Không biết đã bao lần, dư luận hy vọng rồi lại thất vọng xung quanh vấn đề trật tự xây dựng vẫn diễn biến phức tạp và ngày càng có xu hướng trầm trọng. Hy vọng, bởi ở nhiều địa phương, đặc biệt ở đầu nhiệm kỳ, không ít lãnh đạo trực tiếp chỉ đạo, đưa ra những phương án xử lý mạnh mẽ, cương quyết “chặt ngọn” nếu như xây dựng vượt tầng. Nhưng rồi, sau lúc “trống dong cờ mở” nhiều khi lại đến lúc “xịt ngòi”.
Vụ xây sai phép và cách xử lý ở 8B Lê Trực là một ví dụ điển hình và cần giải đáp một số câu hỏi.
Tòa nhà 8B Lê Trực gần 5 năm vẫn chưa khắc phục xong sai phạm. Ảnh: Ngọc Hải
Thứ nhất, xử lý sai phạm với các chủ đầu tư nhưng thiệt thòi trực tiếp và lớn nhất là những gia đình mua phải các căn hộ này. Riêng Hà Nội, hàng nghìn hộ dân dù mất tiền mua nhà nhưng không được cấp sổ đỏ chỉ vì sai phạm của chủ đầu tư. Thậm chí dù đã nộp đủ tiền nhưng họ không biết liệu có còn nhà không mà nhận, như ở dự án 8B Lê Trực. Mà với nhiều dự án, hầu hết những người mua đều nghèo, phải vay mượn tứ tung. Do đó, để bảo vệ lợi ích của người dân, muốn tình trạng này không thể tái diễn, phải xử nghiêm, mà đầu tiên là phải xử lý nghiêm cán bộ.
Thứ hai, có hay không công bằng trong xử lý giữa các chủ đầu tư?
Dư luận chắc không thể đồng tình, những công trình đồ sộ gấp nhiều lần, thậm chí xây không phép thì lại “bình chân như vại”. Có những quần thể chung cư lúc đầu là xây không phép, khi hoàn thiện hồ sơ lại xây sai phép, vượt tầng nên bị nhiều Đại biểu chất vấn tại diễn đàn Quốc hội, nhưng nó vẫn sừng sững tồn tại như thách thức pháp luật lẫn dư luận.
Cũng có ý kiến cho rằng, buộc phải cho các chung cư này tồn tại vì dân đã vào ở. Nhưng điều không thể lảng tránh là, sai phạm này phát hiện từ lúc nó đang xây dựng dở dang, nhưng rồi cũng chẳng ai xử lý với kiểu “ban, chuyền” trách nhiệm. Vì vậy, thanh tra Bộ Xây dựng cứ thanh tra, cứ kết luận, còn việc xây sai phép cứ tiếp tục xây!? Thậm chí, không chỉ xây vượt tầng, đến khi đưa vào sử dụng cũng sai phép: 5 tầng dưới theo cấp phép là các tầng thương mại, bị biến thành các căn hộ. Hậu quả cực lớn, không chỉ phá vỡ quy hoạch kiến trúc của cả khu đô thị, mà còn phá vỡ toàn bộ hạ tầng xã hội ở đó. Rất nhiều ví dụ về những chung cư xây sai phép nghiêm trọng như vậy mà báo chí đã đăng tải.
Chỉ cần điểm qua như vậy cũng đủ thấy, sai phạm của công trình 8B Lê Trực chỉ là phần nổi của “tảng băng chìm”. Vậy vì đâu các cơ quan chức năng ở Hà Nội chỉ nhăm nhăm “chặt ngọn” ở 8B Lê Trực?
Vấn đề người dân quan tâm là, cần phải công bằng, nghiêm minh trong thực thi pháp luật, nếu không ... đâu vẫn nguyên đấy và ngày càng phức tạp hơn.
Thứ ba, có công bằng chưa trong việc xử lý sai phạm của chủ đầu tư và những cán bộ buông lỏng quản lý (cách nói nhẹ nhàng nhất) dẫn đến sai phạm.
Những người mua nhà ở 8B Lê Trực phải chăng biểu ngữ đòi quyền lợi. Ảnh: Trần Kháng.
Về cách xử lý cán bộ, cho đến nay, với những sai phạm điển hình như vụ xây 2 biệt phủ không phép ở đèo Hải Vân, Đà Nẵng (buộc phải tháo dỡ toàn bộ) hay các dự án ở Hà Nội vừa nêu trên đã cơ bản đã xử lý kỷ luật cán bộ xong. Nếu việc xử lý công trình mỗi nơi một khác, thì cách xử lý cán bộ khá giống nhau: Nhẹ tới mức như đùa bỡn pháp luật.
Trong các vụ việc này, dù hậu quả rất nặng nề, nhưng không những không một ai bị xử lý hình sự, mà hầu hết những cán bộ cấp quận chỉ bị khiển trách, thuyên chuyển công tác hoặc cắt thi đua, còn cấp thành phố không lãnh đạo nào bị xem xét trách nhiệm; Riêng với cấp đội, phường chỉ cũng một số ít bị cảnh cáo và nặng nhất là anh “đầu sai” đang làm hợp đồng thanh tra xây dựng thì bị cắt hợp đồng, dù anh ta chẳng có quyền hạn gì trong vụ việc (!?).
Đặc biệt, lẽ ra công trình 8B Lê Trực, cơ quan cấp phép xây dựng phải chịu trách nhiệm đầu tiên, bởi họ ký duyệt độ cao các tầng thấp hơn rất nhiều so với quy định. Nên, dù chủ đầu tư xây đúng độ cao mỗi tầng theo luật, và đúng số tầng với giấy phép thì tổng chiều cao công trình lại vượt độ cao so với giấy phép. Nhưng thật lạ là, những cán bộ cấp phép sai, để lại hậu quả lớn như vậy nhưng không bị “dính” một tí gì kỷ luật!?
Rồi có những công trình chung cư nằm trên quỹ đất công cộng, vậy những ai đã cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đầy mờ ám này? Tất cả vẫn nằm trong “hố đen” một cách đầy bí ẩn. Phải chăng, thế lực các nhóm lợi ích ở đây quá lớn?
Dù người dân từng biết, việc xử lý kỷ luật trong nhiệu vụ việc là những sợi dây rút kinh nghiệm kéo dài vô tận, nhưng cách kỷ luật trong các dự án này vẫn khiến dư luận ngỡ ngàng, cảm giác bị bỡn cợt mà cũng... đành thua.