Dân Việt

Đức đang muốn tái hiện thành công cách chống Covid-19 của Hàn Quốc ra sao?

Vương Nam – Daily Mail 31/03/2020 11:40 GMT+7
Đức đang muốn áp dụng một trong những biện pháp được xem là giúp ngăn chặn dịch Covid-19 lây lan thành công nhất ở Hàn Quốc vào cuộc chiến chống dịch, trong bối cảnh đã có hơn 66.000 ca nhiễm virus được ghi nhận tại nước này.

Chính phủ của bà Angela Merkel đã lên kế hoạch xét nghiệm cho 200.000 người mỗi ngày để lọc những ca nhiễm Covid-19 ra khỏi cộng đồng. Xét nghiệm diện rộng được xem là biện pháp quan trọng nhất giúp Hàn Quốc chặn đứng được nguy cơ dịch bệnh lây lan.

Xét nghiệm Covid-19 tại Đức được thực hiện nhiều hơn bất kỳ quốc gia châu Âu nào khác với 500.000 người được xét nghiệm/tuần. Tuy nhiên, nước này đang muốn nâng các trường hợp được làm xét nghiệm nhiều hơn gấp đôi con số này.

Tiêu chí được làm xét nghiệm Covid-19 của Đức rất rộng, bao gồm cả người có biểu hiện nhẹ và những người từng tiếp xúc với người nhiễm virus. Ngoài đẩy mạnh xét nghiệm, Đức còn có kế hoạch sử dụng công nghệ để theo dõi sự di chuyển của bệnh nhân, tránh những trường hợp dương tính với virus tiếp xúc với cộng đồng.

Kế hoạch của Đức giống với chiến lược "truy dấu, xét nghiệm và điều trị" đã giúp Hàn Quốc kiểm soát dịch Covid-19, bao gồm sàng lọc hàng loạt trường hợp nghi nhiễm và sử dụng nhiều công nghệ để truy dấu tiếp xúc. 

img

Bệnh nhân nhiễm Covid-19 tại Pháp được đưa sang Đức điều trị (ảnh: Daily Mail)

“Hàn Quốc có thể là một ví dụ thành công trong việc sử dụng ứng dụng để theo dõi việc di chuyển của người nhiễm virus thông qua điện thoại di động. Mặc dù Hàn Quốc và Đức là 2 quốc gia khác nhau, nhưng chiến lược chống virus của Hàn Quốc là một ví dụ tốt”, Chủ tịch Viện dịch tễ Robert Koch (RKI) của Đức - ông Lothar Wieler, cho biết.

"Điểm mấu chốt là truy dấu dữ liệu điện thoại di động", ông Lothar Wieler nói thêm

Giám sát điện thoại là một vấn đề nhạy cảm ở Đức, tuy nhiên, Bộ trưởng Y tế Đức – ông Jens Spahn, cho biết, sẽ khó có thể ngặn chặn dịch bệnh lây lan ở quốc gia này nếu không có sự theo dõi đầy đủ.

Tỷ lệ tử vong của người nhiễm Covid-19 tại Đức là 0,8%, tại Italia là 11%, Pháp là 6,5% và Anh là 6,3%.

img

Một điểm xét nghiệm Covid-19 tại Đức (ảnh: Daily Mail)

Giới chức y tế Đức cho rằng, tỷ lệ tử vong do Covid-19 tại nước này thấp hơn so với nhiều quốc gia khác cùng khu vực là do thực hiện việc xét nghiệm hàng loạt. Các trường hợp nhiễm virus sẽ nhanh chóng được phát hiện và tách khỏi những người có nguy cơ tổn thương cao. Thêm vào đó, Đức có dân số trẻ hơn một chút so với các nước còn lại.

Bộ trưởng Y tế Đức – ông Jens Spahn, dự báo, nếu không nhanh chóng mở rộng xét nghiệm, Đức sẽ phải đối mặt với “một cơn bão” các trường hợp nhiễm mới virus trong vài tuần sắp tới.

Bộ Y tế khuyến cáo về việc cách ly, theo dõi sức khỏe trong phòng chống Covid-19:

- Đối với những người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Phải cách ly ngay tại cơ sở y tế trong vòng 14 ngày, đồng thời lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm.

- Đối với người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú, cư trú trong vòng 14 ngày và thông báo với chính quyền cơ sở (phường, xã, thị trấn) và phải theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe. Nếu thấy có biểu hiện sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, mệt mỏi, ớn lạnh hoặc khó thở thì lập tức cho cách ly ngay tại cơ sở y tế và lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm.

- Thường xuyên đeo khẩu trang, che miệng khi ho, hắt hơi.

- Rửa tay bằng xà phòng liên tục để tránh nguy cơ lây truyền bệnh cho những người khác.

- Chia sẻ lịch trình di chuyển của bản thân với nhân viên y tế.

- Gọi ngay đến đường dây nóng thông báo thông tin: 1900322819009095.

Giới siêu giàu châu Á đua nhau mua đảo để lập ”pháo đài” chống Covid-19

Trong khi nhiều người đang phải cách ly ở những căn hộ nhỏ rộng hơn 100 mét vuông vì dịch Covid, giới siêu giàu châu Á...