Dân Việt

“Liều vaccine” cho ngành nông sản

Nhiệm vụ tái cơ cấu nông nghiệp cũng phải giải quyết được năng lực cảnh báo nhanh và phản ứng nhanh trong mỗi bộ ngành trực tiếp liên quan là Bộ Công thương và Bộ NNPTNT.

Cứ gặp sự cố, nông sản Việt lại tiến thoái lưỡng nan, muốn đi hay về đều lận đận. Câu chuyện này không có gì mới. Lạ chăng, bài học cũ nhưng vết thương mới cứ nguyên vẹn, lần sau đau hơn lần trước mà thuốc chữa chẳng thấm vào đâu.

Trong kinh doanh, rủi ro song hành cùng cơ hội. Lần này, virus corona quất tiếp vết roi bầm tím trên da thịt những mặt hàng xuất đi Trung Quốc. Nhưng nó cũng mang đến nhiều cơ hội để sửa đổi từ nông dân, doanh nghiệp, tới cả chính quyền, cùng rất nhiều việc cần làm nhanh.

img

Cần những“liều thuốc” mạnh hơn cho những rủi ro của nông dân và doanh nghiệp.

Tỷ trọng xuất khẩu nông thủy sản chiếm khoảng 25% trong tổng kim ngạch xuất qua Trung Quốc. Sự cố ùn ứ ở cửa khẩu đầu năm đặt ra bài toán thay đổi thị trường cũng như cơ cấu xuất khẩu mặt hàng nông sản. Con số này nên rút giảm xuống còn 15-20%, phần còn lại tìm kiếm, chia ra cho các thị trường mới và cố gắng bám giữ. Hàng ùn ứ quay ngược về nội địa theo kiểu “cứ bán được là mừng” nên việc tìm thị trường mới là cần thiết và thích hợp trong lúc này.

Tất nhiên, muốn bán được ở các thị trường khác, thậm chí khó tính hơn thì cơ hội thứ 2 là nâng cao chất lượng sản phẩm ở những thị trường khó tính. Đây chính là lúc để Nhà nước ưu tiên và có chính sách ưu đãi tốt hơn cho nông sản sạch, chế biến sâu. Khi nông sản ngừng bán thô, bán tươi, hàng hóa có cơ hội đi thẳng tới siêu thị thế giới với giá trị gia tăng cao hơn gấp nhiều lần mà không cần qua thương lái.

Vấn đề này lâu nay vẫn nan giản vì chưa giải quyết được điểm cốt yếu của nông nghiệp là tính mùa vụ. Công nghệ chế biến đặt yêu cầu cao thì nhu cầu bảo quản nguyên liệu cho chế biến cũng căng thẳng không kém. Doanh nghiệp không dám mua hàng số lượng lớn kể cả khi biết giá đang tốt vì không đủ năng lực tài chính đầu tư cho tất cả các khâu.

10 năm trở lại đây, nông nghiệp đã có những nỗ lực đáng kể từ cả nông dân lẫn doanh nghiệp trong nỗ lực bảo quản, chế biến để đưa trái cây đi xa hơn, hoặc giữ được chất lượng y nguyên trái tươi. Nhưng bao nhiêu đó vẫn là chưa đủ cho một nền công nghiệp chế biến sau thu hoạch.

img

Đây chính là lúc để Nhà nước ưu tiên và có chính sách ưu đãi tốt hơn cho nông sản sạch, chế biến sâu.

Với đặc thù sáng tươi, trưa héo, chiều vứt bỏ, bó rau ngoài chợ truyền thống là hình ảnh cụ thể phải tính toán cách thức lưu thông hàng hóa theo từng giờ. Hiện đã có mấy mặt hàng đảm bảo được quá trình kiểm hóa tính theo giờ sau khi mở tờ khai hải quan?

Đặt vấn đề như thế để giải quyết vấn đề logistics cho nông sản xuất khẩu cũng cần phải nhanh hơn nữa, tiến tới tối giản quá trình kiểm hóa. Sự linh động của hải quan từ cấp địa phương phải tiến tới tự giải quyết việc kiểm hóa, để container ra tới cửa khẩu là thông quan luôn, nếu hồ sơ hợp lệ. Khi đó mới giải quyết được phần nào tình trạng ùn ứ hàng trăm chiếc xe nối đuôi nằm dài ngoài cửa khẩu.

Nhiệm vụ tái cơ cấu nông nghiệp cũng phải giải quyết được năng lực cảnh báo nhanh và phản ứng nhanh trong mỗi bộ ngành trực tiếp liên quan là Bộ Công thương và Bộ NNPTNT.

Dịch cúm corona lần này chỉ mới là sự cố y tế, chưa phải biến động mang tính tài chính sâu rộng. Nhưng hệ lụy đã có hàng ngàn tấn hàng hóa ùn ứ, nông sản rớt giá thê thảm, nông dân lâm cảnh tự đi tìm lối thoát riêng.

Ngay khi Bộ Y tế ban bố tình trạng khẩn cấp thì đáng ra ngành công thương, ngành nông nghiệp cũng phải lường ngay những kịch bản ứng phó cấp kỳ, thay vì đợi phía Trung Quốc xử lý dịch bệnh mới đàm phán thông thương. Thịt heo khan hiếm vì dịch tả châu Phi đẩy giá thị trường lên cao ngất ngưởng. Giờ là virus corona làm hàng loạt trái cây rớt giá thê thảm. Có thể nhìn thấy điểm chung đều do thiếu năng lực cảnh báo và phản ứng nhanh.

Kinh tế thị trường không có nghĩa là thả nổi mọi thứ. Thiên tai địch họa là khách quan nhưng nói không quá, lỗi ì ạch của hệ thống đã làm tình hình thêm nghiêm trọng vì thiếu phương án phòng ngừa. Sau ngày 9/2, phía Trung Quốc lại lùi kế hoạch mở cửa khẩu thêm 20 ngày nữa. Nếu 20 ngày tới, cửa khẩu vẫn chưa mở được thì làm gì tiếp theo?

Con virus corona lần này rõ ràng đã khoét sâu vào vết thương nông sản Việt ngay trên sân nhà, từ sản xuất tới tiêu thụ. Vấn đề bảo hiểm nông nghiệp nhằm giảm thiểu rủi ro lại càng được đặt ra cấp thiết hơn lúc nào hết.

Các bộ ngành liên tục kêu gọi sản xuất lớn rồi nông dân, doanh nghiệp hưởng ứng theo. Nhưng làm ăn lớn thì rủi ro lớn. Không giảm thiểu được nguy cơ rủi ro này thì sẽ ngành sản xuất sẽ ra sao? Hơn lúc nào hết, ngành nông nghiệp Việt cần một liều vaccine đủ mạnh để cơ thể đủ sức đề kháng với mọi nguy cơ đến từ bên ngoài.