Nổ phát súng đầu tiên cho làn sóng thay đổi nhân sự cấp lãnh đạo cao nhất trong năm 2020 phải kể đến LienVietPostBank (LPB) với công bố chấp thuận từ nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT của ông Nguyễn Đình Thắng. Cùng ngày, HĐQT ngân hàng này cũng đã bầu ông Huỳnh Ngọc Huy làm Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ III (2018-2023
Đáng chú ý, dù từ nhiệm theo nguyện vọng cá nhân, đến đầu 2020, cựu Chủ tịch HĐQT LPB Nguyễn Đình Thắng vẫn là cổ đông nắm giữ khoảng 32 triệu cổ phần LPB. Quyết định từ nhiệm của ông Thắng thực sự gây bất ngờ đối với nhà đầu tư bởi ông Nguyễn Đình Thắng là một trong những cổ đông sáng lập Lienvietpostbank cùng ông Dương Công Minh và Nguyễn Đức Hưởng, và đảm nhiệm vai trò Chủ tịch HĐQT ngân hàng từ tháng 4/2017.
Tại Techcombank, HĐQT cũng đã thông qua đơn từ nhiệm của ông Nguyễn Lê Quốc Anh và ông Quốc Anh sẽ rời vị trí CEO từ ngày 1/9/2020. Lý do ông Quốc Anh nghỉ việc là muốn sống gần với gia đình nên đã đề nghị HĐQT không gia hạn hợp đồng kết thúc vào ngày 1/9 tới sau khi đã hoàn tất nhiệm kỳ 5 năm tại Techcombank.
Chia sẻ tại buổi họp cập nhật kết quả kinh doanh và gặp gỡ nhà đầu tư của TCB vừa diễn ra mới đây tại TP HCM, ông Nguyễn Lê Quốc Anh cho biết sẽ bàn giao công việc, hỗ trợ HĐQT lựa chọn CEO mới. Ông cũng khẳng định: "Nền tảng của Techcombank là ở tất cả mọi người. Thành công trong tương lai cũng nằm ở đội ngũ lãnh đạo chứ không phải một người".
Đến nay, việc ai sẽ ngồi vào chiếc "ghế nóng" của Techcombank đang là một dấu hỏi lớn. Nhìn lại 5 năm vừa qua, với mô hình kinh doanh "rủi ro thấp, lợi nhuận cao", Tổng Giám đốc Nguyễn Lê Quốc Anh cùng Ban Điều hành đã dẫn dắt Techcombank bứt phá khá ngoạn mục, từ vị trí trong top 5 ngân hàng cổ phần tư nhân vươn lên vị trí số 1 về hiệu quả kinh doanh và đứng thứ 2 trong hệ thống chỉ sau Vietcombank.
Năm 2019, lợi nhuận trước thuế cả năm của Techcombank ở mức 12,8 nghìn tỷ đồng, tăng 31,5%1 so với 2018, và thu nhập hoạt động đạt 21,1 nghìn tỷ đồng, nối tiếp chuỗi tăng trưởng doanh thu 17 quý liên tiếp. Techcombank cũng là ngân hàng duy trì được vị thế vốn hàng đầu Việt Nam, với tỷ lệ an toàn vốn cuối kỳ theo Basel II đạt 15,5%, cao gần gấp đôi so với yêu cầu tối thiểu là 8% của Trụ cột I Basel II.
Đây sẽ là áp lực lớn đối với người kế nhiệm vị trí Tổng giám đốc Techcombank mà ông Nguyễn Lê Quốc Anh để lại kể từ 1/9/2020. Cũng vì vậy, ghế CEO Techcombank tương lai trở thành một tâm điểm của thị trường.
Gia nhập làn sóng thay đổi nhân sự trước thềm ĐHĐCĐ năm nay không thể không kể đến VPbank. Theo đó, VPbank đã chấm dứt hợp đồng lao động với hai Phó Tổng Giám đốc người nước ngoài là ông Kosaraju Kiran Babu và ông Sanjeev Nanavati.
Sau quyết định chấm dứt hợp đồng lao động trên, hiện Ban Tổng Giám đốc của VPbank có Tổng Giám đốc là ông Nguyễn Đức Vinh và 8 Phó Tổng giám đốc. Trong đó còn có ông Fung Kai Jin là lãnh đạo người nước ngoài duy nhất ở cương vị Phó TGĐ kiêm Giám đốc Khối Khách hàng Doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Mới đây nhất, ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank - Mã: STB) thông báo về việc chấm dứt hợp đồng lao động đối với Phan Quốc Huỳnh sinh năm 1960 theo nguyện vọng cá nhân từ ngày 2/3/2020.
