Dân Việt

Tôn vinh tín ngưỡng tại Lễ Giỗ tổ Hùng Vương

07/03/2013 06:21 GMT+7
Giỗ tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm nay có thêm niềm vui, niềm vinh hạnh lớn lao là được gắn với chương trình tôn vinh, đón nhận bằng công nhận "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại".

Giỗ tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2013 do UBND tỉnh Phú Thọ chủ trì tổ chức, với sự tham gia của 9 tỉnh: Lạng Sơn, Hà Nam, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Đắk Lắk, Bình Định, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và Tiền Giang.

img

Lễ hội sẽ được tổ chức trong 7 ngày, từ ngày13-19.4. 2013(tức từ ngày 4-10.3 âm lịch). Phần lễ năm nay có chương trình đặc biệt: Tôn vinh, đón nhận bằng công nhận "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại". Bên cạnh đó là lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng; lễ giỗ Quốc Tổ Lạc Long Quân; lễ dâng hương tưởng niệm Tổ Mẫu Âu Cơ...

Phần hội cũng sẽ có nhiều hoạt động đa dạng và đặc sắc. Các hoạt động văn hoá, thể thao được tổ chức với qui mô rộng khắp từ thành phố Việt Trì cho đến Trung tâm lễ hội Đền Hùng và các vùng phụ cận gắn với tôn vinh di sản văn hóa "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ".

Tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng sẽ diễn ra các hoạt động: rước kiệu của các xã vùng ven; hội trại văn hoá, biểu diễn nghệ thuật, trưng bày sản vật và văn hoá ẩm thực của các huyện, thành, thị trong tỉnh; trình diễn diễn xướng văn hoá dân gian các dân tộc tỉnh Phú Thọ; Liên hoan hát xoan và dân ca Phú Thọ lần thứ 3; hội thi gói, nấu bánh chưng, giã bánh giầy; triển lãm ảnh "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trong đời sống văn hóa cộng đồng"; trưng bày, giới thiệu các loài hoa phong lan; tổ chức các hoạt động thể thao: bóng chuyền nam, cờ tướng, vật dân tộc và bắn nỏ...

Để Lễ hội đền Hùng 2013 trở thành một lễ hội mẫu mực trong tổ chức và đón nhận được tình cảm yêu mến của người dân, UBND tỉnh Phú Thọ đã chỉ đạo các ngành liên quan hoàn thành mặt bằng Quảng trường Hùng Vương và cấp điện khu vực này đảm bảo cho tổ chức các hoạt động quan trọng của lễ hội; đảm bảo an ninh trật tự trước, trong và sau lễ hội. Đến thời điểm hiện nay nhiều hạng mục trong Khu di tích lịch sử đền Hùng đã được hoàn thành như: bãi đỗ xe P2, nhà làm việc, nhà đón tiếp, đền thờ Lạc Long Quân, khuôn viên, vỉa hè từ cổng biểu tượng đến ngã năm đền Giếng...

Bên cạnh đó, tỉnh Phú Thọ cũng chỉ đạo các ngành liên quan xây dựng kế hoạch và triển khai các phương án đảm bảo an ninh trật tự; bố trí sắp xếp các khu vực bán hàng dịch vụ và thực hiện niêm yết giá tại các địa điểm bán hàng dịch vụ; phân công lực lượng hướng dẫn du khách thực hiện nghi thức Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương theo truyền thống, nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho nhân dân về thăm viếng Đền Hùng và tri ân công đức tổ tiên.

Ngày 6.12.2012, tại kỳ họp lần thứ 7, Ủy ban liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể đã chính thức công nhận Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ, Việt Nam là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Việc ghi danh Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương vào Danh sách Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại sẽ góp phần vào việc công nhận tầm quan trọng của nghi lễ thờ cúng tổ tiên ở nhiều nước khác, qua đó khuyến khích cộng đồng vừa thừa nhận sự tương đồng, đồng thời tạo điều kiện cho sự thúc đẩy tôn trọng đa dạng văn hóa.

Ngay sau khi được UNESCO công nhận, lãnh đạo tỉnh Phú Thọ đã cam kết với Ủy ban liên Chính phủ Công ước 2003: Việt Nam sẽ làm hết sức mình thực hiện nghiêm túc Công ước 2003 để cùng với cộng đồng trao truyền, thực hành, giáo dục thế hệ trẻ bảo vệ và phát huy giá trị di sản này để di sản mãi trường tồn cùng dân tộc xứng đáng là di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại.

 Theo Báo Kinh tế Việt Nam