Không chịu làm thuê
Hai thôn Bàng An và Phàn Thất vốn là những vùng quê rất nghèo nằm ở bãi ngang, đất đai cằn cỗi, cách cửa biển Mỹ Á vài km. Những năm trước đây, vì nghèo nên trai đinh của 2 làng kéo nhau ra Đà Nẵng thuê tàu cá đi khơi, chủ tàu và bạn lái ăn chia theo tỷ lệ 6-4.
Ông Ngô Đẹp - một thuyền trưởng dày dạn cho biết: “Ra biển phải làm cật lực kiếm tiền vô trả phí tổn và chia 4 phần cho chủ. Nếu ngư dân ở Đà Nẵng chỉ đi biển hơn 10 ngày đã hối thúc quay vào bờ, thì các ngư dân ở làng Bàng An và Phàn Thất chúng tôi phải gạt mồ hôi, bám biển đánh lưới tới cùng, khi nào tàu đầy cá mới trở về”.
Ngư dân Quảng Ngãi đánh bắt cá trên vùng biển Trường Sa - Việt Nam. |
Cuộc đời thuê tàu cũng nhiều nỗi vui, buồn. Khi cho tàu chạy ngoài khơi vào đất liền bán cá, ông chủ tàu điện ra thông báo giá cá 15, nhưng khi tàu cập bến thì lại rớt xuống còn 13. Mệt mỏi vì chuyến biển dài ngày, các ngư dân lại cảm thấy nản lòng hơn khi giá cả do người khác quyết định. Chủ tàu đứng ra bán cá và thông đồng với chủ nậu xà xẻo thêm mấy phần của ngư dân đi biển. Ông Huỳnh Hợp - ngư dân già ở địa phương nhớ lại: “Làm ăn được mấy năm, anh em tôi bàn tính phải tự đóng tàu đi làm chứ không thể làm biển theo kiểu thuê tàu suốt đời”.
Vậy là hàng trăm ngư dân ở Bàng An và Phàn Thất rần rần lo chuyện hùn tiền đóng tàu. Khi hùn tàu, những ai có ít vốn thì hùn 10 người đóng một tàu, ai khá hơn thì 4-5 người... Cuộc chia tách của các chủ tàu đến giờ này vẫn tiếp tục diễn ra. Từ một thôn chỉ vỏn vẹn 6 chiếc tàu, giờ đội tàu của các lão nông đã phát triển lên 120 chiếc, tàu có công suất lớn nhất là 700 mã lực. Các ngư dân dự tính sẽ đóng tàu 1.000 mã lực trong thời gian tới.
Ngư dân Huỳnh Luận - thuyền trưởng tàu QNg 94559 TS cho biết: “Các ngư dân nhận được từ 100 tới hơn 200 triệu đồng sau một năm đánh bắt”. Đó là con số đáng kinh ngạc, bởi ngư dân một số địa phương khác có tàu công suất lớn, đánh bắt quanh năm mà bạn chài cũng chỉ kiếm được từ 40-50 triệu đồng/năm.
Đánh bắt hiện đại
“Ở rìa ngoài có 2 cây cá, nếu bao cho kỹ kiếm được vài tấn cá ngừ sọc dưa...”. Vào một đêm ở vùng biển Trường Sa, máy Icom trên tàu cá QNg 94559 TS của thuyền trưởng Huỳnh Luận nhận được thông tin về luồng cá. Tàu QNg 98559 TS mở tần số riêng điện báo cho các tàu bạn thân. Các tàu tranh thủ kéo hết giàn lưới để tức tốc lao đến tọa độ mới. Đoàn kết trên biển là yếu tố đầu tiên giúp những con tàu ở Bàng An và Phàn Thất ra khơi là thắng lớn.
Các thuyền trưởng cho biết: Hiện nay ngư dân 2 thôn đang áp dụng phương pháp đánh bắt hiện đại, không chơi kiểu cò con. Giàn lưới dài hơn 20km. Hàng ngày, cứ vào lúc 17 giờ, ngư dân bủa lưới xuống biển. Ngâm lưới đến 23 giờ thì kéo lên. Nhờ lắp hệ thống tời thu lưới, ngư dân đỡ nhọc công vất cả. Vừa thu lưới, vừa nhặt cá. Công việc kết thúc thì trời cũng vừa hừng đông. Còn trước đây, kéo lưới thủ công thì phải kéo dài đến trưa.
Bình minh ló rạng trên biển, thông tin về tiến độ đánh bắt được thông báo trên máy Icom: Giác lưới đêm qua mấy tấn, sọc dưa được bao nhiêu két... Theo các ngư dân, với phí tổn hiện nay, nếu giác lưới chỉ được 300kg cá thì coi như lỗ dầu. Nhưng 300kg đó toàn là cá thu thì bù tổn phí (hiện cá thu được thu mua với giá 80.000-100.000 đồng/kg). Nhiều tàu đã quây được mẻ cá lên đến 15 tấn/đêm.
Tất cả tàu cá của 2 thôn đều hành nghề xa bờ. Các ngư dân mua thêm máy Icom tầm xa đặt tại nhà để nắm thông tin, đề phòng mọi bất trắc. Trên mỗi chiếc tàu ra khơi đều trang bị đầy đủ các thiết bị hiện đại và đắt tiền để phục vụ việc đánh bắt.
Lê Văn Chương