Hội nghị này chưa đạt được sự nhất trí cần thiết về thỏa thuận pháp lý mới thay thế cho Nghị định thư Kyoto sẽ hết hiệu lực vào năm 2012, nhưng lần đầu tiên đề ra được mục tiêu chung là không để nhiệt độ khí hậu Trái đất tăng quá 2 độ C so với ở thời kỳ trước khi có quá trình công nghiệp hóa trên Trái đất và lần đầu tiên sẽ thành lập quỹ hỗ trợ tài chính cho các nước đang phát triển và nghèo chuyển đổi cơ cấu kinh tế và phát triển kinh tế xã hội theo hướng có lợi cho việc bảo vệ khí hậu Trái đất, bảo toàn rừng nhiệt đới và cam kết giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính được các nước công nghiệp phát triển khẳng định.
So với thất bại của hội nghị cách đây 1 năm ở Copenhagen (Đan Mạch) thì chỉ những kết quả ấy không thôi cũng là bước tiến quan trọng. Một khi nhận thức được củng cố, quyết tâm được duy trì, cam kết được tái khẳng định, tiến trình không bị đổ vỡ thì cơ hội đạt được mục tiêu đề ra vẫn còn được bảo toàn và hy vọng chưa phải đã hoàn toàn mất cơ sở.
Hội nghị này trên thực tế đã chuyển giao quyết định cuối cùng cho hội nghị lần tới tại Durban (Nam Phi) vào năm 2011 và khi đó thì các thành viên Liên Hợp Quốc không còn có thể trì hoãn được nữa. Khi đó sẽ là chuyện tồn tại hay không tồn tại đối với toàn bộ tiến trình bảo vệ khí hậu Trái đất. Hội nghị ở Durban được trao cho sứ mệnh lớn lao và bị đặt trước thách thức lớn. Hội nghị Cancun tránh được thất bại, nhưng lại làm khó cho hội nghị tiếp theo.
Triệu Anh Túc