Ngày 14/2, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Trần Châu vừa ký văn bản yêu cầu UBND huyện Vĩnh Thạnh và huyện Tây Sơn phối hợp cùng cơ quan chức năng đề xuất việc phá hủy, san lấp các hầm vàng khai thác trái phép tại 2 địa phương này.
“Cần tăng cường việc quản lý khoáng sản, thường xuyên kiểm tra xử lý nghiêm các đối tượng khai thác vàng trái phép tại vùng giáp ranh”, lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định nhấn mạnh.
Hầm để lại ở rừng sâu thuộc xã Tây Thuận (huyện Tây Sơn).
Theo Công an tỉnh Bình Định, hoạt động khai thác vàng trái phép tại vùng giáp ranh giữa xã Vĩnh Hòa (huyện Vĩnh Thạnh) và xã Tây Thuận (huyện Tây Sơn) đã chấm dứt từ tháng 10/2019 đến nay. Tuy nhiên, vẫn còn một số hầm khai thác vàng trái phép với đường kính, độ sâu rất lớn chưa được phá hủy, san lấp.
Trước đó, Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Bình Định phối hợp với công an 2 huyện nói trên đã tiến hành kiểm tra hiện trường khai thác vàng trái phép.
Kết quả cho thấy, tại huyện Vĩnh Thạnh có 4 điểm khai thác vàng trái phép, tập trung chủ yếu tại Bãi Dớt, Bờ Rũ, Hố Sâu, Bãi Dứa… (thuộc xã Vĩnh Hòa).
Tại hiện trường, không phát hiện các đối tượng đào, đãi vàng trái phép, không có dấu hiệu khai thác mới. Tuy nhiên, dấu vết để lại ở hiện trường cho thấy, có thể các đối tượng đào, đãi vàng trái phép vừa dời đi khoảng vài tháng trước.
Nhiều lán trại phục vụ cho việc đào, đãi vàng trái phép bị cơ quan chức năng phát hiện, xử lý.
Công an huyện Vĩnh Thạnh và chính quyền địa phương đã phá hủy 7 khung trại, 9 bể nhân tạo do các đối tượng tự tạo dựng. Trong khi đó, các hầm khai thác vàng có đường kính và độ sâu lớn nên đoàn kiểm tra không tiến hành phá hủy, san lấp được.
Riêng tại huyện Tây Sơn có 1 điểm khai thác vàng thuộc khu vực núi Lỗ Sổ, xã Tây Thuận với 2 hầm. Qua kiểm tra thực tế, Công an tỉnh Bình Định xác định, từ tháng 10/2019 đến nay, hoạt động khai thác vàng tại đây không còn diễn ra.