Dân Việt

70 nước ăn hải sâm, nhưng nuôi giỏi nhất thế giới là 1 người Việt

H.Đ 17/02/2020 13:08 GMT+7
20 năm thắp lửa đam mê và tình yêu hiếm thấy với loài hải sâm cát, cử nhân trẻ Nguyễn Đình Quang Duy đã vụt lớn thành một chuyên gia hàng đầu thế giới về nghiên cứu hải sâm. Loài vật vốn đã cạn kiệt ngoài tự nhiên hiện nay đã được thuần thục trong một quy trình nuôi khép kín, mở thêm sinh kế cho cộng đồng cư dân ven biển.

“Mất gần 10 năm để đưa con hải sâm cát từ biển khơi vào ương nuôi trong bể thử nghiệm và cho sinh sản thành công”, Tiến sĩ Nguyễn Đình Quang Duy - Phó Giám đốc Trung tâm Quốc gia giống hải sản miền Trung (thôn Xuân Đông, xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa) nhớ lại.

img

Hải sâm sau khoảng 10 tháng nuôi có thể đạt kích cỡ 3 con 1kg.

Đó là vào những năm 2000, khi anh Duy vừa tốt nghiệp Đại học Thủy sản Nha Trang, cũng là lúc dự án xây dựng quy trình nuôi hải sâm được triển khai. Chàng cử nhân trẻ gắn chặt sự nghiệp nghiên cứu khoa học của mình với sinh vật biển bé nhỏ này cho đến nay.

Ban đầu, các nhà khoa học tìm cách đưa con hải sâm cát, một loài có giá trị dinh dưỡng và kinh tế lớn nhất trong số các loài hải sâm từ môi trường tự nhiên vào không gian ương nuôi nhân tạo. Sau đó, lại tìm cách cho con hải sâm ấy sinh sản. Để rồi, khi hàng tỷ tỷ quả trứng được sinh ra từ hải sâm bố mẹ, anh Duy cùng các cộng sự tiếp tục mất nhiều công sức và thời gian để làm sao ấp nở những quả trứng bé tí ấy thành những con hải sâm con.

Cả một chặng đường ngót 10 năm, những đêm thâu vật lộn với từng con số, những ngày dài trầm mình trong nước biển để đo đạc, gia giảm các chỉ số về độ mặn của nước, ánh sáng, không khí, môi trường…, tiến sĩ nông dân Quang Duy - theo cách gọi của nhiều người dân đã hoàn thiện được quy trình ương nuôi giống hải sâm cát trong bể nuôi nhân tạo.

img

Tiến sĩ Nguyễn Đình Quang Duy kiểm tra mức độ phát triển của ấu trùng tại bể ương giống hải sâm.

Và rồi, thêm những tháng ngày “phơi nắng cả ngày ngoài đìa” để “dìu dắt” cho con hải sâm bé nhỏ ấy từ bể nuôi nhân tạo có thể “bước ra” đại dương trong môi trường tự nhiên. “Đến nay, ngoài Khánh Hòa, quy trình nuôi hải sâm cát đã được triển khai tại nhiều nơi như: Phú Yên, Ninh Thuận… Sau khoảng 10 tháng nuôi, ngư dân có thể thu về sản lượng 2,5 tấn/ha hải sâm”, anh Duy hồ hởi kể.

Tuy được mệnh danh là “người nuôi hải sâm giỏi nhất thế giới”, nhưng Tiến sĩ Nguyễn Đình Quang Duy vẫn rất khiêm tốn: “Kiến thức, tình yêu và… lăn vào làm nhất định sẽ thành công”.

Theo tiến sĩ nông dân này, hải sâm cát khá lành tính, dễ nuôi, ít công chăm sóc, đầu tư con giống và thức ăn thấp vì loài này sử dụng chủ yếu nguồn thức ăn là các loài tảo trong nước và mùn bã hữu cơ trong nền đáy.

Cũng nhờ đặc tính này, hải sâm đồng thời là chiếc máy lọc nước tự nhiên và là “máy cày sinh học” giúp nền đáy sạch hơn, hạn chế ô nhiễm nước và đáy ao nuôi. Vì vậy, loài hải sản mà dân gian vẫn gọi là đỉa biển này thường được nuôi kết hợp với những đối tượng khác như: ốc hương, tôm, cá, rong nho…

img

Các nhà khoa học trong và ngoài nước đến tìm hiểu thực tế mô hình nuôi hải sâm thương phẩm của Tiến sĩ Nguyễn Đình Quang Duy.

Trước những thành công của dự án, nhiều nước như: Úc, Malaysia, Thái Lan, Philippines… đã cử chuyên gia nuôi biển qua học hỏi kinh nghiệm, mong muốn tiếp cận được với quá trình “phục tráng” giống hải sâm quý vốn dĩ đã cạn kiệt ngoài thiên nhiên. Loài hải sâm này được người dùng trên thế giới, nhất là ở Trung Quốc, Đài Loan, Singapore… đặc biệt ưa chuộng bởi giá trị y học và thực phẩm.

Gương mặt ánh lên vẻ rạng ngời, xen lẫn chút tự hào khi cầm trên tay con hải sâm thương phẩm, có thể hiểu đam mê công việc và tình yêu lớn lao mà nhà khoa học Nguyễn Đình Quang Duy dành cho hải sâm.

Giờ đây, con đường sống của hải sâm cát Việt Nam tiếp tục được Tiến sĩ Duy và các cộng sự tiếp cận ở một góc độ khác, đó là làm sao để phổ biến hơn nữa nghề nuôi hải sâm cũng như xây dựng được chuỗi quy trình khép kín từ nuôi trồng, chế biến và đưa ra thị trường.

Hải sâm được coi là món ăn bổ dưỡng và được đánh giá cao vì lợi ích nhận thức như thuốc cổ truyền dưới dạng chiết xuất, được chế biến thành thuốc viên, thuốc bổ và các loại thuốc bôi tại chỗ. Các hình thức chế biến phổ biến nhất là hải sâm bỏ ruột, luộc và phơi khô. Hải sâm chế biến khô trên thị trường hiện được bán với giá từ 200 - 400USD/kg và được giao dịch ở ít nhất 70 quốc gia trên thế giới.