“Chúng tôi tin tưởng rằng Trung Quốc sẽ vươn lên mạnh mẽ hơn sau dịch bệnh. Nhu cầu tiêu dùng bị dồn nén sẽ kích thích giải phóng tiềm năng tăng trưởng. Trung Quốc sẽ chứng kiến sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững hơn bao giờ hết” - Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Wang Yi chia sẻ tại Diễn đàn An ninh Thế giới Munich.
Ngoại trưởng Trung Quốc Wang Yi tại Diễn Đàn An Ninh Thế Giới Munich
“Nền kinh tế Trung Quốc có vị thế tốt để vượt qua mọi rủi ro và thách thức. Các nguyên tắc cơ bản để duy trì tăng trưởng kinh tế là không thay đổi”, ông Wang Yi nói thêm.
Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh dịch covid-19 tiếp tục bùng phát tại Trung Quốc và chưa có dấu hiệu được kiểm soát. Tính đến sáng 16/2, theo số liệu từ Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, nước này đã ghi nhận thêm 2.009 ca nhiễm mới virus corona, đưa số ca nhiễm virus corona trên toàn đại lục lên 68.500 người. Số ca tử vong vì nhiễm virus corona tại Trung Quốc cũng tăng 142 trường hợp lên 1.665 trường hợp.
Các nhà phân tích dự đoán điều ngược lạiTrong bối cảnh nhiều tỉnh thành tại Trung Quốc “tê liệt” vì dịch covid-19, các nhà kinh tế đã cảnh báo về nguy cơ suy thoái kinh tế tại quốc gia này khi phần lớn hoạt động sản xuất kinh doanh bị đình trệ trong nhiều tuần, nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa và giao thông bị hạn chế.
Chuyên gia kinh tế Diana Choyleva từ Enodo Economics hồi đầu tháng 2 nhận định: ““Những tác động của dịch virus Corona đến nền kinh tế Trung Quốc chắc chắn sẽ lớn hơn hồi dịch SARS…. Chúng ta dễ dàng chứng kiến sự “suy thoái kỹ thuật” ở Trung Quốc trong nửa đầu năm nay”.
Freya Beamish, chuyên gia kinh tế vĩ mô Châu Á từ Pantheon thậm chí cho rằng tăng trưởng GDP Trung Quốc trong quý I/2020 có thể xuống dưới 2% do hậu quả của việc đình trệ sản xuất kinh doanh.
Bi quan hơn, chủ tịch Evercore, ông Ed Hyman cho rằng “Chúng tôi dự kiến mức tăng trưởng GDP 0% cho Trung Quốc trong quý I/2020. Kinh tế Trung Quốc đang thực sự giảm tốc và điều đó khiến thị trường lo lắng”.
Bằng chứng là 21/31 tỉnh thành Trung Quốc trong diện “cách ly” do virus corona đóng góp tới 80% GDP quốc gia và 90% kim ngạch xuất khẩu trong năm 2019. Ngay cả khi một số tỉnh thành đã bắt đầu khởi động lại hoạt động sản xuất kinh doanh, tình trạng thiếu hụt lao động vẫn ở mức nghiêm trọng do người lao động Trung Quốc phải hoàn tất cách ly bắt buộc 14 ngày trước khi trở lại làm việc. Do đó, cho đến nay, một bộ phận lớn của kinh tế Trung Quốc vẫn đang trì trệ.
Tỉnh Hồ Bắc với dân số 59 triệu người, tâm chấn của dịch covid-19 do virus corona được đánh giá là một trong những tỉnh thành có vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng công nghiệp trong nước. Đây không chỉ là tỉnh thành sản xuất phốt-pho dùng trong phân bón nông nghiệp lớn nhất Trung Quốc, mà còn là “trái tim” ngành công nghiệp ô tô của nước này. Năm 2019, Hồ Bắc là một trong 4 trung tâm sản xuất ô tô của Trung Quốc cùng với Thượng Hải, Quảng Đông hay Cát Lâm. Hồ Bắc “tê liệt” không nghi ngờ gì chính là một đòn giáng mạnh mẽ vào chuỗi cung ứng linh kiện ô tô nói riêng và ngành công nghiệp Trung quốc nói chung.
Những tác động kinh tế rõ rệt đã buộc chính quyền Tập Cận Bình tung ra những cứu trợ kinh tế. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc PBOC liên tục bơm thanh khoản 1.700 tỷ NDT thông qua nghiệp vụ repo ngược - đợt bơm thanh khoản lớn nhất kể từ năm 2004, đồng thời hạ lãi suất các công cụ tài trợ ngắn hạn 0,1%. Mới đây, PBOC còn tuyên bố sẽ cung cấp khoản vay lãi suất thấp 300 tỷ NDT cho các ngân hàng phân bổ đến những doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch covid-19 do virus corona. Một số chính quyền địa phương cũng công bố các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Ông Tập Cận Bình thừa nhận dịch bệnh covid-19 do virus corona đang tác động đến nền kinh tế, đặc biệt là các ngành dịch vụ nên Trung Quốc cần phải nỗ lực duy trì sự ổn định kinh tế, xã hội
Mới đây, tại cuộc họp Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị, ông Tập Cận Bình cho biết dịch bệnh covid-19 do virus corona đang tác động đến nền kinh tế, đặc biệt là các ngành dịch vụ. Cần hành động để duy trì chuỗi công nghiệp và khuyến khích các doanh nghiệp tiếp tục sản xuất. Trung Quốc phải nỗ lực hết sức để duy trì sự ổn định về kinh tế và xã hội, tránh sự hoảng loạn vì hoảng loạn có thể dẫn đến "thảm họa" thứ cấp. Trung Quốc "vẫn phải tuân thủ các mục tiêu phát triển kinh tế và xã hội trong năm nay", ông Tập Cận Bình nhấn mạnh.
Ông Tập Cận Bình cũng nhấn mạnh rằng cần phải tăng hỗ trợ tài chính như các chính sách ưu đãi về lãi suất cũng như các điều khoản cho vay, và khuyến khích người lao động nhập cư trong các ngành công nghiệp chính trở lại làm việc.