Anh Nguyễn Văn Phong (ấp 3, xã Phú Lập)- một nông dân đang nuôi đàn dê 1.200 con cho biết, dê là loài ít bệnh. Trung bình 6 tháng là dê mẹ đẻ, mỗi lứa từ 2 - 3 con. Sau khi nuôi khoảng 4 tháng, dê có trọng lượng bình quân 25kg sẽ xuất bán.
“Bình quân tôi thu lãi mỗi tháng từ bán dê thịt khoảng 100 - 120 triệu đồng. Bà con nuôi dê trên địa bàn đang có cuộc sống khá tốt so với trước đây” - anh Phong nói.
Mô hình chăn nuôi dê bằng hình thức nhốt chuồng đã giúp nhiều gia đình nông dân ở huyện Tân Phú có nguồn thu nhập ổn định. Ảnh: Trần Đáng
Theo anh Phong, trước lợi nhuận nuôi dê cao, anh đã mở rộng quy mô chuồng trại thêm ở xã Phú Điền và Trà Cổ. Không những thế, anh còn tạo điều kiện cho hơn 25 hộ nghèo nuôi gia công để tăng thêm thu nhập.
Anh Phan Văn Hiền (xã Phú Lộc) cho biết, chăn nuôi dê thương phẩm rất phù hợp với các địa phương có nhiều vườn rẫy. Dê là loài ăn tạp, thức ăn chủ yếu là các loại lá cây nên rất dễ tìm kiếm. Dê cũng có sức đề kháng cao, ít bệnh.
“Nuôi dê thương phẩm chỉ sau thời gian 3 tháng là có thể xuất bán. Với giá thu mua hiện nay là 120.000 đồng/kg thì người chăn nuôi có thể thu lãi trên 500.000 đồng/con sau khi trừ đi chi phí. So với nuôi lợn, gà… thì nuôi dê ít gặp rủi ro, vốn đầu tư cơ sở vật chất, chuồng trại, thức ăn tương đối thấp, giá bán cũng ổn định hơn. Đây là mô hình rất dễ để phát triển và nhân rộng” - anh Hiền chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Hùng - cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tân Phú, mô hình nuôi dê ở huyện đang được nhân rộng, do tận dụng được lao động nhàn rỗi, vốn ban đầu không cao, chu kỳ sinh sản của dê ngắn, xoay vốn nhanh và nhất là hiệu rất là cao.
“Tân Phú là huyện miền núi nên điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển nghề nuôi dê, được người dân áp dụng thành công. Những năm trở lại đây, huyện đã đang triển khai nhiều chương trình hỗ trợ người dân phát triển chăn nuôi dê và đã trở thành một trong những ngành nghề trọng điểm để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo” - ông Hùng cho biết.