Dân Việt

Ảnh: Bộ trưởng NN&PTNT thăm trại "miễn nhiễm" dịch tả lợn châu Phi

Khương Lực 10/03/2020 11:22 GMT+7
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã trực tiếp vào kiểm tra trang trại nuôi 160 lợn nái và 1.600 lợn thương phẩm của gia đình bà Cấn Thị Thìn ở Khu 3, xã Phú Hộ, thị xã Phú Thọ (Phú Thọ). Đây là trang trại nuôi lợn khép kín từ con giống tới thương phẩm, không bị nhiễm dịch tả lợn châu Phi.

Ngày 10/3, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã trực tiếp dẫn đoàn công tác của Bộ đi kiểm tra tình hình phòng chống dịch bệnh và thúc đẩy tái đàn lợn tại tỉnh Phú Thọ. Bộ trưởng bày tỏ sự ấn tượng với trang trại lợn khép kín, miễn nhiễm đối với dịch tả lợn châu Phi của gia đình bà Cấn Thị Thìn và các trang trại trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.

img

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường trực tiếp vào trại lợn kiểm tra. Ảnh: K. Lực

Với 160 lợn nái và 1.600 lợn thương phẩm, trang trại của gia đình bà Thìn được tổ chức khép kín và cách biệt trên diện tích 30ha đồi rừng. "Để miễn nhiễm với dịch bệnh, gia đình thường xuyên tổ chức phun thuốc sát trùng từ xa, thậm chí bao trùm cả các hộ chăn nuôi khác từ khoảng cách 1-1,5km. Cùng với đó, tiến hành tiêm phòng đầy đủ các loại vaccine" - bà Thìn chia sẻ.

img

Trang trại có quy mô 160 nái và 1.600 lợn thương phẩm. Ảnh: K.Lực

img

Đàn lợn nái đã tăng từ 100 lên 168 con. Ảnh: K.Lực

img

Trang trại khép kín từ nuôi đàn giống cụ kị tới lợn thương phẩm. Ảnh: K.Lực

Cùng với việc rắc vôi trắng xóa các lối đi trong trang trại, người ngoài muốn vào trại phải mặc quần áo bảo hộ và qua hai lần khử khuẩn, sát trùng (một lần cách trại khoảng 500m và trước khi vào trại). Với việc áp dụng các biện pháp an toàn sinh học và hạn chế các yếu tố từ bên ngoài vào, trang trại lợi của bà Thìn đã duy trì và phát triển đàn trong thời gian qua. 

img

Lợn đẻ ra được gia đình nuôi lớn, mỗi tháng xuất bán từ 150 - 200 con. Ảnh: K. Lực

img

Giá thịt lợn hơi hiện đang được thương lái thu mua từ 60.000-70.000 đồng/kg. Ảnh: K.Lực

"Trước khi dịch tả lợn châu Phi xảy ra, gia đình tôi nuôi 100 lợn nái, nay đã tăng thêm 68 con. Trong thời gian tới, gia đình sẽ nuôi trên 200 nái và khoảng 2.000 lợn thương phẩm. Hiện nay, mỗi tháng trang trại xuất bán từ 150 - 200 con lợn thương phẩm với trọng lượng 100kg/con với giá bán bình quân từ 60.000-70.000 đồng/kg" - bà Thìn nói.

Theo UBND tỉnh Phú Thọ, dù bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra tại 218/277 xã, phường, thị trấn, nhưng hầu hết chỉ xảy ra ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, chỉ có 2 trang trại phát sinh dịch. Tổng số lợn buộc tiêu hủy là 57,4 nghìn con (chiếm 6,7% tổng đàn), số lượng tiêu hủy trên 3,3 nghìn tấn (chiếm 2,6% tổng sản lượng); gây thiệt hại trực tiếp cho người chăn nuôi trên 130 tỷ đồng. 

Đến ngày 16/01/2020, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã hoàn toàn được khống chế trên địa bàn toàn tỉnh; đến nay, không phát sinh các ổ dịch mới. Tổng đàn hiện nay khoảng 629 nghìn con, bằng 74% tổng đàn so với thời điểm trước xảy ra dịch (835 nghìn con). Mỗi tháng tỉnh Phú Thọ cung cấp cho thị trường trên 90.000 con (tương đương khoảng 9.000 tấn thịt hơi). 

Dịch tả lợn châu Phi đang "chạm đáy"

Số liệu cập nhật mới nhất của Bộ NN&PTNT cho thấy, từ đầu năm 2020 đến nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi có xu hướng giảm mạnh khi cả nước chỉ phát sinh thêm 24 ổ dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi làm 19.472 con lợn mắc bệnh và tiêu hủy.

"Trong tháng 2/2020 bệnh dịch tả lợn châu Phi chỉ phát sinh thêm 2 xã tại tỉnh Hòa Bình và Quảng Bình với số lợn buộc phải tiêu hủy là 7.435 con, giảm 62% so với tháng 1/2020" - Bộ NN&PTNT nhận định.

Đến nay, có 11 tỉnh, thành phố có tổng đàn lợn bằng hoặc cao hơn trước khi có bệnh dịch tả lợn châu Phi. Cùng với đó, có 21 tỉnh, thành phố có tổng đàn đạt hơn 80%; 21 địa phương có tổng đàn đạt hơn 50% và chỉ có 10 địa phương có tổng đàn thấp hơn trước khi có bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Theo báo cáo của các địa phương, tính đến 2/3, tổng đàn lợn của cả nước đạt 24 triệu con, bằng khoảng 77% so với tổng đàn lợn trước khi có bệnh dịch tả lợn châu Phi (31 triệu con vào tháng 12/2018).

Trong đó, đàn nái còn 2,7 triệu con; các doanh nghiệp tập trung nguồn lực đầu tư giữ đàn lợn cụ kỵ, ông bà, hiện vẫn còn khoảng 109 nghìn con (90%) chưa bị dịch bệnh; do đó cơ bản đáp ứng đủ cho nhu cầu nhân giống phục vụ tái đàn lợn.