Dân Việt

Giữa dịch do virus Corona, bất chấp để trục lợi từ khẩu trang y tế

Thanh Xuân 16/02/2020 09:19 GMT+7
Dịch do virus Corona (Covid-19) vẫn đang có những diễn biến phức tạp, đi cùng với đó là tình trạng vi phạm trong sản xuất, kinh doanh khẩu trang y tế cũng nóng lên từng ngày.

Trục lợi từ khẩu trang y tế

Lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường nhận định, lợi dụng dịch do virus Corona (Covid-19) đã xuất hiện hiện tượng găm hàng, tăng giá thậm chí là sử dụng cả khẩu trang dùng rồi để bán kiếm lời.

Chỉ trong ngày 14/2/2020 các đơn vị Quản lý thị trường đã kiểm tra, giám sát 137 vụ; xử lý: 27 vụ; số tiền xử phạt: 123.250.000 đồng. Số hàng hóa tạm giữ: 73.036 chiếc khẩu trang. Còn từ ngày 31/1 đến ngày 12/2/2020, lực lượng Quản lý thị trường đã kiểm tra, giám sát, xử lý 4.347 vụ.

Mới đây nhất, Quản lý thị trường Hà Nội còn tịch thu lô hàng 143.000 chiếc khẩu trang trị giá hơn 1 tỷ đồng, qua giám định phát hiện là khẩu trang bị làm giả từ giấy vệ sinh. Lô hàng có ghi địa chỉ sản xuất tại Quận Tân Phú TP Hồ Chí Minh và tại huyện Thường Tín TP. Hà Nội.

img

Cơ quan chức năng kiểm tra lô khẩu trang y tế được cho là làm giả

Từ đây, cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh khẩu trang thuộc Công ty TNHH Việt Hàn tại thôn Khôn Thôn, xã Minh Cường, huyện Thường Tín, Hà Nội. Qua kiểm tra, có dấu hiệu là hàng giả, hàng kém chất lượng.

Tương tự, tại TPHCM, Đội QLTT số 03 phối hợp với Thanh tra Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh, Trung tâm kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng kiểm tra cơ sở sản xuất khẩu trang thương hiệu Nice Star tại địa chỉ 121A Lê Cao Lãng, phường Phú Thạnh, quận Tân Phú. Đội Quản lý thị trường số 3 lập biên bản tạm giữ 27.550 cái khẩu trang y tế và niêm phong dây chuyền sản xuất khẩu trang để tiếp tục xác minh, làm rõ.

Tổng cục Quản lý thị trường sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng xử lý cương quyết đối với các cơ sở, cá nhân có biểu hiện buôn bán, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, đầu cơ, găm hàng, nâng giá các mặt hàng trang thiết bị y tế.

Đồng thời, khuyến cáo người dân bình tĩnh, cảnh giác trước những thông tin thất thiệt, chưa được kiểm chứng trên các trang mạng xã hội của một số đối tượng nhằm mục đích tạo ra tình trạng khan hiếm giả, phục vụ việc đầu cơ, găm hàng để trục lợi.

Theo Tổng cục Quản lý thị trường, các mặt hàng khẩu trang, nước sát trùng và găng tay y tế phục vụ phòng bệnh chưa được cải thiện nên hiện tượng khan hàng đối với các mặt hàng trên xảy ra ở nhiều tỉnh, thành phố. Cục QLTT các tỉnh, thành phố đang khẩn trương phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan xử lý theo quy định pháp luật để sớm đưa số khẩu trang đã tịch thu ra thị trường phục vụ nhu cầu của người dân.

Sẽ đề nghị khởi tố sản xuất khẩu trang giả

Trao đổi với Dân Việt  - Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh cho biết: “Thời gian đầu khi có dịch bệnh Covid-19, đúng là có hiện tượng găm hàng, tăng giá và cả gom hàng sang Trung Quốc. Hiện tại đã giám sát chặt, nếu có hiện tượng lực lượng quản lý thị trường, hải quan, biên phòng sẽ xử lý ngay”.

