Ông Lei Lei Song, chuyên viên kinh tế chính của Văn phòng Hội nhập Kinh tế khu vực của ADB phát biểu: “Hướng đến phía trước, hội nhập sâu rộng hơn nữa sẽ khó khăn hơn khi những lĩnh vực hợp tác còn lại có độ phức tạp cao hơn. Châu Á cần tránh sự tự mãn và tiếp tục hợp tác cùng nhau trong giai đoạn hậu khủng hoảng này”.
Báo cáo cảnh báo rằng sự vật lộn của khu vực đồng euro và nỗi lo sợ về tác động lan truyền đi kèm theo với mức độ hội nhập sâu rộng hơn có thể khiến cho các nhà hoạch định chính sách ở khu vực châu Á tạm ngừng lại khi họ đánh giá bước đường phía trước của khu vực.
Chỉ số hội nhập mới này theo dõi đầu tư trực tiếp nước ngoài, các thị trường vốn, các tương quan sản lượng, thương mại và du lịch của châu Á. Điều này cho thấy mức độ hội nhập đã tăng lên từ mức cơ sở 100,00 điểm vào năm 2001 lên tới đỉnh là 233,27 điểm vào năm 2010 khi cả khu vực cùng nhau gắng sức ứng phó với cuộc khủng hoảng ở khu vực đồng euro. Số liệu sơ bộ của năm 2011 cho thấy mức độ hội nhập giảm nhẹ xuống còn 192,22 điểm, tuy nhiên chỉ số này vẫn cao hơn nhiều so với chỉ số cũ năm 2007 khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu mới bắt đầu.
Báo cáo Theo dõi Hội nhập Kinh tế châu Á được công bố nửa năm một lần. |
Báo cáo Theo dõi Hội nhập Kinh tế châu Á được công bố nửa năm một lần ghi nhận rằng bên cạnh sự tăng trưởng của thương mại và du lịch nội khối, các thị trường vốn cũng đã trở nên liên kết với nhau chặt chẽ hơn. Trong giai đoạn khủng hoảng, hợp tác khu vực đã ghi dấu ấn: Các nước ASEAN+3 đã cùng nhau hành động để mở rộng Sáng kiến Đa phương hóa ChiengMai - một cơ chế bảo hiểm tài chính khu vực. Ấn Độ đã đề nghị tài trợ cho một cơ chế tương tự tại Nam Á và một số nước đã mở rộng các thỏa thuận hoán đổi tiền tệ song phương.
Tuy nhiên, hội nhập tài chính và dịch chuyển lao động đã tụt lại. Nhu cầu về cơ sở hạ tầng quốc gia và xuyên biên giới còn rất lớn. Thậm chí trong lĩnh vực thương mại, vẫn còn nhiều việc cần phải làm để hội nhập sâu hơn.
Thuế suất đã giảm xuống nhưng các rào cản khác đối với thương mại, chẳng hạn như quản lý hành chính ở khu vực biên giới, vẫn đang cản trở đáng kể đối với hội nhập sâu rộng hơn. Thương mại dịch vụ nội khối cũng đang đối mặt với nhiều trở ngại. Tác động của các khối thương mại khu vực, chẳng hạn như Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực vẫn chưa rõ ràng. Chúng có thể cạnh tranh hoặc chúng cũng có thể là những viên gạch xây dựng nên một hiệp định thương mại toàn cầu.
Chương chủ đạo của báo cáo chỉ ra sự cần thiết phải giải quyết vấn đề có quá nhiều hiệp định thương mại tự do chồng chéo nhau. Tính tại thời điểm tháng 1.2013, châu Á có 109 hiệp định thương mại tự do so với chỉ có 36 hiệp định vào năm 2002, đồng thời 148 hiệp định khác đang được xây dựng và đàm phán ở các giai đoạn khác nhau. Sự tràn lan của các hiệp định vừa tạo ra sự phức tạp, vừa làm tăng thêm chi phí đối với các nhà xuất khẩu muốn tìm hiểu và tận dụng chúng. Châu Á cần phối hợp để đa phương hóa các hiệp định để những hiệp định song phương tốt nhất có thể áp dụng cho cả các đối tác thương mại khác.
Báo cáo cho rằng những hiệp định đa phương hóa như Khu vực Thương mại Tự do ASEAN với sự tham gia của ngày càng nhiều quốc gia ở trong cũng như ở ngoài khu vực châu Á sẽ giúp đẩy mạnh thương mại toàn cầu, tạo thêm thu nhập trong bối cảnh chưa có một hiệp định thương mại toàn cầu.
Thúy Đăng