Thông tin trên đã khiến dư luận hết sức hoang mang, nhiều người tiêu dùng quay lưng với thịt lợn. Chiều 13.3, Bộ NNPTNT đã tổ chức cuộc họp khẩn để trấn an dư luận về thông tin này.
Vẫn đang xét nghiệm chất cấm
Trước những dư luận người tiêu dùng có thể quay lưng với thực phẩm “bẩn” - trong đó có thịt lợn, ông Nguyễn Thanh Sơn- Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, đại diện cho Bộ NNPTNT cho biết: Các cơ quan chuyên môn đang ráo riết triển khai lấy mẫu thịt để xét nghiệm và sớm có công bố chính thức.
Bộ NNPTNT khuyến cáo người dân lựa chọn thịt thật kỹ thay vì bỏ dùng thịt lợn. |
Theo ông Sơn, chỉ trong vòng mấy ngày qua, giá heo ở các tỉnh phía Nam đã giảm chỉ còn từ 45.000- 48.000 đồng/kg thay vì 52.000 đồng trước đó.
Ông Nguyễn Chí Công- Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho rằng: “Nhu cầu của thị trường đòi hỏi loại thịt heo quá nạc đã vô hình trung tạo đất cho các hành vi sử dụng chất kích thích tăng trưởng trong chăn nuôi”.
Theo ông Công, thuốc kích thích làm ảnh hưởng lớn đến chăn nuôi, nhất là sản xuất giống. Nhà sản xuất phải bỏ ra số tiền lớn để nhập về những giống lợn cho thịt độ nạc cao, trong khi phải cạnh tranh với loại lợn sử dụng chất kích thích đã bị cấm.
Về phía Bộ Công Thương, ông Đỗ Thanh Lam- Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường cho biết: Chi cục Quản lý thị trường các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước và TP. Hồ Chí Minh đã lấy một số mẫu hóa chất được sử dụng trong chăn nuôi”. Tuy nhiên, ông Lam cho biết, Cục không phải cơ quan chuyên môn về hóa chất nên đang phối hợp với Cục Hóa chất để xét nghiệm các mẫu và sẽ sớm thông báo kết quả.
Không nên mua thịt quá nạc
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Diệp Kỉnh Tần cho biết: “Ngay khi có thông tin về chất cấm phát hiện được dùng trong chăn nuôi ở tỉnh Đồng Nai, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã điện ngay cho lãnh đạo tăng cường kiểm tra, kiểm soát vì xác định nguồn của các loại chất cấm này chủ yếu ở Đồng Nai.
Phát hiện 2,5 tấn chất tăng trọng cho lợn
Ngày 12.3, Đội Quản lý thị trường cơ động (thuộc Chi cục Quản lý thị trường Đồng Nai) kiểm tra đột xuất Công ty TNHH Nhân Lộc, đóng tại xã Bình Lợi, huyện Vĩnh Cửu đã phát hiện gần 2,5 tấn chất tăng trưởng và tạo nạc trong chăn nuôi lợn được đóng bao trọng lượng 20kg, có nhãn mác HT04, HT02. Lực lượng chức năng còn phát hiện 156 gói chất ký hiệu T01, Sumo, Pig-Moke, trọng lượng 1kg/gói, có công dụng làm lợn bung đùi, nhiều nạc, nở mông...
Hải Hà
Ngoài ra, ông Tần cũng cho biết thêm: “Chúng tôi đã làm quyết liệt vấn đề này từ nửa năm nay. Nhưng gần đây chúng ta công bố thông tin thì Trung Quốc ngay lập tức không nhập khẩu thịt của VN. Thịt lợn chúng ta không xuất khẩu được đặc biệt là sang Trung Quốc thì sẽ khó khăn cho người chăn nuôi”.
Theo ông Lê Bá Lịch- Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi VN, nguồn gốc của các chất cấm này là từ Trung Quốc và Thái Lan được các doanh nghiệp buôn bán cho các trang trại chăn nuôi. Theo tôi, khi phát hiện doanh nghiệp kinh doanh buôn bán chất cấm thì phải xem xét xử lý hình sự, chứ cứ phạt hành chính mãi như hiện nay, họ sẽ nhờn.
Theo khuyến cáo của bà Lê Thu Hà (Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp Miền Nam), người tiêu dùng hoàn toàn có thể dùng thực phẩm, nhất là thịt lợn khi thông tin về các chất cấm trong chăn nuôi chưa được kiểm chứng.
Tuy nhiên, theo bà Hà, khi mua thịt người tiêu dùng không nên chọn những miếng thịt lợn quá đỏ, nạc sát da, không có độ đàn hồi tốt (dùng tay ấn vào thịt bị trũng xuống khi bỏ tay ra thịt không trở lại hình dạng ban đầu) và thịt bị chảy nước. Đó rất có thể là loại thịt có sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.
Cần công khai doanh nghiệp sử dụng chất cấm
“Chúng tôi bức xúc và lên án mạnh mẽ đối với doanh nghiệp cũng như người chăn nuôi sử dụng các loại chất cấm. Những vụ việc xảy ra như ở Đồng Nai đã làm ảnh hưởng đến cả hệ thống chăn nuôi. Cần công khai các doanh nghiệp, hộ nuôi sử dụng chất cấm trên các phương tiện truyền thông đại chúng”.
Ông Nguyễn Văn Chiến Chủ nhiệm HTX Chăn nuôi Cổ Đông (thị xã Sơn Tây, Hà Nội)
Không phải tất cả thịt lợn đều nhiễm độc
Chúng tôi khuyến cáo người tiêu dùng là không phải tất cả thịt lợn - kể cả thịt nạc bán trên thị trường hiện nay đều nhiễm độc. Vì thế, người dân có thể hoàn toàn yên tâm khi lựa chọn những thực phẩm sạch, trong đó có thịt lợn. Hiện cũng chưa thể kết luận 30 - 40% thịt lợn bán ra thị trường nhiễm chất kích thích. Tuy nhiên, có thể khẳng định tỷ lệ nhiễm đó chủ yếu ở các cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ do họ sử dụng trực tiếp chất kích thích.
Ông Nguyễn Thanh Sơn - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT)
Hữu Thông