Nhiều tòa soạn lớn của truyền thông Pháp như Le Monde, Le Figaro cho đến các tờ báo địa phương như L’Est Républicain tại Besançon, nơi tôi đang học tập và sinh sống, cũng cập nhật liên tục diễn biến của bệnh dịch.
Giữa dịch bệnh do virus corona, chúng tôi - những du học sinh Việt Nam tại Pháp, đặc biệt ở các thành phố lớn như Paris, Lyon, Marseille hay Bordeaux còn phải đối mặt với nhiều vấn nạn như bị phân biệt chủng tộc, bị đánh đồng là người Trung Quốc đã mang virus đó đến đất nước họ. Cộng đồng sinh viên Việt Nam tại Pháp cũng gặp không ít khó khăn trong việc di chuyển, giao tiếp, làm việc ở nơi công cộng.
Bữa cơm trưa “Lundi Vert “ trong cantin trường đại học nhằm khuyến khích sinh viên tiêu thụ rau xanh và giảm bớt các loại thịt. Ảnh: Kim Nguyên
Một quán ăn vào buổi chiều. Ảnh: Kim Nguyên
Du học sinh Việt Nam có ở mọi thành phớ lớn nhỏ tại Pháp, cùng nhau học tập, làm việc, sinh sống và mỗi nơi đều có những cách phòng chống và kèm theo những cách xử lí khác nhau.
Như bài báo của tác giả Quyên GAVOYE "Chống virus corona, nhìn từ Pháp bên ngoài vùng dịch" trên Báo Điện tử Dân Việt, các nhà thuốc tây tại thành phố Besançon và các làng lân cận đều không bán, không nhận đặt hàng khẩu trang, trừ khi có toa thuốc cùa bác sĩ gia đình vì chính quyền lo việc đầu cơ tích trữ khi dịch bệnh bùng phát mạnh tại Châu Âu nói chung và nước Pháp nói riêng.
Bản thân chúng tôi cũng rất hoang mang khi khả năng dịch bệnh viêm phổi cấp do virus corona lây lan và tự giác tìm mua khẩu trang, nước rửa tay khô hay xà bông rửa tay chống khuẩn.
Khi đến hiệu thuốc, tôi được các dược sỹ khuyên ăn uống lành mạnh, bổ sung vitamin C, tránh để khô cổ họng và nếu có các triệu chứng của bệnh thì nên đến phòng mạch của bác sĩ. Ngoài ra, đa số dược sỹ đều hỏi chúng tôi đến từ đâu. Tôi trả lời rằng chúng tôi là người Việt Nam và đã ở thành phố này được hơn hai năm. Khi nghe đến đây, họ thở phào và nói rằng khẩu trang chỉ là cách bạn bảo vệ người xung quanh chứ không phải tự bảo vệ mình.
Người dân đạp xe trên phố và chưa phải sử dụng khẩu trang. Ảnh: Kim Nguyên
Câu nói này làm tôi có chút xót xa khi cập nhật tình hình tại Việt Nam. Tết Nguyên Đán diễn ra khi dịch corona diễn biến phức tạp, khiến sự rộn ràng, hứng khởi đón Xuân Canh Tý giảm đi nhiều. Người dân e ngại chỗ đông người và cố gắng giữ khoảng cách để phòng chống lấy lan. Từ đó khiến cho nhiều hoạt động văn hóa chào Xuân cũng giảm bớt sức nóng và thưa thớt người.
Nét mặt vui tươi và nụ cười rạng rỡ dịp Tết được che đậy bằng chiếc khẩu trang. Những câu chuyện về “khẩu trang trăm nghìn”, “khẩu trang hút hàng”, … xuất hiện dày đặc trên facebook và nhận được nhiều sự quan tâm của toàn thể người dân Việt. Các biện pháp chống phá giá được chính phủ áp dụng quyết liệt nhằm tạo điều kiện cho người dân tiếp cận với trang thiết bị y tế.
Tuy nhiên, nhiều nhà thuốc lại chọn các biển báo “Không bán khẩu trang, nước rửa tay”, "Đừng hỏi về khẩu trang”. Bạn bè và người thân tôi vì thế mà nhắn tin hỏi thăm, khuyên nên tích trữ khẩu trang, không thì giá sẽ lên 200 euro cho một hộp. Thật đáng buồn khi ở một nơi không có khẩu trang và một nơi khẩu trang giá cao ngất ngưỡng mà vẫn hút hàng. Tôi thấy, chưa bao giờ khẩu trang được “săn đón” đến vậy!
