Dân Việt

Hàng nội - làm sao để "hút" khách?

09/03/2012 21:36 GMT+7
(Dân Việt) - Tính chung 2 tháng đầu năm 2012, tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt hơn 15,9 tỷ đồng, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm trước. Cùng với đó, có một thực tế là người tiêu dùng đang thiếu niềm tin với hàng nội.

Sản phẩm ngoại giá cao vẫn bán chạy

Nhìn vào danh mục 30 mặt hàng nhập khẩu cuối tháng 2, nhóm hàng tiêu dùng vẫn chiếm tỷ trọng cao. Đáng buồn là ngay cả những mặt hàng trong nước có thể sản xuất và cung cấp dồi dào như sản phẩm thép, nhưng Việt Nam vẫn phải mất 960 triệu USD để nhập khẩu. Đối với mặt hàng vải, nguyên phụ liệu dệt may, mức chi lần lượt là 387 - 707 triệu USD.

img
Chọn mua hàng hóa tại Big C Thăng Long (Hà Nội).

Ông Nguyễn Long - Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn bức xúc: Thậm chí ngay cả rau, trong khi người nông dân có thời điểm phải vừa bán vừa cho thì chúng ta vẫn phải bỏ ra 25 triệu USD để nhập khẩu trong những tháng vừa qua. "Rất nhiều mặt hàng hoa quả của Việt Nam sản xuất bán không bán được nhưng tại các cửa hàng bán hoa quả nhập khẩu, kẻ ra người vào tấp nập”. Tìm hiểu của phóng viên NTNN tại một số cửa hàng trên phố Sơn Tây (Ba Đình, Hà Nội), nhiều sản phẩm ngoại giá bán cao gấp 3- 4 lần so với sản phẩm nội nhưng vẫn bán rất chạy.

Yếu tố chất lượng đã vượt qua hình thức

Tâm lý chất lượng hàng nội không bằng hàng ngoại đã trở thành thói quen xấu của người tiêu dùng. Cứ thấy hàng ngoại là mua, mà không cần truy xét, cân nhắc xem cùng một mặt hàng đó, hàng nội tốt hơn hay hàng ngoại tốt hơn, trong khi có rất nhiều mặt hàng của Việt Nam chất lượng cao nhưng vẫn bị người tiêu dùng quay lưng.

Nhưng tại sao người Việt vẫn tỏ ra ưu ái với hàng ngoại? Trong cuộc chạy đua giành thị phần, các sản phẩm khi in nhãn xuất xứ rõ ràng, tên thương hiệu chiếm được niềm tin người tiêu dùng nhiều hơn.

“Bây giờ không phải là thời kỳ ăn nhiều ăn no nữa rồi mà đang tiến tới ăn ít, dùng ít nhưng ngon, chất lượng. Người mua hàng biết rõ mình muốn gì, họ không muốn mua quần áo giặt máy giặt 2 lần là hư. Không muốn ăn trái cây phun thuốc, ngâm thuốc... Giá trị hàng hoá sẽ được nâng cấp khi nó được sản xuất, xây dựng trên cơ sở tôn trọng khách hàng”- bà Nguyễn Lan Phương ở phường Cửa Nam, TP.Vinh, Nghệ An, nói.

“Giá trị hàng hoá sẽ được nâng cấp khi nó được sản xuất, xây dựng trên cơ sở tôn trọng khách hàng”.

TS Nguyễn Minh Phong - Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội nhận định, hàng Việt Nam không hề khó bán cho người Việt Nam, khi người dân được cung cấp thông tin và được tổ chức để trở thành người tiêu dùng thông minh.

Ông Phong nhấn mạnh, người dân biết phân biệt hàng không rõ xuất xứ và hàng có xuất xứ, người dân cũng đã nhận định được hàng có giá trị bên trong chắc chắn hơn hàng màu mè sặc sỡ bên ngoài. "Nếu các nhà sản xuất Việt Nam đồng tâm hiệp lực sản xuất ra hàng hóa với ý thức cách trân trọng người tiêu dùng, với chất lượng tốt và giá cả phải chăng thì chắc chắn sẽ được người tiêu dùng đón nhận.