Tìm hiểu những bài học kinh nghiệm thực tế từ Canada để hoàn thiện khung pháp lý và nâng cao nhận thức cho người dân là chủ đề chính mà Dự án Phát triển HTX Việt Nam – VCED tổ chức tại TP.HCM ngày 19/2.
Dự án VCED được phối hợp thực hiện bởi tổ chức Socodevi (Canada) và Trường Cán bộ Quản lý NNPTNT II (Bộ NNPTNT) nhằm chia sẻ kinh nghiệm về quản lý rủi ro trong nông nghiệp và tăng khả năng tiếp cận các chương trình vay vốn cho các HTX thông qua kinh nghiệm cụ thể của tỉnh Quebec.
Dự án Phát triển HTX Việt Nam giới thiệu kinh nghiệm quản lý rủi ro nông nghiệp và tiếp cận vốn vay từ tỉnh Quebec (Canada). Ảnh: Bayer.ca
Theo các chuyên gia VCED, Việt Nam đã có những bước tiến tích cực trong việc phát triển các chính sách về bảo hiểm nông nghiệp (BHNN). Song việc triển khai vẫn còn những hạn chế nhất định.
Trong khi đó, các HTX nông nghiệp luôn gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay. Cho đến nay mới chỉ có khoảng 0,5% số HTX có thể tiếp cận được vốn ngân hàng nếu không có thế chấp.
Vượt qua thách thức này là điều kiện cần thiết để thúc đẩy tiềm năng phát triển HTX ở Việt Nam. Từ đó đóng góp cho tăng trưởng kinh tế quốc gia và cải thiện năng lực của người nông dân trong việc phát triển sinh kế và ứng dụng cải tiến trong ngành nông nghiệp.
Việc triển khai bảo hiểm nông nghiệp ở Việt Nam vẫn còn những hạn chế nhất định.
Ông Jean Yves Drolet, chuyên gia quản lý rủi ro nông nghiệp cho biết, cơ chế quản lý rủi ro tại Quebec do 1 cơ quan nhà nước quản lý từ năm 2001. Gói BHNN phục vụ 2 loại rủi ro chính là tài chính và thiên tai, dịch bệnh. Các giải pháp bảo hiểm được chia ra cụ thể cho đối tượng cá thể và tập thể như bảo hiểm mùa màng, bảo hiểm thu nhập.
Cơ chế BHNN nhằm chia sẻ bớt các rủi ro lúc nào cũng có. Khi rủi ro vượt quá khả năng chịu đựng thì nông dân mua BHNN. Nếu rủi ro lớn hơn nữa thì nhà tài chính lại mua bảo hiểm từ nhà tái bảo hiểm. Khi rủi ro lớn tới cấp độ quốc gia thì Chính phủ sẽ tham gia chia sẻ.
Như thế, tại Quebec, nhà nước đóng 3 vai trò: nhà nước, nhà bảo hiểm và nhà tái bảo hiểm. “Và vì Quebec là tỉnh có đóng góp đáng kể từ nông nghiệp vào kinh tế nên nhà nước tham gia trọn vẹn hơn ở các tỉnh khác, nơi có sự tham gia nhiều hơn của các thành phần tư nhân”, ông Jean Yves Drolet giải thích.
25% dân số Canada là thành viên của ít nhất 1 HTX. Ảnh: Bayer
Đối với vấn đề của HTX là khả năng tiếp cận vốn vay, bà Melanie Dumont – Bộ Kinh tế và sáng tạo của Quebec cho biết, điểm khác biệt lớn trong mô hình HTX ở Canada là thành viên tham gia để phát triển HTX cùng các loại hình dịch vụ chứ không phải để kiếm lời từ chia lợi nhuận cuối năm dựa trên vốn góp.
Khả năng góp vốn dù tối thiểu hay tối đa từ các thành viên đều ngang nhau. Lợi nhuận cho thành viên được xác định thông qua lãi suất quy định ngay từ đầu chứ không phải căn cứ trên hiệu quả hoạt động đến cuối năm của HTX.
Bà Võ Thị Kim Sa – Phó Hiệu trưởng Trường Cán bộ Quản lý NNPTNT II đánh giá, vấn đề BHNN còn khá mới mẻ ở Việt Nam và khâu sản xuất cũng còn nhiều hạn chế. Nhu cầu BHNN là có và Nhà nước cũng đã có nhiều chính sách cho BHNN nhưng công tác triển khai chưa thực sự hiệu quả.
Kinh nghiệm từ Quebec sẽ giúp hoàn thiện khung pháp lý và nâng cao nhận thức của nông dân về vấn đề BHNN
“Thành công từ Quebec và Canada có thể giúp chúng ta có thêm kinh nghiệm để bổ sung, hoàn thiện khung pháp lý cho tới nâng cao nhận thức của nông dân về vấn đề BHNN”, bà Sa chia sẻ.
Thành lập tại Quebec (Canada) năm 1985, Socodevi là mạng lưới gồm 27 HTX và tổ chức tương trợ cùng mục đích chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và tinh thần hợp tác với các đối tác ở các nước đang phát triển. Hiện Dự án VCED đã hỗ trợ thành lập và phát triển 5 HTX mới với quy mô lớn ở 5 tỉnh Sóc Trăng, Bình Thuận, Ninh Thuận, Lâm Đồng và Bến Tre từ năm 2015. VCED có mục đích giúp cải thiện sinh kế cho nam và nữ nông dân một cách bình đẳng và bền vững, thông qua phát triển các chuỗi giá trị nông nghiệp trong mô hình HTX kiểu mới. Dự án VCED còn giúp tăng khả năng cạnh tranh của các HTX từ năng lực quản trị, xây dựng, nâng cấp nhà xưởng thiết bị và xây dựng thương hiệu... |