Dân Việt

Làm báo cùng Dân Việt: Nhìn hạn mặn miền Tây, nhớ tiết kiệm từng hạt nước

Hạn mặn miền Tây đang hoành hành, người ở thành phố cũng xót xa, dùng từng hạt nước có trách nhiệm hơn.

Cuối tuần trước, tôi gặp Mai – một người bạn, để trao đổi về dự án mà hai đứa đang hợp tác làm thêm bên ngoài. 

Mới thấy tôi, Mai đã mặt nặng mày nhẹ: "Tui giận cái con nhỏ phòng số 5 ở xóm trọ tui ghê cơ, 1 tuần nó để tràn nước những 3 lần".

"Bắt con nhỏ đóng tiền nước chênh lên là xong. Bà bực bội chi mấy chuyện đó, để đầu óc thư thả mà làm việc kiếm thêm tiền đây này", tôi chép miệng.

"Tất nhiên nó phải đóng rồi bà, nhưng cái tui giận là miền Tây quê tui đang khát nước ngọt, mà nó toàn bơm nước để tràn, mỗi lần thấy nước chảy mà đau lòng" - Mai nói nguyên nhân giận cô bạn hàng xóm. 

Tôi thầm nghĩ cô của bạn tôi thể hiện tình yêu "quê hương một cách thái quá". Không những vậy, thi thoảng trong câu chuyện, Mai lại dặn tôi: "Phải tiết kiệm nước nghe hôn!", khiến tôi khá bực mình.

img

Người dân miền Tây trữ nước mưa trong những chiếc lu để phòng chống đợt hạn mặn kéo dài.

Bẵng đi một hôm, tôi về Tiền Giang để khảo sát và gặp nhân vật khách mời cho chương trình sẽ quay vào cuối tháng này. Đến nhà nhân vật khách mời thì thấy đóng cổng, gọi điện chú nói có việc đột xuất phải giải quyết, hẹn tôi đầu giờ chiều quay lại.

Trời nắng, biết đi đâu bây giờ? Tôi đánh liều ghé vào nhà hàng xóm của nhân vật khách mời xin ngồi nhờ. Sau một hồi trò chuyện, tôi mới để ý thấy nhà chị có dãy lu xếp bên hông nhà, tôi hỏi nhà chị nấu rượu hay gì mà lắm lu vậy, chị nói lu để chứa nước mưa đó. 

"Dưới này đâu có nước máy như trên thành phố, chỉ có nước giếng khoan nhưng gần tháng nay bơm hổng có lên, may mùa mưa nhà tui hứng được mấy chục lu nên giờ mới có mà xài, mà xài tiết kiệm chứ giờ mua mắc dữ lắm, 250 nghìn đồng một khối đó tiền đâu" - chị nói.

img

Người già, trẻ em mang can đi lấy nước ngọt trong cơn hạn mặn kéo dài ở miền Tây.

img

Người dân mua nước nước ngọt với giá cao khi hạn mặn miền Tây chưa có dấu hiệu kết thúc.

Rồi chị chỉ tay ra phía đường trước nhà, tôi nhìn theo thấy đông người xách theo can nhựa. Chị bảo, họ đi mua nước về xài đó. Nước mắc, có người cả tuần mới tắm một lần. 

"Còn bà Tám cách nhà tui 2 nhà nè, con gái bả sinh đôi về ở cữ, mỗi ngày giặt giũ, sinh hoạt cũng tốn cả khối nước. Bả làm nông, con làm công nhân nên hổng có dư, bả nói với tui 10 ngày mới dám tắm một lần cho tiết kiệm. Trước còn có sông mà tắm nhưng bây giờ họ cũng chặn từ thượng nguồn cạn trơ đáy" - sau khi nghe chị nói, tôi vội cảm ơn rồi xin phép để đi theo mọi người đến điểm mua nước.

Ra đến điểm mua nước của bà con, tôi hỏi một cô: "Thanh niên xóm này đi đâu hết rồi mà không ra chuyển nước hả cô?". 

"Tụi nhỏ rời quê lên thành phố mần việc rồi, chứ dưới này hạn mặn không mần được gì cả". Cô đáp lại.

img

Người dân miền Tây tận dụng nước vo gạo để rửa rau

Báo chí có đăng tải thông tin miền Tây đang hạn hán, bị hạn mặn xâm lấn nhưng thú thực tôi bỏ qua thông tin này, chỉ quan tâm tình hình dịch bệnh Covid – 19 phức tạp ra sao; có thêm bao nhiêu ca nhiễm mới; khu vực nào bị cách ly… 

Tận mắt chứng kiến hạn mặn miền Tây đang hoành hành, tôi đã hiểu vì sao Mai – một người con miền Tây xót xa và phẫn nộ khi thấy hàng xóm của mình xả tràn nước. Đồng thời, nhiều lần dặn tôi phải tiết kiệm nước. Những gì tôi chứng kiến mới chỉ là một vùng nhỏ bé, còn biết bao nơi khác ở miền Tây cũng đang hứng chịu cảnh này.

Về đến nhà, tôi đã tìm và đọc được thông tin: Hạn mặn do biến đổi khí hậu cùng với hàng loạt đập thủy điện mọc lên ở thượng nguồn sông Mê Kông đang khiến các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long khát nước ngọt trầm trọng và Thủ tướng đồng ý chi 350 tỉ đồng cho 5 tỉnh miền Tây ứng phó hạn mặn.

Hy vọng số tiền này sẽ sớm được giải ngân và được dùng đúng mục đích vào các việc như bơm nước, nạo vét đắp đập tạm, đào ao, kéo dài đường ống, thiết bị chở nước và hỗ trợ người dân.