Giá gia cầm hôm nay 18/2 vẫn đang biến động không ngừng.
Trao đổi với chúng tôi, bà Phạm Thị Thới, một chủ trại vịt ở Long Thành (Đồng Nai) tỏ ra rất bức xúc khi đàn vịt hơn 2.000 con của gia đình bà đã đến tuổi xuất bán (trên 55 ngày tuổi) nhưng nhiều lái buôn tìm đến gây khó dễ, ép bà phải bán vật nuôi với giá thấp.
"Mặc dù giá thị trường luôn trên 30.000 đồng/kg, có người họ hàng của tôi còn bán được giá 35.000 đồng/kg nhưng các lái đến nhà tôi chỉ trả giá 24.000 đồng đến 25.000 đồng/kg, họ còn đòi mua chọn khiến vợ chồng tôi rất lúng túng", bà Thới nói.
Bà Thới cho biết, do trong năm vừa qua, vợ chồng bà vào đàn vịt giống với giá cao, cộng với giá thức ăn cũng tăng khiến chi phí chăn nuôi vịt bị đội lên nhiều so với các năm trước. Theo tính toán của bà Thới, nếu hiện tại gia đình bà xuất chuồng đàn vịt với giá 25.000 đồng/kg thì sẽ phải chịu lỗ khoảng hơn 5.000 đồng/kg, tính tổng thể lứa vịt này bà chịu lỗ hàng chục triệu đồng.
Cùng trong tình cảnh đó, hộ ông Phạm Trọng An, ở Cẩm Khê (Phú Thọ) đang có đàn vịt super hơn 1.000 con nhưng thương lái gọi đến cũng chỉ trả giá dưới 27.000 đồng/kg.
"Sau khi thua lỗ hàng tỷ đồng vì dịch tả lợn châu Phi, vợ chồng tôi đã cố gượng dậy vay vốn đầu tư tiếp vào nuôi vịt, mong sẽ vớt vát được ít vốn liếng đã mất, nào ngờ lại tiếp tục gặp thảm cảnh này, bi kịch quá", ông An ngậm ngùi.
Ông An cho biết, trong buổi sáng ngày 17/2 gia đình ông đón nhiều lái buôn đến mua hàng và vợ ông đồng ý bán vịt cho 1 thương lái ở trong tỉnh trả giá 30.000 đồng/kg, nhưng đến chiều cùng ngày, thương lái này lại đột ngột báo giá hàng đã giảm và ép gia đình xuống giá 25.000 đồng/kg mới lấy hàng. Do quá bức xúc, vợ chồng ông An đã từ chối và giữ lại vịt để nuôi thêm.
Theo ghi nhận của PV Dân Việt, hiện giá vịt thương phẩm tại nhiều vùng có sự chênh lệch khá nhiều.
"Là người chăn nuôi tự do, lâu nay chúng tôi đã bị phụ thuộc quá nhiều vào lái buôn, đối tượng trung gian nên đến giờ mới ngấm đòn thua lỗ nặng nề", ông An nói.
Tiết lộ với PV Dân Việt, bà Nguyễn Thị Tâm, một lái buôn chuyên thu mua gia cầm ở miền Bắc cho biết, hiện, giá gia cầm đang có sự thay đổi, trong đó, giá vịt có chiều hướng tăng nhưng không ổn định mà "nhảy múa" theo từng ngày.
"Đơn cử như trong ngày 16 và 17/2, giá vịt bầu, super có thời điểm lên trên 40.000 đồng/kg nhưng vài giờ sau lại xuống dưới 35.000 đồng/kg, khiến chúng tôi cũng gặp khó khăn khi thu mua vịt trong dân", bà Tâm nói.
Theo bà Tâm, trái ngược với giá vịt, hiện giá gà vẫn chững ở mức thấp, ví như gà ri lai có giá từ 50.000 đồng đến trên dưới 60.000 đồng/kg, gà Sơn Tây có giá khoảng 80.000 đồng đến 85.000 đồng/kg, gà công nghiệp có giá từ 20.000 đồng đến 25.000 đồng/kg...
Trái ngược với giá vịt, giá gà thương phẩm vẫn chững ở mức thấp.
Ông Trần Hữu, một lái buôn gia cầm tại khu vực Bến Tre cho biết, thời điểm này giá vịt đã tăng trên 35.000 đồng/kg tại chợ và giá thu mua vịt thịt trong dân trung bình khoảng trên dưới 30.000 đồng/kg. Tuy nhiên, giá cả còn tùy thuộc vào chiều chợ, nếu khách đến mua nhiều, hàng tiêu thụ thuận lợi thì các lái sẽ thu mua cho bà con chăn nuôi với giá cao và ngược lại.
"Giá gia cầm hiện đang biến động không ngừng, sắp tới chúng tôi cũng không thể đoán trước được điều gì. Bởi lẽ một khi dịch bệnh gia tăng thì sẽ kéo giá mặt hàng này xuống thấp thê thảm", ông Hữu khẳng định.
5 giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh Chiều 17/2, Bộ trưởng NNPTNT Nguyễn Xuân Cường đã ký chỉ thị gửi các địa phương về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm. Theo Bộ NNPTNT, từ đầu năm 2020 đến nay, các loại dịch bệnh nguy hiểm ở động vật đã xảy ra. Điển hình như cúm gia cầm xảy ra tại 5 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Bắc Ninh, Thanh Hoá, Nghệ An và Trà Vinh. Bệnh lở mồm long móng cũng xuất hiện tại 7 tỉnh: Quảng Ninh, Yên Bái, Sơn La, Nghệ An, Quảng Trị, Quảng Ngãi và Tiền Giang. Dịch bệnh có diễn biến phức tạp, gia tăng nguy cơ lây lan diện rộng, làm ảnh hưởng lớn đến phát triển chăn nuôi, an toàn thực phẩm, sức khỏe cộng đồng, xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật. Tuy nhiên, kết quả kiểm tra tại một số địa phương cho thấy còn nhiều tồn tại, bất cập. Công tác chủ động giám sát, phát hiện dịch bệnh còn rất hạn chế, nhiều nơi chưa nắm bắt kịp thời, chậm báo cáo tình hình dịch bệnh. Việc xử lý các ổ dịch chưa được thực hiện triệt để, chưa bảo đảm đúng yêu cầu kỹ thuật. Việc tổ chức tiêm phòng vắc xin cho đàn vật nuôi, nhất là tiêm phòng bao vây ổ dịch còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu chống dịch. Trong khi đó, các yếu tố nguy cơ như thời tiết diễn biến phức tạp, nhất là mưa và rét tại các tỉnh phía Bắc, tạo điều kiện rất thuận lợi cho các loại mầm bệnh đang lưu hành trong môi trường, trong một số quần thể vật nuôi phát triển, gây ra dịch bệnh. Vì thế, Bộ NNPTNT đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo quyết liệt các Sở, ngành, UBND các cấp khẩn trương triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật theo quy định của Luật thú y, Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó cần tập trung vào 5 giải pháp chính gồm: Đối với các địa phương đang có dịch bệnh động vật, cần tập trung các nguồn lực và áp dụng đồng bộ các giải pháp để kiểm soát, xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để lây lan, kéo dài. Trường hợp các ổ dịch có nguy cơ phát sinh, lây lan diện rộng, cần công bố dịch và tổ chức chống dịch theo đúng quy định của Luật thú y. Đối với địa phương chưa có dịch, địa phương có nguy cơ cao, cần tổ chức hướng dẫn người chăn nuôi chủ động thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng dịch. Áp dụng nghiêm các biện pháp kỹ thuật trong chăn nuôi an toàn sinh học, thực hành chăn nuôi tốt, vệ sinh, sát trùng phòng bệnh. Rà soát, kịp thời tổ chức tiêm vắc xin cho đàn vật nuôi phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như bệnh lở mồm long móng, cúm gia cầm, tai xanh, dại… Đồng thời, tăng cường công tác quản lý kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật. Phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí và hệ thống đài truyền thanh cơ sở tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức, nội dung phù hợp với từng đối tượng và nguy cơ, tác hại của dịch bệnh. Các địa phương cũng cần thành lập các đoàn công tác do Lãnh đạo các Sở, UBND các cấp làm trưởng đoàn đi kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật tại cơ sở. |