Năng suất tăng 1,5 lần
Vụ đông năm 2019, Hội Nông dân (ND) tỉnh Thái Bình phối hợp Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao triển khai mô hình khoai tây sử dụng phân bón NPK-S Lâm Thao khép kín trên địa bàn xã Đông Động (huyện Đông Hưng) với tổng diện tích 7ha, 50 hộ tham gia.
Là một trong những hộ tham gia mô hình, ông Phan Văn Đoàn phấn khởi nói: “Tham gia mô hình trồng khoai tây sử dụng phân bón NPK-S Lâm Thao khép kín, chúng tôi được hỗ trợ toàn bộ giống và phân bón nên vô cùng phấn khởi. Tôi thấy trồng khoai tây vụ đông dễ làm, ít tốn công, đặc biệt bón phân NPK-S của Lâm Thao cây khoai tây sinh trưởng phát triển tốt, củ to hơn, cho năng suất cao hơn so với ruộng khoai tây tôi bón phân đơn”.
Mô hình trình diễn điểm trên cây cam Canh do Hội ND phối hợp với Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao thực hiện ở xã Lê Lợi, thị xã Chí Linh, Hải Dương. (ảnh: Đức Thịnh)
Với kinh nghiệm nhiều năm trồng khoai tây cho năng suất cao, ông Phan Văn Quyền được bầu làm nhóm trưởng mô hình trồng khoai tây khép kín ở thôn Lam Điền. Ông Quyền phấn khởi cho biết: Dù vụ đông năm 2019 thời tiết không thuận lợi cho cây khoai tây phát triển, nhưng do được chăm sóc tốt, bón phân NPK-S Lâm Thao khép kín đúng quy trình nên cây khoai tây phát triển khoẻ mạnh, hầu như không bị sâu bệnh, năng suất cao hơn 1,5 lần so với khoai tây trồng theo phương pháp truyền thống và bón phân đơn.
Cụ thể, vụ đông năm 2019, năng suất khoai tại các hộ đều đạt 6,5 - 7,5 tạ/sào, cá biệt có hộ năng suất khoai đạt 7,9 tạ/sào. Với giá bán dao động từ 6.000 - 8.000 đồng/kg, trừ chi phí các hộ tham gia mô hình lãi trung bình 3 triệu đồng/sào.
Để trồng khoai tây đạt năng suất cao, ông Quyền cho biết việc bón phân và phòng trừ sâu bệnh cho khoai tây rất quan trọng. “Trung bình, vụ khoai tây gia đình tôi thường bón từ 45 - 60kg NPK Lâm Thao, chia làm 3 lần. Cụ thể: Lần 1 bón lót tôi thường dùng phân bón NPK 5.10.3, lần 2 bón thúc NPK 12.5.10 sau khi cây khoai tây được 15 ngày tuổi, lần 3 cũng bón thúc NPK 12.5.10 sau lần 2 là 30 ngày” - ông Quyền chia sẻ.
Hỗ trợ theo chuỗi giá trị
Giống như các hộ trồng khoai tây ở Thái Bình, các hộ trồng cam ở xã Lê Lợi, thị xã Chí Linh (nay là TP.Chí Linh - PV), tỉnh Hải Dương được hỗ trợ tham gia xây dựng mô hình trình diễn điểm. Theo đó, Hội ND xã Lê Lợi đã phối hợp với Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân (thuộc Hội ND tỉnh Hải Dương) và Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao thực hiện mô hình trình diễn điểm trên cây cam với diện tích 3ha của 30 hộ trồng cam.
Được chăm sóc, bón phân NPK-S Lâm Thao khép kín, cây khoai tây phát triển tốt, hầu như không bị sâu bệnh, củ to đồng đều, ít có củ bi, năng suất cao 1,5 lần hơn khoai tây trồng theo phương pháp truyền thống và bón phân đơn”. Nông dân Phan Văn Quyền |
Ông Tạ Hải Đăng - Chủ tịch Hội ND xã Lê Lợi cho biết, thực hiện mô hình điểm này, các hộ dân được kỹ sư nông nghiệp của công ty và trung tâm chuyển giao kỹ thuật trồng cam. Đồng thời, các hộ dân còn được hỗ 100% phân bón NPK Lâm Thao bót lót và bón thúc khi tham gia mô hình điểm.
“Sau 1 năm, đánh giá ban đầu, các hộ dân tham gia mô hình trình diễn điểm sử dụng lượng phân bón ít hơn nhưng năng suất và chất lượng cao hơn so với các hộ dân ngoài mô hình trên cùng diện tích canh tác” - ông Đăng thông tin.
Ông Đặng Quang Hưng - Phó Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân (Hội ND tỉnh Hải Dương) cho biết: Năm 2019, các cấp Hội ND Hải Dương đã tập trung tổ chức các hoạt động, dịch vụ, tư vấn hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất. Các cấp Hội đã chủ động phối hợp với các doanh nghiệp uy tín, trong đó có Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao cung ứng phân bón theo phương thức trả chậm.
Năm 2019, qua “kênh” Hội ND đã cung ứng gần 7.000 tấn phân bón Lâm Thao cho hội viên.
Ngoài việc bán phân bón trả chậm, Hội ND tỉnh Hải Dương còn phối hợp đồng bộ với các cấp Hội cơ sở, đặc biệt là Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao mở các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật và xây dựng mô hình trình diễn điểm sử dụng phân bón Lâm Thao.
Theo đó, năm 2019, các cấp Hội ND tỉnh Hải Dương đã phối hợp tổ chức được hơn 50 lớp tập huấn hướng dẫn sử dụng phân bón Lâm Thao cho hàng ngàn hội viên, hội nông dân; xây dựng 7 mô hình trình diễn sử dụng phân bón NPK Lâm Thao khép kín trên cây ổi, vải, na, cam, cà chua, cà rốt và bí xanh tại 7 cơ sở trong tỉnh.