Bên cạnh các động thái tiêu cực của một số nhà thuốc, người dân vẫn ấm lòng phần nào khi được trợ giá, phát khẩu trang miễn phí hoặc được hướng dẫn cách làm vật dụng “đắt đỏ” này tại nhà. Thật mừng khi có những hình ảnh xanh tươi, điểm sáng cho bức tranh mùa dịch bệnh. Tình người vẫn tồn tại và chúng ta xứng đáng được thụ hưởng đều đó, trân quý biết bao cử chỉ cao đẹp này, góp phần vào việc khuyến khích phòng chống và cùng vượt qua thử thách của niên kỉ mới.
Một góc nhỏ trong bảo tàng Khảo cổ và Mỹ Thuật tại Thành phố Besançon. Ảnh: Kim Nguyên
Quay lại đất nước Pháp cách Tổ quốc nửa vòng Trái Đất, tại thành phố Besançon, thời tiết đang vào giữa mùa đông, nhiệt độ dao động từ -2 đến 10 độ C theo từng ngày. Tiết trời se lạnh nên người dân rất thích ánh nắng. Có vài ngày trời đẹp, nắng chói chang, nhà nhà mở cửa sổ, tản bộ ra đường để tận hưởng và cũng như “thanh lọc”, “khử trùng” cơ thể.
Những việc đơn giản này là minh chứng rằng người dân cũng tích cực đối phó với bệnh dịch. Về phía học đường, tôi nhận thấy rằng trong trung tâm thành phố có hai ngôi trường đều có người nước ngoài học tập nhưng cách ứng xử lại hoàn toàn khác nhau.
Ở CLA – Centre de Linguistique d’Appliquée (Trung tâm ngôn ngữ ứng dụng), đầu năm 2020 đã tiếp đón hơn 50 học viên đến từ Trung Quốc. Điều này dấy lên sự lo lắng về sự lây lan trong nội bộ trường học. Học viên tại đây cũng cố gắng trang bị những vật dụng cần thiết và tự bảo vệ mình như hạn chế đến chỗ đông người, tham gia các hoạt động ngoại khóa hay các sự kiện văn hóa thể thao tại thành phố.
Ngược lại, tại trường đại học Franche- Comté, Khoa Ngôn Ngữ và Xã hội nhân văn – nơi tôi đang học tập, các bạn sinh viên nước ngoài không quá bi quan về sự kiện này. Các bạn vẫn nghe radio mỗi buổi sáng như tôi, xem thời sự buổi tối để hiểu thêm về diễn biến. Các bạn không phân biệt chúng tôi – da vàng tóc đen, vẫn hòa đồng, trao đổi và tham gia chung các hoạt động.
Theo các bạn "sinh viên Tây", bệnh cảm cúm (La grippe) mới là căn bệnh đáng lo ở Pháp. Tôi cũng quan sát rằng khi các bạn có triệu chứng ho, hắt xì hay nóng sốt, họ sẽ tự giác nghỉ học, ở nhà dưỡng bệnh và có thể tham gia lớp học qua Skype hay trên phần mềm của trường. Trong thời gian học tập, tôi thấy rất ít và hiếm sinh viên đi học đeo khẩu trang.
Hy vọng mới đã được khơi dậy khi có nhiều quốc gia đang tích cực tìm vaccine hay thuốc ngăn chặn và chữa trị bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona. Trong dịch bệnh, chúng ta không nên quá hoang mang mà cần có ý thức tự bảo vệ bản thân mình cũng như những người xung quanh.
Ban Biên tập Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt trân trọng mời quý độc giả tham dự cuộc thi "Làm báo cùng Dân Việt" nhân dịp kỷ niệm 10 năm thành lập Báo Điện tử Dân Việt. Bài dự thi gửi về Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt Lô E2 Dương Đình Nghệ, quận Cầu Giấy, Hà Nội; email: bandocdanviet2010@gmail.com; điện thoại liên hệ: 0982340700. Tác phẩm gửi về đề nghị ghi rõ: Tham dự cuộc thi Làm báo cùng Dân Việt, kèm theo số điện thoại, địa chỉ của tác giả để tòa soạn liên hệ. Cơ cấu giải thưởng: 01 giải nhất trị giá 5 triệu đồng; 01 giải nhì trị giá 3 triệu đồng; 01 giải ba trị giá 2 triệu đồng. Mỗi tháng, Ban tổ chức sẽ lựa chọn tác phẩm có chất lượng của tháng để trao thưởng 1 triệu đồng/01 giải xuất sắc, 2 giải bài viết chất lượng 500.000 đồng/giải (Tổng giải tác phẩm chất lượng mỗi tháng là 2 triệu đồng). Các bài viết được đăng tải sẽ được nhận nhuận bút theo quy định của Ban Biên tập Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt. |