Dân Việt

Làm báo cùng Dân Việt: Dịch corona và chuyện lãng phí khẩu trang y tế

Ra đường những ngày này chống dịch virus corona, gần như tất cả mọi người đều đeo khẩu trang để phòng dịch virus corona, trong đó khẩu trang y tế chiếm tới khoảng 70%. Tuy nhiên, theo khuyến cáo mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) không nhất thiết ai cũng phải đeo khẩu trang y tế.

Những ngày qua, khẩu trang y tế là mặt hàng người dân phải tranh nhau mua ở nhiều cửa hàng, quầy thuốc do người dân lo ngại dịch viêm phổi cấp do virus corona đang có diễn biến phức tạp. Điều này dẫn đến nhiều hệ lụy như nhiều cửa hàng tăng giá khẩu trang, mọi người gặp nhau nói chuyện, tiếp xúc qua khẩu trang, đề phòng nhau.

Như tại công ty tôi làm việc, là một công ty nhỏ với khoảng 10 nhân sự, không ai có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi…không ai có tiền sử tiếp xúc với người từ Trung Quốc nhưng cả công ty luôn trong trạng thái căng thẳng, u ám. Tất cả mọi người đều đeo khẩu trang, hạn chế nói chuyện, thậm chí có người còn nhịn đi vệ sinh vì sợ phải cầm, nắm vào cửa, tay cầm…

img

Một nhóm sinh viên Australia sang Việt Nam đeo khẩu trang khi ngồi nghe hội thảo. Ảnh: Duy Khánh

Có người sử dụng khẩu trang y tế xong tháo ra rồi lấy tay trần vo lại ném vào thùng rác, có người đeo cả kính khi làm việc để tránh virus đi bằng mọi ngả đường vào cơ thể. Nhưng mọi người lại quá tập trung vào khẩu trang mà lại không trang bị xà phòng sát khuẩn ở nhà vệ sinh, hoặc như có bạn mang tạm con đến công ty khi trường học chưa mở, thỉnh thoảng lại bỏ khẩu trang ra thơm lấy thơm để đứa bé. Nếu như một trong hai người có mang virus corona thì họ lại là những người lây nhiễm đầu tiên.

Theo tôi được biết, không chỉ WHO mà các chuyên gia y tế Việt Nam cũng đưa ra lời khuyên rằng, đối với người khỏe mạnh có thể sử dụng khẩu trang vải khi tiếp xúc chỗ đông người, đi xe trên đường phố. Sau khi sử dụng, giặt sạch khẩu trang vải và sử dụng tiếp nhiều lần không nhất thiết mỗi ngày sử dụng một khẩu trang y tế, gây lãng phí và chưa chắc đã hiệu quả, thậm chí phản tác dụng nếu sử dụng sai cách.

Khuyến cáo của Bộ Y tế Việt Nam cũng nêu rõ các đối tượng cần sử dụng khẩu trang y tế đó là cán bộ y tế trực tiếp tiếp xúc với bệnh nhân hoặc người nghi ngờ bị nhiễm dịch, người chăm sóc hoặc có tiếp xúc gần với người bệnh hoặc nghi mắc dịch, người mắc bệnh hoặc nghi ngờ bị nhiễm dịch và tất cả những ai đến cơ sở y tế.

Thực hiện theo khuyến cáo, chắc chắn sẽ không bị bùng phát dịch, phát huy tốt nhất công năng của khẩu trang y tế đồng thời không tạo ra cơn sốt đội giá, đầu cơ của những quầy thuốc, cửa hàng thiếu lương tâm và quan trọng nhất là sự an toàn thực sự chứ không phải là “cảm giác an toàn giả tạo”.

Ngoài ra, nếu như sử dụng xong khẩu trang y tế mà không đeo, tháo đúng cách (tháo bằng quai đeo) và vứt bỏ bừa bãi, dùng lại, còn có nguy cơ “gậy ông đập lưng ông” làm cho dịch khó kiểm soát hơn nếu như dịch bùng phát.

Hãy bình tĩnh, đừng hoảng loạn, bi quan, thực hiện đúng các khuyến cáo của Bộ Y tế chắc chắn dịch viêm phổi cấp do virus corona sẽ không thể bùng phát ở nước ta.

Ban Biên tập Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt trân trọng mời quý độc giả tham dự cuộc thi "Làm báo cùng Dân Việt" nhân dịp kỷ niệm 10 năm thành lập Báo Điện tử Dân Việt. 

Bài dự thi gửi về Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt Lô E2 Dương Đình Nghệ, quận Cầu Giấy, Hà Nội; email: bandocdanviet2010@gmail.com; điện thoại liên hệ: 0982340700.

Tác phẩm gửi về đề nghị ghi rõ: Tham dự cuộc thi Làm báo cùng Dân Việt, kèm theo số điện thoại, địa chỉ của tác giả để tòa soạn liên hệ. 

Cơ cấu giải thưởng: 01 giải nhất trị giá 5 triệu đồng; 01 giải nhì trị giá 3 triệu đồng; 01 giải ba trị giá 2 triệu đồng. Mỗi tháng, Ban tổ chức sẽ lựa chọn tác phẩm có chất lượng của tháng để trao thưởng 1 triệu đồng/01 giải xuất sắc, 2 giải bài viết chất lượng 500.000 đồng/giải (Tổng giải tác phẩm chất lượng mỗi tháng là 2 triệu đồng).

Các bài viết được đăng tải sẽ được nhận nhuận bút theo quy định của Ban Biên tập Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt.