Dân Việt

Hạ lãi suất cho vay: Doanh nghiệp nông thôn vẫn khó vay vốn

14/03/2012 16:37 GMT+7
(Dân Việt) - Hạ lãi suất cho vay là rất tốt, song các ngân hàng cần tạo thuận lợi về thủ tục, nếu không các doanh nghiệp (DN) nông thôn vẫn khó tiếp cận được vốn vay.

Lãi thấp nhưng khó vay

Chiều 13.3, trao đổi với phóng viên NTNN, ông Lê Bá Lịch - Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi VN bày tỏ: "Việc hạ lãi suất lần này, theo chủ quan của tôi, mục đích của các ngân hàng là giảm lãi suất huy động, còn việc cho vay với lãi suất thấp đến đâu lại vẫn là quyền của họ, tùy thuộc vào đối tượng DN được vay và là một việc hoàn toàn khác. Các DN chăn nuôi không biết có vay nổi không?!" - ông Lịch nói.

img
Tiếp cận được vốn là mơ ước của nhiều doanh nghiệp nông thôn lúc này (ảnh minh họa).

Ngành thủy sản được xếp vào lĩnh vực ưu tiên nhưng theo đại diện các DN, việc tiếp cận nguồn vốn của các ngân hàng vẫn vô cùng khó. Ông Nguyễn Hữu Dũng - Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản VN (VASEP) cho biết, DN thủy sản rất cần vốn để thu mua nguyên liệu chế biến hàng xuất khẩu nhưng thời gian qua đều khó tiếp cận vốn vay ngân hàng. Nông dân nuôi trồng thủy sản thì càng khó tiếp cận vốn vay hơn vì nông dân thường không có tài sản thế chấp, sản xuất lại rủi ro cao.

Ông Nguyễn Văn Hùng - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hùng Cá (Đồng Tháp) kinh doanh trong lĩnh vực thủy sản cho biết, DN ông đã tiếp cận được nguồn vốn với lãi suất từ 16-17,5%, tức thấp hơn trước từ 0,7-1%. Nhưng để được vay với lãi suất thấp, DN phải thanh toán hàng xuất khẩu qua ngân hàng cho vay vốn, các khoản vay phải trên 40 tỷ đồng… “Hiện tại, chỉ có một số DN lớn mới vay được với mức lãi suất như đã giảm, còn một DN nhỏ vẫn phải vay với mức cao hơn” - ông Hùng cho hay.

Ông Võ Minh Khải - Giám đốc Nông trại Viễn Phú (huyện U Minh, Cà Mau) bức xúc: Tiếng là ưu đãi cho doanh nghiệp làm nông nghiệp nhưng trước giờ, nông trại của tôi chưa hề vay được 1 đồng nào của ngân hàng mà toàn phải vay ngoài. Nên dù lãi suất vay có hạ thì cũng chả tác dụng gì với doanh nghiệp của tôi”.

Mặc dù lãi suất đã giảm và một số tổ chức tín dụng đều khẳng định sẵn sàng đáp ứng vốn, nhưng DN chắc chắn vẫn khó tiếp cận vốn ngân hàng vì điều kiện cho vay chặt chẽ.

Ông Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch Hiệp hội DN vừa và nhỏ cho biết, đa phần DN nhỏ và vừa cần vốn để đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh nhưng không còn đủ tài sản để thế chấp cho khoản vay mới. Trong khi đó, các tổ chức tín dụng đòi hỏi DN phải có tài sản đảm bảo với tỷ lệ cao hơn nhu cầu vay vốn khoảng 20-30% mới được duyệt hồ sơ.

Theo ông Ngô Đa Thọ - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần IDP, DN minh bạch tài chính, có phương án sản xuất kinh doanh khả thi và đủ tài sản thế chấp mới dễ tiếp cận nguồn vốn ngân hàng, trong khi hầu hết DN lĩnh vực nông nghiệp đều yếu và không có tài sản thế chấp.

Cần giảm bớt thủ tục

Tuy việc hạ lãi suất cho vay được công bố rộng rãi nhưng không phải DN nào cũng tiếp cận được với mức lãi suất thấp. Đa phần các ngân hàng đều cho biết vốn ưu đãi chỉ dành cho một số đối tượng nhất định, và chỉ chiếm khoảng vài phần trăm so với tổng dư nợ cho vay. Không những thế, lãi suất công bố hạ nhưng điều kiện vay lại không có nhiều thay đổi nên các DN vẫn như “mò kim đáy bể”.

Theo Nghị định 41, mỗi hộ nông dân có thể vay 50 triệu đồng, những hộ không đủ điều kiện như hộ nghèo và cận nghèo sẽ được vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Đối với các chủ trang trại, hộ sản xuất lớn nếu có phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả, đặc biệt là các DN xuất khẩu, tạo đầu ra cho nông dân thì ngân hàng vẫn ưu tiên nguồn lực. Tuy nhiên, trên thực tế có những vướng mắc, cản trở rất khách quan khiến DN và người dân vẫn khó vay vốn.

Ông Lê Bá Lịch kiến nghị, các ngân hàng cần có giải pháp tháo gỡ những khó khăn, giúp cho nguồn vốn đến với nông dân thuận lợi và hiệu quả hơn. Cụ thể là ngân hàng cần thực hiện cải tiến quy trình thủ tục cho vay cho phù hợp với đặc điểm sản xuất nông nghiệp, nông dân, nông thôn; theo phân loại khách hàng...

Sacombank đã đưa ra cam kết cho các DN xuất nhập khẩu vay 1.000 tỷ đồng, lãi suất tối thiểu 16,5%/năm. Ngân hàng Bưu điện Liên Việt cũng đã công bố những cá nhân vay vốn theo đề án tín dụng nông nghiệp, nông thôn sẽ được hỗ trợ lãi suất 1 điểm phần trăm/năm, tức 16%/năm so với mức 17% phổ biến của các ngân hàng.

Ngân hàng Quốc tế (VIB) sẽ dành 4.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi thấp hơn trung bình 1,5 điểm phần trăm so với lãi suất cho vay thông thường dành cho các DN trong lĩnh vực xuất khẩu ở các ngành gạo, thuỷ sản, dệt may, gỗ, cà phê.

Ông Nguyễn Hải - Tổng thư ký Hiệp hội Mía đường cũng cho rằng, hạ lãi suất là điều cần làm, nhưng quan trọng không kém là làm sao là để DN vay được vốn với thời gian ngắn và thủ tục thông thoáng.

"Từ nay đến cuối vụ mía đường, nếu DN chúng tôi không vay được vốn thì chỉ còn cách ngưng trệ sản xuất, không mua nổi mía cho nông dân"-ông Hải nói.

Ông Trần Quốc Mạnh-Phó Chủ tịch Hiệp hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM thẳng thắn cho rằng: “Đừng để việc giảm lãi suất ngân hàng như một đòn tâm lý với DN. Các DN mong muốn các ngân hàng cần thực sự ưu tiên cho DN, đặc biệt DN nông thôn, DN nhỏ và vừa để các DN này tiếp cận dễ dàng các nguồn vốn lãi suất đã giảm.