Khi dịch viêm phổi cấp do virus corona chủng mới gây ra tại Việt Nam được công bố, nhiều người dân đổ xô tới các nhà thuốc tìm mua khẩu trang y tế.
Chính tâm lý đám đông của một bộ phận người dân đã tạo điều kiện cho một số cá nhân tranh thủ cơ hội để nâng giá, găm hàng... Chính quyền vì thế ngoài công tác phòng chống dịch, còn phải thêm việc kiểm tra, giám sát chuyện buôn bán của các cơ sở kinh doanh thiết bị y tế.
Cán bộ Phụ nữ Phường Hiệp Thành tặng khẩu trang cho khách hành hương Chùa Bà Thiên Hậu (Bình Dương).
Mỗi người có thái độ ứng xử khác nhau quanh chiếc khẩu trang y tế trong tình cảnh dịch bệnh. Trong khi một số cá nhân đầu tư tích trữ, găm hàng chờ dịch bùng phát bán giá cao để thu lợi thì không ít cá nhân khác tìm mua khẩu trang, thậm chí có người chấp nhận mua giá cao để tặng miễn phí cho cộng đồng. Chiếc khẩu trang y tế vì thế trở thành mặt hàng vừa đắt giá mà cũng vừa ... vô giá!
Tuần trước, một người bạn hỏi tôi có cần mua khầu trang, bạn mua dùm, giá ba mươi ngàn đồng một gói (10 chiếc). Khi đó tôi mới sực nhớ tôi đang có một hộp khẩu trang chỉ mới vơi đi vài chiếc.
Chẳng vì tôi có thói quen sử dụng khẩu trang y tế mỗi ngày để đi đường, nên cứ dùng gần hết một hộp tôi ghé nhà thuốc mua một hộp mới. Hôm trước Tết, tôi vừa mua một hộp mới, lúc chưa có thông tin dịch corona. Thành thử, vô tình tôi mua được một hộp khẩu trang với giá “bình ổn”.
Ảnh chụp màn hình điện thoại tin nhắn của Bộ y tế gửi cho người dân.
Nhiều người chạy vạy tìm mua khẩu trang y tế để phòng bệnh, trong khi tôi đang “sở hửu” đến gần 50 chiếc nên thấy lãng phí! Tôi nhắn tin cho 5 người bạn làm việc tại các khu công nghiệp.
Trong số này chỉ có một người bạn đang làm việc tại một Công ty sản xuất bao bì thuộc tập đoàn đa quốc gia trả lời rằng bạn cần khẩu trang vì công ty chưa mua kịp cho nhân viên. Nhận được 20 chiếc khẩu trang tôi gửi, bạn bảo sẽ mang chia sẻ cho những đồng nghiệp khác.
Tôi không có nhiều khẩu trang để chia sẻ cho cộng đồng, trong khả năng của mình, chỉ nghĩ đơn giản rằng chí ít cũng không góp phần “nâng giá” bằng việc... không tích trữ riêng cho bản thân.
Tôi biết một chút về may vá, “dự trù” một “kịch bản xấu”: giả dụ dịch corona bùng phát, các nhà máy sản xuất khẩu trang không kịp đủ cho người dân, tôi sẽ đi mua vải về tự cắt may những chiếc khẩu trang, chung tay với xã hội để chia sẻ với cộng đồng.
Hộp khẩu trang y tế đã chia sẻ bớt của tôi
Kinh doanh y tế là nghành nghề kinh doanh có điều kiện. Cá nhân được phép mở cơ sở là những người có trình độ và kiến thức xã hội nhất định, chưa kể kinh doanh thuốc và những vật tư liên quan đến chăm sóc, bảo vệ sức khỏe con người trước hết là phải là người có đạo đức và có tâm!
Chiếc khẩu trang y tế không thể tự định giá cho nó. Một chiếc khẩu trang có giá một ngàn, năm ngàn, mười ngàn hay... vô giá, chính đều được khởi phát từ tâm của mỗi người!
Những hỉ, nộ, ái, ố từ người bán, người mua quanh chiếc khẩu trang y tế mấy ngày qua tạo nên nhiều cung bậc cảm xúc. Giai đoạn “cao trào” của chiếc khẩu trang y tế cho đến hôm nay có vẻ như đã dịu lại khi những hình ảnh sẻ chia chiếc khẩu trang y tế của những tấm lòng hảo tâm được lan tỏa khắp nơi.
Người dân có vẻ như cũng đã an tâm hơn khi thông tin về dịch bệnh, các biện pháp phòng bệnh được phổ biến hàng ngày, hàng giờ một cách rất chi tiết. Khẩu trang y tế được trang bị miễn phí tại các điểm công cộng cho người dân sử dụng.
Điện thoại tôi vẫn nhận được tin nhắn từ Bộ y tế mỗi ngày. Tôi theo dõi và cập nhật thông tin thường xuyên để có thái độ ứng xử phù hợp trong tình cảnh toàn cả nước đang tập trung phòng chống dịch.
Chiếc khẩu trang y tế trước khi có công năng phòng bệnh còn có tính năng tạo cảm giác an tâm cho người dùng. Trong tình cảnh cả xã hội đang lo lắng, đề phòng dịch bệnh, việc mỗi cá nhân tự biết giữ gìn, phòng bệnh cho bản thân, người thân của mình chính là đã góp phần an yên cho xã hội. Tôi tin dịch corona tại Việt Nam sẽ được kiểm soát và chấm dứt.