Dân Việt

Làng quê Việt và ân tình bên những con đê…

14/03/2012 06:38 GMT+7
Dân Việt - Ðê gắn bó với người dân Việt bao đời nay và trở thành biểu tượng đẹp trong ký ức mỗi chúng ta. Mộc mạc chân quê là thế mà đi vào thơ ca, đê thật lãng mạn, thiết tha...
img
Mặt đê tả sông Đáy và điếm canh ở góc quay của đê

Từ xa xưa, người ta đã đắp nên những con đê bằng đất chạy dọc hai bờ sông để ngăn nước dâng tràn mùa lũ, bảo vệ mùa màng và cuộc sống con người. Con đê chính là hình ảnh sống động và ngoan cường của con người trong công cuộc chế ngự tác hại của thiên nhiên.

Ðê gắn bó với người dân Việt bao đời nay và trở thành biểu tượng đẹp trong ký ức mỗi chúng ta. Đê có mặt trong các truyền thuyết, các tác phẩm văn học cổ kim… Mộc mạc chân quê là thế mà đi vào thơ ca, đê thật lãng mạn, thiết tha. Những con đê làng thân thương chứng kiến bao ân tình đôi lứa:

“Con đê làng chụm đầu hai đứa
Tuổi thơ như thể giấc chiêm bao ...”

(Ngọc Khuê)

Khi là sự chờ đợi:

“Hôm qua em đi tỉnh về
Đợi em ở mãi con đê đầu làng…”

(Nguyễn Bính)

Khi là khoảnh khắc chia xa:

“Ngày lấy chồng em đi qua con đê
Con đê mòn lối cỏ về
Có chú bướm vàng bay theo em…”

(Trần Tiến)

Câu chuyện về nhân vật huyền thoại Sơn Tinh chiến thắng Thủy Tinh trong truyền thuyết dân gian, cũng chính là ước vọng chế ngự lũ lụt ở đồng bằng sông Hồng của cư dân Lạc Việt và nhắc nhủ chúng ta biết tầm quan trọng của hệ thống đê điều như thế nào.

Theo tư liệu, Bắc Bộ có 4 hệ thống đê điều. Trong đó, vùng châu thổ sông Hồng có hệ thống đê sông Hồng và hệ thống đê sông Thái Bình. Hệ thống đê sông Hồng với tổng chiều dài hơn 1500 km là hệ thống có quy mô lớn nhất và cũng hoàn thiện nhất trong các hệ thống đê của miền Bắc Việt Nam.

Con đê đầu tiên ở nước ta được đắp vào mùa xuân năm 1108 ở làng Cơ Xá bên kinh thành Thăng Long thời Nhà Lý. Và từ ấy, những con đê ngăn lũ qua năm tháng cứ mọc thêm lên, dài mãi ra… thành hệ thống quy mô như ngày nay. Nhiều thế kỷ trước, đắp đê trở thành một nghĩa vụ hàng năm của công dân.

Hầu hết những con sông ở đồng bằng Bắc Bộ đều có đê hai bên bờ. Đê ngăn lũ nước sông tràn lan và chia đất hai bên bờ thành 2 vùng trong đồng, ngoài bãi. Đê âm thầm uốn lượn theo dòng sông, xuôi mãi… giữ cho xóm làng bình yên và mùa màng tươi tốt.

Nhiều con đê còn là tuyến đường giao thông quan trọng, nối ngược xuôi tình đất tình người. Và bên triền đê những chiều gió lộng, cánh diều tuổi thơ cứ thỏa sức bay lên… Ở đó, ai trong chúng ta không thấy tâm hồn mình trong trẻo?