Và ông đề nghị các nhà khoa học, các cơ quan chức năng công nhận người Nguồn.
Nhà dân tộc học Khổng Diễn đã cho biết: “Cho đến nay, cũng chưa có nghiên cứu nào xác định tên gọi Nguồn có từ bao giờ. Lê Quý Đôn trong "Phủ biên tạp lục" chỉ ghi "ở thượng lưu gọi là nguồn, cũng như hạ bạn gọi là tổng, châu Bố Chính có nguồn Cơ Sa gồm 7 thôn phường; trang Ma Nai, phường Mít, thôn Bốc Thọ, phường Kim Bảng, phường Lỗ Hang, phường Đồng Sai, phường Lãng Trần. Nguồn Kim Linh gồm: Làng Nê, phường Phú Lác, phường Phúc Chỉ, thôn Cầu Dông, thôn Câu Câu, thôn Ba Nàng".
Đánh đu - nhưng người Nguồn thường gọi là “Téng tu”.
Phần lớn đất đai của huyện Minh Hoá ngày nay thuộc hai nguyên Cơ Sa và Kim Linh xưa, về sau đổi hai nguyên thành tổng, mà âm Hán Việt "nguyên" phiên ra tiếng Việt gọi là Nguồn. Như vậy, từ tên gọi chỉ đơn vị hành chính chuyển sang tên gọi nhóm dân cư tương tự như Sách, Mường vậy; hoặc như Thổ là đất (người ở địa phương) trở thành tên dân tộc (dân tộc Thổ).
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Dương Bình thì tên gọi "Nguồn" chủ yếu do những người dân ở vùng đồng bằng gọi một nhóm cư dân sinh sống ở thượng lưu sông Gianh. Tên này thực chất không mang ý nghĩa miệt thị mà dùng để chỉ những người sống ở đầu sông ngọn nguồn. Ở đó có những nhánh sông được gọi là nguồn như nguồn Sâu, nguồn Nặm, nguồn Nậy.
Về ngôn ngữ hầu hết người Nguồn sử dụng ngôn ngữ Việt, nhưng ở họ còn lưu giữ nhiều từ vựng của người Việt ở vùng Quảng Bình, Hà Tĩnh trước đây như roọng (ruộng), nước chè xeeng (nước chè xanh), thau (sau), pừa (bừa), cằn (cày), ti nô viền (đi mô về), óong giác (uống nước), óong rạo (uống rượu)...
Đến với Minh Hóa chúng ta còn cảm nhận được lễ hội Rằm tháng ba với các món ẩm thực phong phú, trong đó phải nói đến pồi (bồi) và ốôc tực (ốc khe) cùng với các làn điệu dân ca như: điệu hò thuốc, điệu đúm ví và điệu ru con đã trở thành nét văn hoá truyền thống không thể thiếu trong cuộc sống của người dân Minh Hoá.
Đã là người dân Minh Hoá dù đi đâu, ở đâu cũng không thể nào quên ngày rằm tháng ba, bởi thế mới có câu "Thà rằng đau ốm mà nằm/ Không ai nỡ bỏ chợ rằm tháng ba...". Sau phần lễ là phần hội, tại trung tâm huyện lỵ Quy Đạt và ở các trung tâm cụm xã, đã diễn ra các hoạt động văn hoá- văn nghệ dân gian mang đậm bản sắc của người dân Minh Hoá như: hát sắc bùa, hát nhà trò, múa tiên, độc tấu nhạc cụ dân tộc, hò thuốc, đi cà kheo, đẩy gậy...
Theo nhà nghiên cứu dân tộc học Bùi Minh Đạo "Vào những năm của thập niên 1970 trở về trước đa số người Nguồn, nhất là những người già đều tự nhận mình là dân tộc Kinh (Việt). Những chứng cứ về gia phả và văn hoá điều tra được ở người Nguồn minh xác thêm cho ý thức tự giác tộc người của nhóm người này".
Tác giả cho rằng có hai lý do dẫn đến ý thức tự nhận là dân tộc Kinh của người Nguồn thời điểm đó: Một là, trong tâm thức, người Nguồn ý thức rõ ràng về nguồn gốc Kinh của mình, tuy đang là nguồn, với tiếng nói và văn hóa đã khác Kinh, nhưng về bản chất chỉ là một nhóm của người Kinh. Hai là, cũng trong tâm thức, người Nguồn muốn được ghép vào người Kinh mà không muốn trở thành một dân tộc thiểu số hay ghép vào một dân tộc thiểu số khác vì muốn được bình đẳng với người Kinh, không muốn bị kỳ thị dân tộc. Ý thức tự giác mình là người Kinh và văn hoá Kinh lúc đó là những cơ sở quan trọng để Viện Dân tộc học kiến nghị với Chính phủ xếp người Nguồn là một nhóm địa phương của dân tộc Việt vào năm 1973 và được chính thức công nhận vào năm 1979.
Tuy vậy, trong thời gian gần đây ý thức tự giác tộc người trong người Nguồn có sự thay đổi theo hướng phân hoá. Một số không ít người già vẫn bảo lưu ý thức người Nguồn là một nhóm của dân tộc Kinh. Một số cán bộ, giáo viên đề nghị xếp người Nguồn vào dân tộc Mường hoặc Thổ. Có người lại cho rằng nên xếp người Nguồn vào dân tộc Chứt. Cũng có ý kiến tách người Nguồn thành một dân tộc thiểu số riêng. Khá đông ý kiến phân vân và thận trọng khi đề nghị không xếp người Nguồn vào dân tộc Kinh nhưng có sự xem xét để người Nguồn được coi là một dân tộc thiểu số.
Trên thực tế, người Nguồn khi khai sinh, khai trong các loại hồ sơ, lý lịch, chứng minh nhân dân và một số giấy tờ quan trọng khác, trong mục thành phần dân tộc đều ghi là dân tộc Kinh, không có trường hợp nào ghi dân tộc hoặc tộc người Nguồn.
Người Nguồn là một cộng đồng tồn tại ở vùng miền Tây Quảng Bình khá lâu đời và tương đối ổn định. Họ vừa có khu vực định cư tập trung vừa có nhóm xen cư với các tộc người khác, nhưng những nét văn hóa riêng của họ vẫn được phát huy và bảo tồn từ đời này sang đời khác.
Bên cạnh sự giao thoa văn hóa với các cộng đồng cận cư thì giữa họ với các cộng đồng cận cư cũng còn những khoảng cách nhất định về mặt kinh tế, xã hội và văn hóa. Và vì thế hầu hết người Nguồn đều có tính tự tôn và luôn coi mình là một tộc người độc lập. Họ có nguyện vọng muốn được công nhận là một tộc người trong cộng đồng dân tộc Việt Nam.
Tuy nhiên, việc xác định thành phần dân tộc và công nhận thành phần dân tộc cho một cộng đồng người là một việc làm hết sức nghiêm túc, thận trọng, cần có những căn cứ chính xác cả về cơ sở lý luận khoa học và yêu cầu của thực tiễn cuộc sống.
Vì thế, để xác định thành phần dân tộc cho nhóm người Nguồn đạt kết quả, ngoài những tiêu chí được thống nhất để xác định như hiện nay (tiêu chí về ngôn ngữ, văn hoá, ý thức tự giác dân tộc), nên chăng chúng ta cần xem nguồn gốc lịch sử của cộng đồng người như là một tiêu chí bổ trợ để xác định thành phần dân tộc cho cộng đồng người Nguồn.