Chứng khoán ngày 30/3 trải qua một ngày đầy khó khăn và tiêu cực khi dịch Covid-19 đang ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn. Không quá ngạc nhiên khi sắc đỏ sớm bao trùm bảng giao dịch điện tử trên tất cả các sàn. Tới giờ nghỉ trưa, VN-Index và VN30-Index vẫn mất hơn 5%. Tới giờ đóng cửa, đà giảm được hạn chế và lấy lại được mốc 660 điểm nhưng mất mát vẫn rất lớn.
Thị trường chứng khoán 31/3: Chưa thể lạc quan
Chốt phiên đầu tuần, VN-Index giảm 33,8 điểm, tương đương 4,86% xuống 662,26 điểm. VN30-Index giảm 29,21 điểm, tương đương 4,55% xuống 613,02 điểm. Thanh khoản toàn sàn TP.HCM đứng ở mức thấp, chỉ có hơn 233 triệu cổ phiếu, tương đương 3.442 tỷ đồng được chuyển nhượng thành công, giảm 95 triệu cổ phiếu, tương đương 29% về khối lượng và giảm 978 tỷ đồng, tương đương 22,1% về mặt giá trị so với cuối tuần trước.
Thanh khoản đi lùi khi lực cầu giảm sâu. Có vẻ như nhà đầu tư chưa sẵn sàng giải ngân khi tình hình dịch bệnh vẫn còn căng thẳng. Nhưng có một tín hiệu tích cực đó là đà bán tháo không diễn ra trên toàn thị trường mà chỉ tập trung vào một vài mã.
"Với những biến động mạnh của thị trường chứng khoán trong thời gian qua và xu hướng này chưa có dấu hiệu dừng lại. Chúng tôi vẫn chưa thấy điểm khả quan nào của thị trường để khuyến nghị nhà đầu tư tham gia thị trường trong lúc này" VDSC nhấn mạnh.
Trong khi đó, BVSC dự báo, VN-Index sẽ kiểm định vùng hỗ trợ 600-650 điểm trong phiên giao dịch hôm nay 31/3.
Cổ phiếu hàng không lại"khóc ròng", DN của Johnathan Hạnh Nguyễn thêm gần 270 tỷ
Có thể nhận thấy trong phiên giao dịch ngày hôm qua, các cổ phiếu ngành dịch vụ sân bay, hàng không vẫn đang chìm trong "chảo lửa" khi đồng loạt rớt giá sau công văn hỏa tốc của bộ Giao thông Vận tải (GTVT).
Đơn cử như cổ phiếu Công ty cổ phần (CTCP) Hàng không Vietjet (VJC) đã giảm 400 đồng (-0,41%) trên mỗi cổ phiếu và lui về giá 96.500 đồng/cp, tương ứng giảm 25% kể từ đầu tháng 3 đến nay.
Với mức giảm này, vốn hóa của Hàng không Vietjet bốc hơi hơn 12.700 tỷ trong vòng 1 tháng qua.
Cổ phiếu HVN của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) phiên này "rớt" mạnh 6,22%, giá hiện tại 18.100 đồng/cp.
Bên cạnh đó, cổ phiếu Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cũng giảm thêm 2.300 đồng/cp và lui về giá 42.600 đồng/cp.
Tình hình không khá khẩm hơn với nhiều gương mặt khác của ngành hàng không, dịch vụ sân bay khác. Cổ phiếu CTCP Dịch vụ hàng hóa Nội Bài (NCT) giảm 1,3%, CTCP Phục vụ mặt đất Sài Gòn (SGN) rớt 0,48%.
Ngược dòng, cổ phiếu của CTCP Dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất (SASCO – mã ck: SAS) do ông Johnathan Hạnh Nguyễn làm Chủ tịch lại tăng 8,77%. Tương ứng, vốn hóa của SASCO tăng thêm gần 270 tỷ trong phiên này.
Liên quan đến hoạt động của các hãng hàng không, từ ngày 30/3 - 15/4, Bộ GTVT hạn chế một số đường bay nội địa đến Hà Nội, TP. HCM, Phú Quốc, Đà Nẵng do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. Thông tin này đã phần nào tác động tới cổ phiếu của nhóm ngành này trong phiên giao dịch ngày 30/3.
Cụ thể, Thứ trưởng Bộ giao thông Vận tải (GTVT) Lê Anh Tuấn mới đây đã có công văn hoả tốc yêu cầu Cục hàng không Việt Nam (HKVN) hạn chế một số đường bay nội địa đến Hà Nội, TP. HCM, Phú Quốc, Đà Nẵng từ ngày 30/3 đến 15/4.
Theo đó, đối với đường bay Hà Nội - TP HCM, mỗi hãng hàng không Việt Nam chỉ được khai thác 1 chuyến/ngày. Các đường bay Hà Nội - Đà Nẵng/Phú Quốc - Hà Nội và TP HCM - Đà Nẵng/Phú Quốc - TP HCM các hãng cũng chỉ được khai thác 1 chuyến/ngày/đường bay.
Đối với các đường bay còn lại đi và đến Hà Nội và TP HCM sẽ phải dừng toàn bộ. Tuy nhiên, đối với các chuyến bay không vận chuyển hành khách sẽ không bị hạn chế khai thác.
Đặc biệt, Bộ GTVT cũng căn cứ đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc cắt giảm các chuyến bay đi/đến, kịp thời đề xuất phương án, báo cáo Bộ GTVT xem xét quyết định.
Trong trường hợp đặc biệt phát sinh nhu cầu chuyên chở hành khách từ các cảng hàng không địa phương đến Hà Nội, TP HCM và ngược lại, các hãng hàng không có thể đề nghị đến Cục HKVN từng trường hợp cụ thể để xem xét quyết định.