Hiện mỗi ngày hệ thống siêu thị Co.opMart, Co.opFood tiêu thụ từ 40 - 50 tấn rau, củ các loại của Lâm Đồng, chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, TP.HCM cũng nhập trên 20 tấn/ngày. Rau, củ quả của vùng đất cao nguyên này còn được siêu thị Big C, Metro và hàng chục doanh nghiệp khác thu mua hàng chục tấn/ngày. Hầu hết các sản phẩm này đều đã có hoặc đang xây dựng VietGAP.
Rau Đà Lạt trong siêu thị Co.opMart. |
Để có nguồn cung cấp ổn định và lâu dài, các đơn vị này đều có những hợp đồng liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm với nông dân, thậm chí ứng vốn trước. Như vừa qua, Co.opMart đã ký kết hợp đồng liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm VietGAP với HTX Dịch vụ Nông nghiệp tổng hợp Anh Đào và trang trại Phong Thúy của Lâm Đồng.
Anh Nguyễn Công Thừa - Chủ nhiệm HTX Anh Đào, cho biết từ năm 2010, HTX đã được Saigon Co.op Mart đầu tư vốn 10 tỷ đồng với lãi suất 0% để trồng và cung ứng các sản phẩm rau, củ quả cho hệ thống của họ. Năm 2011, mức đầu tư tăng lên 15 tỷ đồng.
Anh đánh giá: "Đây là chương trình có lợi và hiệu quả kinh tế cao. Bởi với cái giá ký bình ổn cả năm với Co.opMart, nông dân chúng tôi có lãi từ 30 - 45% so với giá thành. Lại được ứng trước tiền nên chúng tôi yên tâm mạnh dạn đầu tư sản xuất. Đổi lại, siêu thị cũng không phải lo lắng khi có được nguồn hàng dồi dào, ổn định và chất lượng cao".
Không chỉ có các sản phẩm rau, củ quả việc sản xuất các loại hoa cắt cành theo tiêu chuẩn VietGAP cũng đang được tỉnh Lâm Đồng, doanh nghiệp và người dân quan tâm. Đáng kể nhất là việc xây dựng liên minh sản xuất và tiêu thụ hoa cúc theo VietGAP trong năm qua (dự án do Ngân hàng Thế giới tài trợ). Liên minh được thành lập giữa Công ty CP Công nghệ sinh học rừng hoa Đà Lạt với 41 hộ nông dân trồng hoa.
Theo đó, mỗi hộ dân sẽ nhận được khoản đầu tư khoảng 40 triệu đồng (không hoàn lại) để xây dựng nhà kính và lắp đặt hệ thống nước tưới. Công ty Rừng hoa Đà Lạt được hỗ trợ gần 400 triệu đồng để chuyển giao kỹ thuật trồng hoa cúc công nghệ cao cho nông dân và quảng bá sản phẩm do liên minh sản xuất.
Ông Nguyễn Đình Sơn - Giám đốc Công ty Rừng hoa Đà Lạt, cho biết mục tiêu của liên minh hướng đến là nâng tỷ lệ hoa cúc đạt tiêu chuẩn xuất khẩu từ 5% hiện nay lên 30%, nâng giá mua hoa từ 700 đồng/cành lên 1.400 đồng/cành; từng bước giúp cho nông dân Lâm Đồng chuyển từ phương thức canh tác hoa truyền thống sang quy trình sản xuất kỹ thuật cao, từ đó nâng cao thương hiệu hoa Đà Lạt lên hơn nữa.
Ngọc Minh