Ông Phan Quốc Huỳnh được bổ nhiệm chức Phó Tổng giám đốc Sacombank từ ngày 25/7/2017 với thời hạn bổ nhiệm 4 năm. Thời gian làm việc thực tế của ông Phan Quốc Huỳnh tại Sacombank: từ 25/7/2017 đến 1/3/2020.
Như vậy, sau khi ông Huỳnh thôi chức Phó Tổng Giám đốc, Ban điều hành của Sacombank hiện vẫn có 12 Phó Tổng Giám đốc và 1 Tổng Giám đốc là bà Nguyễn Đức Thạch Diễm.
Ngược lại, HĐQT Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) lại vừa quyết định bổ nhiệm ông Nguyễn Quang Thông giữ chức danh Phó Chủ tịch HĐQT Eximbank nhiệm kỳ VI (2015 - 2020).
Ông Nguyễn Quang Thông sinh năm 1963, quê ở Rạch Giá, Kiên Giang. Ông Thông có trình độ cử nhân kinh tế. Ngoài chức vụ nêu trên, ông còn đương nhiệm chức Phó Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Bất động sản Exim (EXIMLAND), Phó Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Quản lý quỹ đầu tư Chứng khoán Việt Long (VDFM), Phó Chủ tịch HĐQT Công ty Vinatec ITC, thành viên HĐQT CTCP Bảo hiểm Nhà Rồng.
Trước đó 1 ngày, HĐQT Eximbank cũng quyết định bổ nhiệm ông Lã Quang Trung giữ vị trí Kế toán trưởng. Thời gian bổ nhiệm đối với ông Lã Quang Trung kéo dài 12 tháng, trong đó, sẽ có 6 tháng thử thách.
Cả hai nghị quyết bổ nhiệm đều được kí bởi ông Cao Xuân Ninh trên cương vị Chủ tịch HĐQT Eximbank.
Theo dự kiến ban đầu của Eximbank, cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường sẽ được tổ chức vào ngày 5/3 để bầu một thành viên Hội đồng quản trị vào nhiệm kỳ 2015-2020, sau đó, ngân hàng sẽ tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2020 vào ngày 22/4. Tuy nhiên, ngày 3/3 nhà băng này đột ngột thông báo hoãn ĐHĐCĐ bất thường năm 2019, chấp hành ý kiến chỉ đạo của Uỷ ban Nhân dân TP. HCM tại công văn số 1508/VP-VX ngày 29/2/2020.
Theo dự đoán của giới phân tích, ngoài điểm "nóng" nhân sự, ĐHĐCĐ lần này của các ngân hàng cũng sẽ tập trung nhiều hơn đến kế hoạch lợi nhuận năm 2020.
Bởi tác động tiêu cực của dịch Covid-19 do virus corona tới hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp sẽ ít nhiều ảnh hưởng tới lợi nhuận của các ngân hàng. Do đó, dự kiến mức độ tăng trưởng trong năm 2020 sẽ thấp hơn so với năm 2019.
Hiện ngân hàng BIDV công bố các mục tiêu kinh doanh chủ yếu năm 2020. Trong đó, huy động vốn tăng trưởng khoảng 14,5%, tín dụng tăng trưởng theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, khoảng 13%; lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 12.600 tỷ đồng, tăng khoảng 15% so với năm 2019; tỷ lệ nợ xấu kiểm soát thấp hơn 1,6%.
Ngân hàng Eximbank cũng đặt kế hoạch tổng tài sản đạt 190.000 tỷ đồng, huy động vốn đạt 161.000 tỷ đồng, dư nợ tín dụng dự kiến đạt 127.345 tỷ đồng. Cùng với đó, tỷ lệ nợ xấu nội bảng ở mức dưới 1,8%, lợi nhuận trước thuế và trích lập dự phòng tất toán trái phiếu VAMC là 2.400 tỷ đồng.
Ngân hàng Vietcombank dự kiến tăng trưởng lợi nhuận trước thuế năm 2020 ở mức 15%, tương đương đạt khoảng 26.565 tỷ đồng, đi kèm với đó là tổng tài sản và huy động vốn tăng 12%, tín dụng tăng 14%, nợ xấu dưới 0,8%...