Bên cạnh đó ông Linh cũng cho rằng, vấn đề quan trọng lúc này ngoài kiểm soát thị trường cũng phải đẩy mạnh được nguồn cung, vì hiện tại nhu cầu của người dân với mặt hàng khẩu trang và các thiết bị y tế là rất lớn.

img

Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh cho biết  đang xem xét đề nghị xử lý hình sự vụ sản xuất giả khẩu trang từ giấy vệ sinh (Ảnh: TX)

Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường xác định có tình trạng găm khẩu trang y tế nhân lúc có dịch do virus Corona (Covid-19), tuy nhiên để xác minh được tình trạng găm hàng là không dễ, vì người bán thường cất giữ sản phẩm ở trong nhà.

“Lúc mới xảy ra dịch bệnh còn nhiều nhưng giờ thì theo tôi ít thôi. Vì nếu găm hàng mà bán giá cao người mua sẽ phản ứng, từ đó lực lượng chức năng cũng sẽ phát hiện ra ngay để xử lý. Còn quảng cáo ở trên mạng xã hội với giá cao, theo tôi cũng chỉ là số lượng không lớn, bằng cách nào đó họ gom được một ít sản phẩm”, ông Linh nhận định.

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, việc bán hàng online phải đăng số điện thoại trên mạng xã hội  nên cơ quan chức năng vẫn có nghiệp vụ để xử lý.

“Vừa rồi, cũng nhờ bắt được một đơn vị gom hàng trên mạng xã hội, chúng tôi đã lần theo cơ sở sản xuất đã phát hiện ra đơn vị sản xuất khẩu trang bằng giấy vệ sinh với giá trị lên tới hàng tỉ đồng. Trường hợp này là nghiêm trọng, vi phạm với số lượng lớn nên chúng tôi đã chỉ đạo Cục Quản lý thị trường Hà Nội hoàn thiện hồ sơ để xem xét đề nghị cơ quan điều tra xử lý hình sự”, ông Linh nói.

Mục tiêu của lực lượng Quản lý thị trường trong thời gian này đối với mặt hàng khẩu trang và các thiết bị y tế là giám sát để các cơ sở sản xuất kinh doanh không được phép bán giá quá cao, trục lợi từ người dân trong thời gian có dịch bệnh do virus Corona.

Liên quan tới thông tin cảnh báo có tình trạng sử dụng khẩu trang dùng rồi để kinh doanh, ông Trần Hữu Linh cũng cho biết: “Có thời điểm đó số điện thoại đường dây nóng của chúng tôi “cháy máy” về phản ánh khẩu trang tăng giá, khẩu trang kém chất lượng. Có những hình ảnh người tiêu dùng gửi cho khẩu trang mầu sắc rất đen, nhìn như khẩu trang dùng rồi. Tuy nhiên, để xác minh, điều tra những hiện tượng này cũng mất rất nhiều thời gian”, ông Linh cho biết.

Găm khẩu trang y tế bị xử lý như thế nào?

Trao đổi với Dân Việt, luật sư Nguyễn Thế Truyền – Công ty Luật Thiên Thanh cho biết: "Tại thời điểm này, các tổ chức cá nhân tăng giá khẩu trang, nước rửa tay là không thể chấp nhận được bởi lẽ dịch do virus Corona là đại dịch truyền nhiễm, được các chuyên gia đánh giá sự ảnh hưởng của nó còn lớn hơn đại dịch Sars năm 2003. Do đó việc tăng giá các mặt hàng khẩu trang, nước rửa tay hay như việc kêu gọi không bán khẩu trang là việc làm khó được xã hội chấp nhận".

Luật sư Truyền cũng cho rằng, đối với hành vi kêu gọi không bán khẩu trang nghĩa là thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, nếu đủ căn cứ hoàn toàn có thể khởi tố hình sự.

Tuy khẩu trang hay nước kháng khuẩn không thuộc danh mục hàng hóa dịch vụ do Nhà nước định giá, do đó các tổ chức cá nhận có quyền tự định giá hàng hóa nhưng phải niêm yết giá được quy định tại điều 12  Luật Giá.

