Dân Việt

“Ôm” 1.600 tỷ lỗ ròng, HAG của bầu Đức tiếp tục giải thể công ty con

Huyền Anh 14/02/2020 08:45 GMT+7
Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai của bầu Đức tiếp tục ban hành Nghị quyết giải thể công ty con trong lĩnh vực thủy điện. Năm 2019, Hoàng Anh Gia Lai lỗ sau thuế 1.609 tỷ đồng. Tuy nhiên, điểm tích cực là nợ vay đã giảm đáng kể so với đầu năm.

Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL - Mã: HAG) của ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) vừa công bố thông tin liên quan đến việc giải thể công ty con.

Theo đó, Hội đồng Quản trị của HAG đã thông qua Nghị quyết về việc giải thể công ty con do HAG nắm giữ 99% vốn điều lệ là CTCP Thủy điện Hoàng Anh Sài Gòn.

HAG giao cho ông Võ Trường Sơn – Tổng giám đốc, đại diện vốn góp của HAG tại CTCP Thủy điện Hoàng Anh Sài Gòn thôg qua và giao cho HĐQT, Ban giám đốc CTCP Thủy điện Hoàng Anh Sài Gòn triển khai các thủ tục pháp lý theo quy định của pháp luật để tiến hành giải thể công ty này.

Được biết, CTCP Thủy điện Hoàng Anh Sài Gòn được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu vào tháng 2/2018. Theo nội dung trong giấy đăng ký hoạt động, Thủy điện Hoàng Anh Sài Gòn có trụ sở tại TP HCM, hoạt động chính trong lĩnh vực sản xuất, truyền tải và phân phối điện với vốn điều lệ 50 tỷ đồng.

img

Trong đó, HAGL của bầu Đức góp vốn 49,5 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ sở hữu 99%; hai cổ đông còn lại là Phùng Thúy Hoàng Kim và Đoàn Nguyễn Minh Hòa cùng góp 250 triệu đồng.

Điều đáng nói, thời điểm hiện tại HĐQT của Hoàng Anh Gia Lai mới ban hành Nghị quyết về giải thể CTCP Thủy điện Hoàng Anh Sài Gòn, tuy nhiên trong báo cáo tài chính (BCTC) quí IV/2019 của HAG lại không còn sự xuất hiện của công ty con này.

Tháng 12/2019, doanh nghiệp của bầu Đức cũng đã chuyển nhượng toàn bộ 248,5 triệu cổ phần, tương đương 99,4% vốn điều lệ đang sở hữu tại CTCP Thủy điện Hoàng Anh Gia Lai. BCTC quí IV/2019 chưa ghi nhận khoản thanh lí này.

Ngoài việc bán lại toàn bộ cổ phần tại CTCP Thủy điện Hoàng Anh Gia Lai, báo cáo tài chính quí này của HAG cũng không còn ghi nhận khoản đầu tư vào 2 công ty con hoạt động trong lĩnh vực thủy điện là Công ty TNHH Điện Hoàng Anh Attapeu (Nậm Kông 2) và Công ty TNHH Điện Nậm Kông 3.

Theo ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) – Chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai, việc thoái vốn rút khỏi mảng thủy điện nhằm mục đích đẩy mạnh công tác tái cấu trúc tập đoàn theo hướng thoái vốn khỏi những ngành, lĩnh vực không hiệu quả và tăng cường tập trung vào nông nghiệp.

Trong nhiều năm trở lại đây, báo cáo tài chính của HAG thiếu vắng sự đóng góp doanh thu của mảng thủy điện.

Trong BCTC quí IV/2019 cho thấy, gần như toàn bộ doanh thu của HAG đều đến từ mảng nông nghiệp, trong đó chủ yếu từ công ty con HAGL Agrico. Dù vậy, do ảnh hưởng bởi trận lũ lụt tại Lào khiến doanh thu thuần giảm 43,6% so với cùng kì năm 2018 xuống còn 602,6 tỷ đồng, trong đó công ty mẹ đạt doanh thu 33,3 tỷ đồng.

img

Cơ cấu doanh thu của HAG của bầu Đức bao gồm: Mảng trái cây đóng góp 54,3%, mảng cao su đóng góp 25,6%. Các dịch vụ khác và bán hàng hóa, phụ phẩm đóng góp lần lượt 10,3% và 9,7%. Trong kì, công ty không còn doanh thu từ ớt, bò thịt và bất động sản.

Việc kinh doanh dưới giá vốn khiến doanh nghiệp của bầu Đức lỗ gộp 19 tỷ đồng, cùng kì năm 2018, HAG lãi gộp 196 tỷ đồng.

Hoạt động tài chính không thay đổi nhiều so với cùng kì năm trước, với doanh thu tài chính đạt 257,8 tỷ đồng và chi phí tài chính ở mức 349,2 tỷ đồng. Mặc dù chi phí quản lí doanh nghiệp giảm đáng kể từ 286,3 tỷ đồng xuống 92,9 tỷ đồng.

Trong kì, HAG tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tái cơ cấu, phát sinh thêm 281,6 tỷ đồng các loại chi phí khác; bao gồm chuyển đổi vườn cây, đánh giá lại và xóa sổ các tài sản không hiệu quả. Theo đó, công ty chịu thêm lỗ khác 270,6 tỷ đồng.

Kết quả, Hoàng Anh Gia Lai của bầu Đức lỗ sau thuế 343,2 tỷ đồng trong quí IV, tương đương mức lỗ cùng kì năm trước. Tuy nhiên, phần lỗ này chủ yếu đến từ các công ty con khi lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ vẫn ghi nhận hơn 56 tỷ đồng.

Lũy kế cả năm 2019, doanh thu của HAG giảm 61,4% so với năm trước xuống còn 2.082 tỷ đồng. Công ty lỗ sau thuế 1.609 tỷ đồng, trong khi năm 2018 lãi 6,2 tỷ đồng. Dù vậy, lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ vẫn đạt 253,2 tỷ đồng, cao gấp 2,2 lần so với năm trước. Nhờ đó, HAGL cũng thoát khỏi cảnh lỗ lũy kế.

Tính đến cuối quý IV/2019, tổng tài sản của HAG giảm gần 20% so với cùng kỳ xuống còn gần 38.599 tỷ đồng.

img

Nợ phải trả của HAG cũng giảm mạnh hơn 30% so với đầu năm về mức 21.577 tỷ đồng. Trong đó, vay nợ ngắn hạn và dài hạn đều giảm đáng kể, lần lượt giảm 46% và 26% so với đầu năm.

Vay ngắn hạn của Công ty giảm mạnh chính là nhờ thực hiện chuyển đổi hơn 2.000 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi cổ phần HNG. Còn đối với các khoản vay dài hạn, doanh nghiệp của bầu Đức cũng đã giảm khoản mục trái phiếu thường trong nước hơn 30% so với đầu năm về còn 7.045 tỷ đồng. Nhờ vậy mà chi phí lãi vay trong năm giảm đáng kể.