Dân Việt

Nhà thầu "tố" gói thầu số 05 ở Quảng Ninh “viết sẵn bài thầu” cho Liên danh Thái Dương?

Quang Minh 12/02/2020 08:15 GMT+7
Gói thầu số 05 (gói thầu EPC): “Thiết kế bản vẽ thi công phần cáp ngầm xuyên biển 22kV; cung cấp, thí nghiệm, lắp đặt, đào tạo và chuyển giao công nghệ” của Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Quảng Ninh bị nhà thầu tham gia đấu thầu “tố” viết sẵn bài thầu để Liên danh Thái Dương chưa cần chấm đã biết… trúng thầu.

Mới đây, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Quảng Ninh (bên mời thầu) đã tổ chức đấu thầu và công bố kết quả lựa chọn nhà thầu Gói thầu số 05 (gói thầu EPC): “Thiết kế bản vẽ thi công phần cáp ngầm xuyên biển 22kV, cung cấp, thí nghiệm, lắp đặt, đào tạo và chuyển giao công nghệ”.

Đơn vị trúng thầu là Liên danh Công ty TNHH Xây dựng điện Thái Dương - Công ty CP Xây dựng hạ tầng T và D - Công ty CP Tư vấn thiết kế điện Bình Minh với giá trúng thầu là 323,338 tỷ đồng, giảm 1,3 tỷ đồng so với giá gói thầu (324,721 tỷ đồng), tương đương tỷ lệ tiết kiệm qua đấu thầu là 0,4%.

Theo tìm hiểu, trong thời gian phát hành hồ sơ mời thầu, có 5 nhà thầu mua hồ sơ. Tại thời điểm đóng thầu có 3 nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu. Hai nhà thầu bị loại với lý do không đáp ứng yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm. Gói thầu số 05 là một trong 6 gói thầu thuộc Dự án Cấp điện lưới quốc gia cho đảo Trần, huyện Cô Tô và đảo Cái Chiên, huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh.

img

Việc chỉ định duy nhất 1 chủng loại cáp ngầm biển sử dụng lớp cách điện EPR đã triệt tiêu trong đấu thầu (ảnh minh họa)

Tuy nhiên, một doanh nghiệp tham gia mua hồ sơ dự thầu bức xúc và có đơn tố cáo về việc gói thầu này có nhiều vấn đề cần được làm rõ, nhất là có hay không những dấu hiệu thông thầu giữa bên mời thầu và đơn vị trúng thầu?

Cụ thể, từ khi bên mời thầu phát hành hồ sơ thông báo mời thầu là ngày 25/11/2019 đến khi đóng gói thầu trên vào ngày 15/12/2019, thời gian chỉ có 20 ngày (không tính ngày nghỉ). Với thời gian quá ngắn như vậy cho một gói thầu có giá hàng trăm tỉ đồng là không đảm bảo tính cạnh tranh và hiệu suất kinh tế, không tạo điều kiện để cho các đơn vị sản xuất khác có đủ thời gian chuẩn bị hồ sơ để tham gia dự thầu.

Nhà thầu tố cáo cho biết, bất chấp việc các đơn vị tham gia đấu thầu viết đơn xin gia hạn thêm thời gian để có đủ điều kiện chuẩn bị hồ sơ tham gia gói thầu số 05, nhưng bên mời thầu vẫn không  chấp thuận.

Thêm nữa, gói thầu trên là một trong những gói thầu quan trọng liên quan đến xây lắp và cung cấp vật tư thiết bị (VTTB) thí nghiệm, đào tạo và chuyển giao công nghệ nhưng lại không phát hành hồ sơ mời thầu rộng rãi có các đơn vị quốc tế tham gia theo quy định, mà chỉ mời thầu các đơn vị trong nước.

Đặc biệt, theo doanh nghiệp tham gia dự thầu, dường như gói thầu này được viết sẵn dành cho đơn vị trúng thầu là Liên danh công ty Thái Dương, cụ thể nằm ở phần tiêu chí kỹ thuật trong hồ sơ năng lực của Nhà thầu. Theo đó, bên mời thầu đưa ra yêu cầu nhà thầu phải có hợp đồng tương tự thi công cáp ngầm biển sử dụng lớp cách điện EPR.

Các nhà thầu tham gia dự thầu dự án này cho rằng, dựa trên tiêu chí này thì không cần tổ chức đấu thầu mà giao luôn gói thầu cho Liên danh Công ty Thái Dương thực hiện hợp đồng cho đỡ mất thời gian đấu thầu. Bởi nếu thi công cáp ngầm biển sử dụng lớp cách điện EPR, ở Việt Nam chỉ duy nhất Công ty TNHH Xây dựng điện Thái Dương, đơn vị đứng đầu Liên danh tham gia gói thầu trên đáp ứng được yêu cầu năng lực này.

Các nhà thầu tham gia dự thầu gói thầu này đặt ra câu hỏi: “Tại sao gói thầu gói thầu số 05 (gói thầu EPC) Thiết kế bản vẽ phần cáp ngầm xuyên biển 22kV lại chỉ định sử dụng duy nhất cáp ngầm cách điện EPR?”

Theo xu thế của thế giới, từ năm 1973 đến nay, cáp ngầm biển đã và đang sử dụng chủ yếu là lớp cách điện XLPE. Hiện tại rất ít các nhà máy còn sử dụng lớp cách điện EPR cho cáp ngầm biển. Cách điện XLPE trở nên phổ biến hơn trong các dự án dầu khí, trang trại gió ngoài khơi và các dự án Interconnector vì trải nghiệm hiệu suất thành công và mang tính kinh tế cao hơn so với cáp có cách điện EPR.

Nhà thầu tham gia đấu thầu có đơn tố cáo cho biết, một nhà thầu tham gia gói thầu này cũng đã có văn bản đề nghị bên mời thầu xem xét, chấp nhận sử dụng một trong hai loại cách điện XLPE hoặc EPR đối với cáp ngầm biển cho gói thầu số 05 trên nhưng đã không được chấp nhận.

“Bài thầu mà Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Quảng Ninh đưa ra, ai trong nghề cũng biết chỉ để dành riêng cho Liên danh Thái Dương. Bởi xét theo tiêu chí kỹ thuật mà bên mời thầu đưa ra cho gói thầu trên, không cần chấm cũng biết là Liên danh Thái Dương sẽ trúng, vì Công ty Thái Dương, đơn vị đứng đầu liên doanh là doanh nghiệp duy nhất ở Việt Nam phân phối độc quyền cáp ngầm sử dụng lớp cách điện EPR. Nên cũng chỉ duy nhất doanh nghiệp này có hợp đồng năng lực tương tự sử dụng cáp ngầm lớp cách điện EPR đạt tiêu chuẩn tham gia gói thầu này. Đây có phải là cách lách luật trắng trợn. Bài học thông thầu ở vụ Nhật Cường vẫn còn nóng hổi, sờ sờ ra đấy”, một nhà thầu giấu tên cho biết.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.