Cập nhật tới 22h ngày 10/2, Việt Nam đã điều trị khỏi cho 6 trường hợp nhiễm virus corona. (Ảnh minh hoạ).
Bộ Tài chính mới đây đã có báo cáo đánh giá tác động của dịch bệnh viêm phổi do virus corona gây ra tới tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Theo đó, tình hình giá cả thị trường trong tháng đầu năm 2020 có những diễn biến mới, khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 1/2020 tăng khá cao so với tháng 12/2019, ở mức 1,23%. Việc này đã tác động lớn tới công tác kiểm soát mặt bằng giá trong quý I và cả năm 2020 theo mục tiêu.
Theo Bộ Tài chính, bên cạnh quy luật tăng giá cục bộ khi dịp Tết Dương lịch và Tết Âm lịch cùng diễn ra trong một tháng, nguyên nhân chính là do tác động từ nhóm mặt hàng ăn uống ngoài gia đình, nhóm hàng thực phẩm và nhất là giá thịt lợn (Tháng 1/2020 tăng 8,29% so với tháng trước). Đồng thời, do ảnh hưởng từ dịch bệnh do virus Corona, giá một số mặt hàng như khẩu trang, nước sát khuẩn… trên thị trường có diễn biến phức tạp, giá bị đẩy cao tác động tới tâm lý của người dân.
Trước tình hình đó, trong ngày 31/1/2020, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã chỉ đạo thực hiện ngay các giải pháp cục thể trong tháng 1 và 2 nhằm kiểm soát, bình ổn giá các mặt hàng thịt lợn, rau củ, vật tư tiêu dùng phục vụ phòng chống dịch bệnh do virus corona, dịch vụ công và giá các mặt hàng thuộc danh mục Nhà nước định giá, bình ổn giá.
Cũng theo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, ngoài việc triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm kiểm soát mặt bằng giá trong quý I, phải tập trung nguồn lực thực hiện đầy đủ, kịp thời các giải pháp về kinh tế vĩ mô, các quy định pháp luật hiện hành để kiểm soát, bình ổn giá các mặt hàng phục vụ cho công tác phòng chống dịch bệnh do virus Corona, các mặt hàng nông sản, thực phẩm và một số hàng hoá nguyên liệu đầu vào phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Bộ Tài chính đề xuất đưa các vật tư tiêu dùng phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh do virus corona vào diện kê khai giá và kiểm soát yếu tố hình thành giá theo quy định của Luật Giá. (Ảnh minh hoạ).
Từ đây, Bộ Tài chính đã đề xuất một số giải pháp cụ thể. Đối với Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ Tài chính đề nghị phải có trách nhiệm phối hợp với các Bộ, ngành triển khai các giải pháp kiểm soát mặt bằng giá tại địa phương.
Trường hợp cần thiết, nên đưa các mặt hàng chống dịch bệnh do virus corona vào diện kê khai giá và kiểm soát yếu tố hình thành giá theo quy định của Luật Giá để bình ổn giá cả thị trường.
Đối với mặt hàng thuốc chữa bệnh cho người, bao gồm cả các loại thuốc phục vụ cho phòng chống dịch bệnh do virus corona, cần tổ chức triển khai ngay việc đấu thầu thuốc, tập trung đàm phán giá để bảo đảm có đủ nguồn cung trong và sau dịch bệnh thông qua đó điều tiết mức giảm giá bán phù hợp.
Đối với nhóm mặt hàng thuộc danh mục kê khai giá, cơ quan quản lý giá sẽ giám sát chặt chẽ, ngăn chặn việc lợi dụng tăng giá bất hợp lý.
Với giá điện, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công thương chỉ đạo Tập đoàn điện lực Việt Nam tổ chức sản xuất và cung ứng đầy đủ, kịp thời điện cho sản xuất, không để thiếu điện, trước mắt chưa tính đến phương án điều chỉnh giá mặt hàng này.
Cũng theo Bộ Tài chính, một số máy móc, thiết bị, dịch truyền, vật tư y tế trong nước chưa sản xuất được thì thuế nhập khẩu 0%. Còn một số vật tư y tế, nguyên liệu sản xuất khẩu trang, vải không dệt, găng tay trong nước đã sản xuất được thì thuế nhập khẩu 5% - 30%.
Để phục vụ công tác chống dịch bệnh, Bộ Tài chính đã ban hành quyết định miễn thuế nhập khẩu đối với khẩu trang y tế, nước rửa tay sát trùng.
Theo Bộ Tài chính, trong giai đoạn tiếp theo, dự báo Việt Nam vẫn cần trang bị các vật dụng thiết bị cần thiết dùng cho chống lây nhiễm dịch, bệnh, trong đó có khẩu trang. Do vậy Bộ Tài chính kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Y tế chỉ đạo tìm nguồn để nhập khẩu khẩu trang đáp ứng nhu cầu ở trong nước.
Mặt khác, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Ngoại giao khuyến khích các tổ chức quốc tế, kiều bào hỗ trợ, cung cấp các trang thiết bị phòng, chống dịch.