Dân Việt

Mua sắm trực tuyến lên ngôi giữa dịch virus corona

Diệu Bình 12/02/2020 12:54 GMT+7
Dịch chủng virus corona mới đã trở thành "cơ hội" để các phương thức mua hàng trực tuyến được người dân đón nhận hơn.

Dịch viêm đường hô hấp do chủng mới của virus corona (nCoV) gây ra đang diễn biến phức tạp, người dân tự bảo vệ mình bằng cách mua bán hàng qua mạng, chuyển dịch mua sắm từ các cửa hàng, siêu thị, trung tâm thương mại... sang mua sắm trực tuyến.

Ghi nhận của PV Dân Việt tại các trung tâm thương mại, nhà hàng, cửa hàng thời trang, các quán nhỏ… đều vắng khách. Các chủ hàng đều một tâm trạng chán nản do doanh thu giảm sút.

Chị Lê Ánh Minh (chủ cửa hàng ăn trên đường Phạm Như Xương, Đà Nẵng) chia sẻ, dịch bệnh đã ảnh hưởng đến tình hình buôn bán của cửa hành rất nhiều. "Do khách lo ngại dịch bệnh nên khoảng 2 tuần nay, quán vắng khách hơn thời gian trước, tôi nhận các đơn đặt thức ăn qua các ứng dụng Grab, Foody... khá nhiều, trung bình 40 - 50 đơn/ngày, tăng gấp đôi, gấp ba so với trước khi có dịch", chị Minh cho hay.

img

Các hàng quán "vắng bóng" khách hàng.

Tương tự, theo nhân viên tại cửa hàng thực phẩm sạch trên đường Tôn Đức Thắng (Đà Nẵng), do tâm lý lo ngại của khách mua nên lượng hàng bán trong ngày của quán giảm đi rõ rệt, ước tính khoảng 30 - 40%. Tuy nhiên, đơn hàng từ việc bán online đã tăng lên đáng kể, từ 20 - 30 đơn/ngày, đã tăng lên 50 - 60 đơn/ngày. Hầu hết khách thanh toán bằng chuyển khoản.

Trao đổi với PV, Anh Phạm Văn, chạy đơn Foody cho hay, những ngày vừa qua, lượng đơn hàng từ các quán ăn, nhà hàng và cả những đơn vận chuyển hàng đều tăng rất mạnh."Những ngày này, anh em chúng tôi ai cũng bận bịu, với việc đặt thức ăn qua mạng khách hàng sẽ đỡ phải đi lại và không lo ngại dịch bệnh lây lan", anh Văn nói.

img

Dịch vụ giao hàng trực tuyến được ưa chuộng trong thời gian dịch bệnh đang diễn ra phức tạp.

Tại hệ thống siêu thị Co.opmart cũng đang triển khai hoạt động mua sắm online. Theo đại diện siêu thị Co.opmart tại Đà Nẵng cho biết, trước khi diễn ra dịch viêm phổi cấp, tỷ lệ bán qua kênh online tại Co.opmart đạt khoảng 5 - 10%, nhưng hiện tại lượng khách hàng mua online đang tăng mạnh.

"Hiện, tất cả các sản phẩm bán tại siêu thị Co.opmart đều được "lên mạng". Kênh bán hàng online của siêu thị đã nhận số đơn đặt hàng tăng lên mỗi ngày từ khi có thông tin về dịch bệnh. Hiện phần lớn khách hàng chọn đặt hàng qua email, điện thoại và giao hàng tận nơi. Vì vậy, hệ thống này cũng đang đầu tư chăm sóc mạnh kênh bán hàng online. Để kích thích người dân mua sắm online, Co.opmart vận chuyển nội thành miễn phí với hóa đơn mua hàng trị giá trên 200.000 đồng", vị đại diện này cho hay.

Trong khi đó, để kích thích người tiêu dùng tăng mua qua kênh trực tuyến, các sàn thương mại điện tử Shopee, Tiki, Lazada… lại chọn hình thức hợp tác cùng siêu thị với nhiều khuyến mại lớn đến 30% đơn hàng trong suốt tháng 2/2020. 

img

Thực tế, phương thức mua hàng trực tuyến ở Việt Nam đã xuất hiện cách đây vài năm, với sự xuất hiện của các trang thương mại điện tử như Sendo, Tiki, Shopee… và nhiều “ông lớn” trên thế giới như Lazada, Alibaba, Amazon… Đặc biệt, 2 tuần trở lại đây từ khi WHO công bố dịch chủng virus corona mới thì xu hướng này diễn ra mạnh mẽ, không chỉ ở các trang thương mại điện tử lớn mà ở tất cả trang cá nhân trên các mạng xã hội.

Theo một số chuyên gia, việc mở rộng kênh bán hàng trực tuyến là xu thế của xã hội phát triển, điều này vừa tiết kiệm được thời gian mua sắm của khách hàng, vừa giảm được nhiều chi phí cho doanh nghiệp. Đặc biệt, trong thời điểm này, việc mua sắm trực tuyến sẽ hạn chế được đông người đến các nơi công cộng.