Dân Việt

Bộ trưởng NN&PTNT lý giải cơ sở đưa giá lợn hơi về 70.000 đồng/kg

Khương Lực 13/03/2020 11:12 GMT+7
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đề nghị các doanh nghiệp lớn giảm giá lợn hơi xuống 70.000 đồng/kg. Theo đánh giá của Bộ trưởng, dịch tả lợn châu Phi đã kết thúc với 99% số xã qua 30 ngày không phát sinh và nhiều địa phương đang tái đàn tích cực, hiệu quả thì không lý gì lại thiếu thịt lợn.

Đây là lần thứ hai đích thân Bộ trưởng NN&PTNT đưa ra yêu cầu giảm giá lợn hơi cho các doanh nghiệp, tập đoàn chăn nuôi lớn. Và cũng hiếm khi trong vòng ít ngày, Thủ tướng Chính phủ liên tiếp ra chỉ đạo về tình hình cung cầu thịt lợn, bảo đảm sớm giảm giá thịt lợn theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

img

Nguồn cung đáp ứng, Bộ trưởng yêu cầu các doanh nghiệp đưa giá lợn hơi về ngưỡng 70.000 đồng/kg. Ảnh: K.Lực

Nói về cơ sở để đưa giá lợn hơi xuống quang ngưỡng 70.000 đồng/kg, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, đến nay 99% số xã bị bệnh dịch tả lợn châu Phi đã  qua 30 ngày không phát sinh dịch. 

"Hiện nay, đàn giống lợn cụ kị, ông bà có gần 110.000 con, 2,7 triệu lợn nái và 24 triệu lợn thịt. Với tốc độ tái đàn hiện nay rất nhiều địa phương đang tích cực và hiệu quả, không lý gì lại thiếu thịt lợn" - Bộ trưởng khẳng định.

Cùng với giống, năng lực chăn nuôi của nước ta vẫn đảm bảo khi đáp ứng đủ cám (khoảng 21 triệu tấn), chuồng trại còn nguyên và đã có bài học kinh nghiệm về an toàn sinh họ để nhân rộng cho quy mô hộ vừa, hộ lớn và doanh nghiệp. "Với tất cả những điều đó, tới đây Bộ NN&PTNT sẽ chỉ đạo tăng đàn một cách bài bản, căn cơ, có cơ sở để đảm bảo tăng rất nhanh nhưng bền vững" - Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng cho biết, ngoài việc thúc đẩy tái đàn để tăng cung ứng thịt lợn, chúng ta còn có rất nhiều thực phẩm khác thay thế như gà gần 1,3 triệu tấn thịt, cùng với lượng trứng lớn, sữa, thủy sản... lớn, như vậy không thể thiếu sản phẩm thực phẩm. Trên cơ sở đó, Bộ trưởng khuyến nghị 17 doanh nghiệp "hạt nhân" gương mẫu đi đầu tiên phong có giá định hướng 70.000 đồng/kg thì tất cả những cơ sở khác phải theo. 

"Làm như vậy chúng ta sẽ giải quyết được câu chuyện: một là thúc đẩy phát triển tái đàn một cách bền vững, lâu dài cho thị trường nước ta; thứ hai phù hợp với nhu cầu, người tiêu dùng - sản xuất gặp nhau; thứ ba chúng ta đảm bảo chỉ số tăng giá ở mức độ nhất định, đảm bảo chất lượng tăng trưởng, giữ được bình diện chung về quy luật hàng hóa" - Bộ trưởng nói.

Theo Bộ trưởng, hiện nay giá thành sản xuất heo hơi chỉ xung quang 40.000-45.000 đồng/kg, chúng ta đưa giá heo hơi về mức giá 70.000 đồng là phù hợp để bảo vệ cho thị trường phát triển bền vững. Giá heo hơi tăng cao quá thì hàng hóa nơi khác sẽ "nhảy" vào thì tự ta đánh mất thị trường.

"Tôi tin là một khi khuyến nghị đúng, yêu cầu đúng thì các doanh nghiệp sẽ phải ủng hộ. Lý do không phải ủng hộ ông Bộ trưởng ông hô thế, mà là ủng hộ, bảo vệ thị trường lợn phát triển bền vững. Ông lớn mà không chung tay nay mai chính ông đánh mất thịt trường thì gậy ông lại đập lưng ông" - Bộ trưởng chia sẻ.

Dù vậy, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng lưu ý phải làm đồng bộ từ khâu tái đàn, kiểm soát chặt chẽ thương mại biên giới khi giá lợn hơi ở Trung Quốc ở mức 120.000 đồng/kg và các khâu trung gian ở thị trường trong nước.

"Chúng ta phải làm rất đồng bộ, kể cả thúc đẩy sản xuất để tạo nhiều nguồn, kể cả quản trị thương mại thật tốt, ngăn chặn không để tự phát đem sang biên giới, không để từng chuỗi của chúng ta có những hành vi hoặc có những giải pháp phi thị trường thì chúng ta mới đảm bảo được một mức giá hợp lý chung" - Bộ trưởng khẳng định. 

Chăn nuôi là cứu cánh cho tăng trưởng nông nghiệp năm 2020

Ông Nguyễn Văn Việt, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ NN&PTNT) đánh giá: "Lĩnh vực chăn nuôi trong năm 2020 sẽ có bức tranh sáng, là cứu cánh cho ngành nông nghiệp. Bộ NN&PTNT sẽ cung cấp đủ thịt cho nhu cầu tiêu dùng trong nước. Dự kiến, tổng sản lượng thịt các loại đạt khoảng 5,8 triệu tấn, tăng 16,3% so với năm 2019".

Bộ NN&PTNT dự báo, trong năm 2020, sản lượng thịt lợn ước đạt 3,95 triệu tấn, tăng 19,97% so với năm 2019; thịt gia cầm ước đạt 1,42 triệu tấn, tăng 11,0%; thịt trâu đạt 98,5 nghìn tấn, tăng 3,6%; thịt bò ước đạt 365,3 nghìn tấn, tăng 4,6%; sữa đạt 1,15 triệu tấn, tăng 11,4%; trứng đạt 14,6 tỷ quả, tăng 9,6%.