Vì vậy, người bán không thể niêm yết giá một đằng, bán một nẻo, do đó hoàn toàn có thể xử phạt hành chính  về hành vi bán cao hơn giá niêm yết. Cụ thể là phạt 5 triệu đến 10 triệu đồng, buộc phải trả lại số tiền đã thu cao hơn giá niêm yết hoặc phải nộp lại ngân sách (khi không xác định được khách hàng).

Cũng theo luật sư Truyền, việc găm hàng không bán khẩu trang và dung dịch rửa tay, sát khuẩn hoàn toàn có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại điều 46 về “Hành vi đầu cơ hàng hóa” hay điều 47 về hành vi “Găm hàng” trong Nghị định 185/2013, chế tài cao nhất theo quy định này lên tới 100 triệu đồng .

Đồng thời, cơ quan chức năng hoàn toàn có thể áp dụng hình phạt bổ sung như tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, giấy phép kinh doanh, chứng chỉ hành nghề từ 6 tháng hoặc đến 12 tháng; Đình chỉ hoạt động kinh doanh hàng hóa vi phạm từ 6 tháng đến 12 tháng đối với hành vi vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm.

Còn đối với hành vi tăng giá đang khiến người dân rất bức xúc, luật sư Truyền cho rằng, ngày 1/2, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký quyết định số 173/QĐ-TTg về việc công bố dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) gây ra.

Văn bản này là một loại văn bản đặc biệt, hình thức của văn bản chỉ là quyết định vẫn phải coi đó là văn bản quy phạm pháp luật: Khi một quốc gia Công bố dịch bệnh trong một khoảng thời gian, không gian, vùng lãnh thổ nhất định thì trong đó sẽ bao hàm việc hạn chế một số quyền cơ bản của các cá nhân/tổ chức để phục vụ cho lợi ích công cộng cao hơn.

Hơn thế nữa, hành vi tăng giá hàng hóa theo quy định pháp luật hiện hành quy định tại điều 17 nghị định 109/2003 được sửa đổi bổ sung tại nghị định 49/2016 về quản lý giá, phí lệ phí, hóa đơn có quy định phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng khủng hoảng kinh tế, thiên tai, địch họa, hỏa hoạn, dịch bệnh và điều kiện bất thường khác, lợi dụng chính sách của Nhà nước để định giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý.

Câu chuyện dài xung quanh chiếc khẩu trang

Khi dịch do virus Corona xuất hiện tại Việt Nam, cư dân mạng bức xúc về việc Công ty Cổ phần Dịch vụ hàng không Taseco bán khẩu trang với giá 35.000 đồng/chiếc. Ngay sau khi báo chí và mạng xã hội phản ánh, đơn vị này đã quyết định tặng 10.000 khẩu trang phát miễn phí tại các điểm sân bay.

Tiếp đến, câu chuyện khẩu trang cứ nóng lên từng ngày khi cư dân phải xếp hàng mua khẩu trang ở Chợ thuốc Hapulico hà Nội. Hình ảnh tranh giành nhau gây mất lộn xộn ở đây đã khiến lực lượng quản lý thị trường phải cử người ra tận nơi để giám sát. Té nước theo mưa, các quầy thuốc cũng tăng giá khẩu trang lên vùn vụt.

Trước tình hình đó Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ đạo nếu phát hiện các hiệu thuốc găm hàng, tăng giá sẽ rút giấy phép kinh doanh. Ngay sau khi có chỉ đạo từ cơ quan chức năng, chợ thuốc Hapulico đã đồng loạt “bảo nhau” treo biển không bán khẩu trang.

Tiếp đến, các cơ quan chức năng lại phát hiện hàng loạt các vi phạm khi chiếc khẩu trang như: xuất lậu khẩu trang qua biên giới; cảnh báo kinh doanh khẩu trang đã qua sử dụng; sản xuất khẩu trang giả từ giấy vệ sinh…