Trước khi đi đến thảo luận ACV đã có văn bản tố Bamboo Airways chậm thanh toán tiền dịch vụ và đang nợ 205 tỷ đồng (tính đến ngày 18/3/2020). Đây là số tiền mà tổng số nợ quá hạn là hơn 178,7 tỷ đồng, bao gồm 107,3 tỷ đồng phí dịch vụ phục vụ hành khách, soi chiếu an ninh hành khách, hành lý mà Bamboo Airways đã thu hộ ACV.
Trong đó, số tiền còn lại là 71,3 tỷ đồng tiền dịch vụ phục vụ mặt đất, phục vụ cảng do ACV trực tiếp cung cấp cho Bamboo Airways. Bên cạnh các khoản trên, Bamboo Airways còn 25,7 tỷ đồng nợ chưa tới hạn trả và 4,5 tỷ đồng tiền lãi quá hạn theo hợp đồng giữa hai bên.
Do việc kinh doanh gặp khó khăn, đặc biệt là ảnh hưởng từ dịch Covid-19 khiến cho Bamboo Airways chưa thể thanh toán nợ đúng hạn theo quy định hợp đồng đã ký trước nên ACV đã thường xuyên có văn bản đốc thúc.
Theo ACV, việc thực hiện hợp đồng về điều khoản thanh toán, Hãng Bamboo Airways thường xuyên không đúng thời hạn thanh toán và không đảm bảo mức bảo lãnh thanh toán thực hiện hợp đồng theo đúng quy định của hợp đồng đã ký kết.
ACV lấy dẫn chứng, từ tháng 5/2019 đến nay, ACV đã có 24 văn bản yêu cầu Bamboo Airways thanh toán các khoản nợ quá hạn nhưng chưa được thanh toán. Để đòi được khoản nợ này, ACV đề nghị Bộ GTVT và Cục Hàng không yêu cầu Bamboo Airways thanh toán số công nợ trên với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước về hàng không và là đơn vị cấp phép vận hành hàng không cho Bamboo Airways.
Trước những khoản nợ trên đến kỳ thanh toán, Bamboo Airways của tỷ phú Trịnh Văn Quyết cũng đã tìm các giải pháp để thảo luận với ACV để tìm hướng giải quyết trong thời kỳ khó khăn, dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp.
Thông tin mới nhất được Bamboo Airways phát đi đã lý giải rằng, việc chậm trả tiền nợ là do tiến trình thanh toán chi phí dịch vụ giữa ACV và Bamboo Airways đang phát sinh một số khúc mắc giữa hai bên.
"Trong đó, đáng nói là chi phí một số hạng mục dịch vụ ACV cung cấp cho Bamboo Airways đang ở mức cao hơn so với mặt bằng chung, cá biệt một số khoản cao hơn gấp rưỡi đến gấp đôi" Bamboo Airways lý giải khoản nợ.
Theo đó, Bamboo Airways đưa ra dẫn chứng, chi phí sử dụng hạ tầng, trang thiết bị tại các cảng hàng không hầu hết đều đang chịu ở mức tối đa trong khung giá quy định của Bộ GTVT, mặc dù điều kiện về chất lượng hạ tầng, trang thiết bị, năng lực của các cảng hàng không là khác nhau; Giá dịch vụ mặt đất cơ bản và dịch vụ phát sinh cho chuyến bay Bamboo Airways hiện phải chi trả cao hơn đáng kể so với các hãng hàng không khác…
Hiện trạng này dẫn đến phát sinh nhiều đợt kiểm tra, rà soát từ cả hai phía trong thời gian vừa qua, kéo theo các cuộc thảo luận song phương kéo dài, dẫn đến tiến độ chi trả bị trì hoãn, trong khi chờ đợi sự thống nhất cuối cùng từ hai đơn vị.
"Do biến cố dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều hoạt động của các hãng hàng không bị đình trệ, hoãn, huỷ hàng loạt chuyến bay khiến doanh thu giảm sút đột ngột, trong đó có Bamboo Airways. Thiệt hại ban đầu của hàng không Việt khoảng hơn 30.000 tỷ đồng", Bamboo Airways thiệt hại do dịch Covid-19.
Đứng trước những khó khăn nêu trên, Bamboo Airways đang tích cực điều chỉnh phương án kinh doanh để thích ứng với điều kiện mới, đồng thời đàm phán với ACV để tiến tới sự đồng thuận, hỗ trợ trong giai đoạn khó khăn hiện tại.
Bamboo Airways của ông Trịnh Văn Quyết cũng mong muốn nhận được trợ lực từ các chính sách hỗ trợ kịp thời từ Chính phủ, bao gồm điều chỉnh giảm hoặc xóa bỏ thuế, phí đối với một số dịch vụ, hoạt động chuyên ngành hàng không, giãn thời hạn nộp thuế và các khoản đóng góp ngân sách.
Đặc biệt, là sự thấu hiểu và đồng hành từ đối tác thông qua việc điều chỉnh giảm một số chi phí và thời hạn thanh toán một cách phù hợp với hoạt động của từng đơn vị trong giai đoạn khó khăn chung này.