Nhiều người rất ngạc nhiên khi biết rằng Đức Quốc xã đã mở rộng nanh vuốt vượt xa khỏi châu Âu, và một trong những nơi mà chúng đặt chân tới là ở tận Brazil.
“Đế quốc Đức Quốc xã mới” ở Nam Mỹ
Cuộc di cư của đám tội phạm chiến tranh Đức Quốc xã trốn thoát đến Nam Mỹ đã diễn ra ngay sau khi kết thúc Chiến tranh thế giới lần thứ 2, nhưng có lẽ ít người biết được rằng sự lây nhiễm “dịch phát xít” ở Brazil thật sự đã bắt đầu một thời gian dài trước khi đại chiến thế giới thật sự bùng nổ, khi Đảng công nhân Đức bắt đầu một chiến dịch tuyên truyền ngay trong nước Đức vào đầu thập niên 1920, kết quả là hàng ngàn người Đức đã di dân tới Brazil.
Chuyến thám hiểm của Đức quốc xã ở Amazon.
Tất nhiên không phải tất cả các luồng di cư này đều tuân theo hệ tư tưởng của Đức Quốc xã nhưng chí ít cũng có “những con sói dữ” đã xâm nhập trong đám người này, những kẻ này không can thiệp vào các cuộc bầu cử trong nước hay tham gia vào bất kỳ chiến thuật chính trị nào, nhưng vẫn bí mật vươn các xúc tu và gieo mầm cái gọi là “thành trì Đức Quốc xã” ở khu vực Nam Mỹ.
Mặc dù Đảng quốc xã chỉ chiếm 5% tổng dân số Đức tại Brazil, nhưng thế lực này cũng đủ gây ra mối đe dọa: là lực lượng dân cư Đức Quốc xã lớn nhất bên ngoài nước Đức, lập nên nhiều kế hoạch mật và tìm cách chiêu dụ dân nhập cư Đức tham gia vào liên minh ma quỷ.
Hầu hết sự hiện diện của Đức Quốc xã ở Brazil tập trung ở các đại đô thị như São Paulo, Santa Catarina và Rio de Janeiro, nhưng tổng dân số Đức thì trải dài trên khắp 17 bang của Brazil.
Ngay từ thập niên 1930, dân số Đức ở Brazil đã tăng hơn 1 triệu người, vì vậy chỉ có các cư dân gốc Đức mới được tham gia vào Đảng Quốc xã, lẽ dĩ nhiên cũng có nhiều thành viên mới tiềm tàng để gia nhập. Nền đệ tam Đức Quốc xã đã mưu đồ tạo dựng nên một đế quốc Đức Quốc xã mới ở Nam Mỹ, và chúng cho rằng khu vực này quá lý tưởng cho các mục tiêu đó.
Một báo cáo của Đức Quốc xã từng nhận định như sau: “Brazil là nơi đất rộng và người Bắc Âu đã tìm tới đây ngụ cư… Đối với chủng tộc da trắng tiến bộ, Brazil rõ ràng là nơi cung cấp các khả năng vượt trội cho việc khai thác”.
Không những “xâm lược” các đại đô thị của Brazil, Đức Quốc xã còn để mắt tới những vùng đất xa, những nơi rộng rãi để ẩn kín những âm mưu tinh vi của chúng. Năm 1935, Đức Quốc xã đã phát động một kế hoạch chinh phạt lòng chảo Amazon dưới mã danh “Dự án Guayana”.
Kế hoạch này ban đầu được ngụy tạo dưới dạng một đoàn thám hiểm nghiên cứu dọc theo biên giới Pháp Guiana và Brazil, được dẫn đầu bởi nhà Động vật học kiêm nhà làm phim tên là Otto Schulz-Kampfhenkel, người này là một thành viên của lực lượng SS.
Nghĩa địa Đức Quốc xã
Tham gia chuyến đi với ông Kampfhenkel là viên quản đốc Joseph Greiner và một người lính Đức Quốc xã, những người này cùng tiến hành chung một mục đích là thu thập các mẫu động vật và nghiên cứu về những bộ lạc bản địa, chú trọng hầu hết vào một nhánh sông Amazon gọi là sông Jari.
Tuy nhiên, ngoài làm công tác khoa học thì đám người trên cũng quan tâm tới các khu vực mà họ muốn mở rộng “thuộc địa” của nền Đệ tam Đức Quốc xã, cũng như làm bàn đạp cho việc chiếm đoạt các thuộc địa của Pháp và Anh trong khu vực Amazon ít người biết đến.
Khi các nhà nghiên cứu tiến hành thâm nhập sâu vào rừng già Amazon, rõ ràng rằng người Đức đã không hề chuẩn bị trước cho sứ mạng này. Bên cạnh việc bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh và những điều kiện rừng rú, họ cũng gần như bị lạc trong rừng, và liên tục được giải cứu bởi các bộ lạc thổ dân sống trong rừng.
Khi đi trong vùng đất hoang dã bí hiểm này, nhà động vật học Schulz-Kampfhenkel bỗng nhiên mắc phải chứng bệnh bạch cầu, Greiner qua đời vì một chứng sốt rét bí hiểm, còn chiếc thủy phi cơ chở họ đi các nơi bỗng rơi xuống nước khi vướng phải cái gì đó.
Toàn bộ dự án sau đó bị hủy bỏ. Những năm sau đó, Schulz-Kampfhenkel đã trở thành một chuyên gia hàng đầu về diễn giải trinh sát không ảnh trong thời kỳ Chiến tranh thế giới thứ 2, trước khi bị bắt giữ làm tù binh chiến tranh bởi người Mỹ và cuối cùng qua đời ở Đức vào năm 1989.
Dự án Guyana tuyệt mật, từng được phân loại cao, thì giờ đây chỉ được nhớ qua một bộ phim tài liệu về chuyến đi của Otto Schulz-Kampfhenkel và cộng sự, cũng như một địa điểm gợi sự tò mò trên một hòn đảo nằm giữa sông Jari.
Tại đó, ngay giữa một khu rừng bạt ngàn, hoang vu, gần như không thể bị xuyên thủng, là một tấm bia mộ dựng bằng gỗ cao 2,7m là nơi an giấc ngàn thu của Joseph Greiner. Mộ được bao phủ bởi một số chữ thập ngoặc và có khắc dòng chữ “Joseph Greiner đã tạ thế ở đây, vào ngày 2 tháng 1 năm 1936, do bị bệnh sốt rét vì sứ mạng nghiên cứu nước Đức”.
Mộ của một thành viên Đức Quốc xã ngay trong cánh rừng già, nằm cách quê hương Đức tới hàng ngàn dặm, được bao bọc trong biển cây rừng cùng các mảnh vỡ của một dự án cam chịu. Dân bản địa trong vùng gọi nơi này bằng cái tên đơn giản “nghĩa địa Đức Quốc xã”.
Chuyến thám hiểm và câu chuyện về “nghĩa địa Đức Quốc xã” đã xuất hiện một cách chi tiết trong cuốn sách “Dự án Guyana: Chuyến thám hiểm của người Đức đến Amazon” của tác giả Jens Gluessing, chính ông là người đã phát hiện ra ngôi mộ lạ.
Brent Swancer là một tác giả và chuyên gia về tiền điện tử đang sống ở Nhật Bản. Sinh học, tự nhiên, và tiền điện tử là một 3 lĩnh vực nghiên cứu yêu thích của ông Brent Swancer.