huyện Trần Văn Thời).

Trước tình hình khó khăn do han hán, xâm nhập mặn tại các địa phương, ông Lê Văn Sử - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền nhằm tạo sự đồng thuận, sẻ chia của người dân trong phân phối, sử dụng nguồn nước ngọt còn lại rất ít dưới các tuyến kênh để cứu lúa, cứu hoa màu đang trong giai đoạn sinh trưởng.

“Ngành chức năng phải cử cán bộ xuống dân nắm chặt tình hình, khuyến cáo và hướng dẫn bà con các biện pháp tích trữ nước, sử dụng nước tiết kiệm tối đa. Các huyện phải thành lập ngay Ban Chỉ đạo phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn; chủ động phòng ngừa dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, kể cả trên người trong mùa nắng nóng, thiếu nước sinh hoạt” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đề nghị.