Lúc tịch thu hơn 434 tấn titan của doanh nghiệp (DN), phía quản lý thị trường (QLTT) cho rằng lô hàng không rõ nguồn gốc. Thế nhưng, khi phát hiện lô hàng này thất thoát hơn 104 tấn thì QLTT lại nói titan vừa được khai thác tại mỏ của DN, độ ngậm nước cao nên để lâu bị bốc hơi (!?).
Tiền hậu bất nhất
Cách đây hơn 1 năm, ngày 11.1.2012, khi 15 xe vận chuyển hơn 434 tấn titan của Công ty An Trường An (ATA, 347 Trần Hưng Đạo, TP.Quy Nhơn, Bình Định) trên đường từ mỏ (ở xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ) về kho ở Cụm công nghiệp Nhơn Bình (TP.Quy Nhơn) thì bị Đội QLTT số 7 (Chi cục QLTT tỉnh Bình Định) chặn lại kiểm tra.
Tại thời điểm kiểm tra, mặc dù DN đã xuất trình đầy đủ các chứng từ chứng minh tính hợp pháp của lô hàng nhưng Đội QLTT số 7 vẫn bác bỏ. Lấy lý do DN sử dụng phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ không theo mẫu của Bộ Tài chính nên Đội QLTT số 7 quy kết hơn 434 tấn titan trên không có nguồn gốc hợp pháp.
Một bãi titan bị bắt giữ trong số 434 tấn. |
Với lý do trên, Chi cục QLTT đã tham mưu UBND tỉnh Bình Định tịch thu lô hàng. Ngày 4.4.2012, UBND tỉnh Bình Định ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính và tịch thu toàn bộ hơn 434 tấn titan của Công ty ATA. Tang vật thu được giao cho Chi cục QLTT quản lý và xử lý.
Câu chuyện sẽ đi vào quên lãng nếu như mới đây không lộ ra việc khi đưa lô hàng tịch thu ra bán đấu giá, nó đã bị thất thoát hơn 104 tấn.
Cụ thể, ngày 16.1.2013, Công ty TNHH MTV Dịch vụ vận tải An Thy (TP. Hồ Chí Minh) ký hợp đồng mua lô hàng 434 tấn titan bán đấu giá với Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản Bình Định. Tuy nhiên, sau khi chuyển toàn bộ số tiền trên, bên mua đến kho lấy hàng thì chỉ nhận được khoảng 330 tấn, thiếu hơn 104 tấn so với hợp đồng.
Tại văn bản giải trình về số titan thất thoát vừa được Chi cục QLTT gửi UBND tỉnh Bình Định, ông Nguyễn Văn Hóa - Chi cục trưởng Chi cục QLTT, cho rằng: “Tại thời điểm tạm giữ, lô hàng vừa được Công ty ATA khai thác tại mỏ; quá trình vận chuyển gặp mưa nên độ ngậm nước khá cao. Do vậy, sau hơn 1 năm lô hàng để ngoài trời nắng gió, nước bốc hơi nên hao hụt là khách quan (!?).
Thế nhưng một chuyên gia về titan cho hay, thực tế có việc titan thay đổi trọng lượng theo độ ẩm (trong khoảng 10-15%) nhưng không thể có chuyện “bay hơi” đến 40% như trong vụ thất thoát hơn 104 tấn titan ở Bình Định…
Nhiều khuất tất cần làm rõ
Giải thích của cơ quan công quyền Bình Định về nguyên nhân dẫn đến số titan tịch thu bị thất thoát, không chỉ khiến Công ty ATA bức xúc mà dư luận cũng rất bất bình. “Lúc bị bắt rồi tịch thu, phía QLTT nói rằng lô hàng không rõ nguồn gốc, do chúng tôi mua hàng trôi nổi. Giờ chính họ lại nói rằng lô hàng do công ty chúng tôi mới khai thác tại mỏ. Tôi thực sự không hiểu nổi họ!” - ông Trương Đình Xuân - Giám đốc Công ty ATA, bức xúc.
Ngoài cách lý giải khó hiểu của lãnh đạo Chi cục QLTT, việc ký hợp đồng thuê kho bãi để giữ lô hàng cũng có nhiều dấu hiệu mập mờ. Cụ thể, sau khi có quyết định tịch thu, ngày 12.4.2012, Đội QLTT số 7 ký hợp đồng thuê bãi của Chi nhánh Công ty CP Vận tải và thuê tàu biển Việt Nam tại Bình Định (Vitranschart Bình Định) để chứa lô hàng trên.
Tuy nhiên, theo ông Phan Văn Nở - Giám đốc Vitranschart Bình Định, sau khi thỏa thuận xong các nội dung ghi trong hợp đồng, ông Nở ký trước 4 bản rồi cho nhân viên chuyển sang cho ông Nguyễn Thế Khả - Đội trưởng Đội QLTT số 7, ký. Tuy nhiên, chẳng hiểu vì lý do gì, khi phía QLTT ký xong thì tại mục 1, Điều II của hợp đồng có ghi phần nội dung thỏa thuận về quyền và trách nhiệm của bên A (Vitranschart Bình Định) là: “Bên A không chịu trách nhiệm về chủng loại, số lượng, chất lượng và tính pháp lý của hàng hóa để trong bãi” thì bị phía QLTT lấy bút xóa xóa trắng chữ “số lượng”(?!).
“Từ lúc nhập kho đến lúc xuất đi, lô hàng vẫn nằm nguyên trong kho chứ không “đi” đâu hết. Nếu có mất thì chỉ mất lúc trước khi nhập kho thôi. Hơn nữa, đây là hợp đồng thuê bãi chứ không phải hợp đồng thuê giữ hàng. Chúng tôi chỉ cho thuê bãi, còn trách nhiệm giữ hàng là thuộc QLTT” - đại diện Vitranschart Bình Định khẳng định.
Đáng chú ý là đầu tháng 4.2012, một số cơ quan chức năng ở Bình Định đến kiểm tra và phát hiện bề mặt bãi quặng tang vật đã bị xáo trộn nhiều nơi… Cuối tháng 1.2013, UBND tỉnh Bình Định đã có văn bản yêu cầu Công an tỉnh Bình Định sớm điều tra, làm rõ và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm trong vụ thất thoát titan tang vật nêu trên.
Có thể nói, từ việc tịch thu 434 tấn titan rồi quá trình thu giữ lô hàng tịch thu để thất thoát 104 tấn titan có nhiều dấu hiệu mập mờ. Đề nghị các cơ quan chức năng sớm làm rõ để giải tỏa “ấm ức” của dư luận.
Phương Liên - Hùng Phiên